ClockThứ Sáu, 09/08/2024 13:11

Tìm hướng kéo giảm tảo hôn, sinh con thứ 3 ở A Lưới

TTH - UBND huyện A Lưới tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đây là một trong những yếu tố hàng đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, hướng đến công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của tuổi trẻĐôi vợ chồng ở vùng cao “tham” lao độngChàng trai Pa Cô lan tỏa tinh thần vươn lên

Tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên tại A Lưới 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số trẻ được sinh ra trên địa bàn huyện A Lưới là 388 trẻ, tăng 31 trẻ so với cùng kỳ năm 2023; trong đó con thứ 3 trở lên là 110 trẻ, chiếm tỷ lệ 28,4%, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở một số xã vẫn còn ở mức cao, cụ thể: Đông Sơn 46,2%, Trung Sơn 45,7%, A Ngo 40,9%, Hồng Bắc 35,3%... Toàn huyện có 7 trường hợp tảo hôn, giảm 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 và không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Ông Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết, mức sinh ở Thừa Thiên Huế còn rất cao, nằm trong nhóm 33 tỉnh, thành có mức sinh cao nhất cả nước, cao nhất là Nam Đông và A Lưới. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 - 49 tuổi chiếm tỷ lệ cao so với dân số làm cho mức sinh giảm chậm…

Nguyên nhân một phần là do nguồn thuốc cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai miễn phí trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, xuất phát từ nguồn thuốc miễn phí và xã hội hóa từ trung ương cắt bị giảm mạnh và không có, do khó khăn trong công tác đấu thầu. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác phòng, chống tảo hôn và sinh con thứ 3. Cụ thể: Việc xây dựng cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên chưa được đầu tư thích đáng; một số nhận định của người dân về già hóa dân số, cho phép sinh con thứ 3 trở lên từ dư luận đã gây bất lợi trong quá trình vận động người dân thực hiện chính sách dân số…

A Lưới đã chính thức thoát khỏi 74 huyện nghèo của cả nước. Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, việc đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân số là rất quan trọng. Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, mỗi gia đình cần ý thức trong việc sinh đủ hai con. Hơn nữa, cần ngăn chặn, giảm thiểu tảo hôn vì tảo hôn là vi phạm pháp luật và sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng dân số dẫn đến những hệ lụy kéo dài.

Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi (thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 9), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Sở Y tế đã phối hợp với các ngành, đoàn thể đưa nội dung tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào kế hoạch triển khai hoạt động năm 2024 của các đơn vị.

Nhiều năm qua, Trung tâm Y tế huyện A Lưới đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền huyện, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, địa phương, tổ chức các hội nghị, hội thảo, cử cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số đến từng hộ gia đình tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Bên cạnh đó, thành lập các câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trở lên ở cơ sở nhằm tuyên truyền, triển khai các biện pháp hạn chế tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính; vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, không phân biệt con trai, con gái...

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không sinh con thứ 3, huyện tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, Ban Dân tộc tỉnh, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo vận động trẻ đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học sớm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông cung cấp kiến thức về sự phát triển tâm, sinh lý, sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì, giáo dục giới tính, giáo dục tình dục, Luật Hôn nhân và Gia đình, chú trọng các nhóm đối tượng vị thành niên, thiếu niên nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn toàn huyện.

Bài, ảnh: Bạch Châu
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa
Khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại A Lưới

Ngày 24/12, Đoàn viên thanh niên, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) phối hợp với Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại thôn A Rom, xã Hồng Hạ (A Lưới).

Khánh thành công trình thanh niên Thắp sáng đường quê tại A Lưới

TIN MỚI

Return to top