ClockThứ Tư, 21/06/2023 16:48

Sự trở lại của sen

TTH.VN - Diện tích sen mở rộng cũng đồng nghĩa với diện tích mặt nước ô nhiễm, nhếch nhác được thu hẹp dần. Sen không chỉ dừng ở các khu di sản mà còn hiện hữu ở các hồ cảnh quan của đình chùa miếu điện, khoe sắc tỏa hương ở cả những miền quê xa xôi…

Khá nhờ trồng senNâng cao ý thức, giảm thiểu ô nhiễm môi trườngNgày hội Sen Huế năm 2023 được tổ chức từ ngày 23 - 25/6Phục hồi diện mạo di tích HuếLan tỏa giá trị sen Huế

leftcenterrightdel
Sen ở Hộ thành hào 

 Ngày cũ và niềm mơ

Cách đây 45 năm, khi ấy tôi đang học lớp 6, đến kỳ nghỉ hè, một nhóm bạn trong lớp xin ba mẹ cho đi biển chơi, tất nhiên là biển gần nhất của quê nhà: Thuận An. Chỉ sáng đi chiều lên thôi, và phương tiện hồi ấy không gì khác ngoài xe đạp. Vậy mà đứa nào cũng háo hức, cũng thao thức không ngủ. Từ hôm trước đã lo chuẩn bị thức ăn, nước uống, rồi tập trung đến nhà một bạn nào đó rộng rãi, thuận đường nhất để ngủ lại để sáng mai cùng nhau thức dậy đạp xe đi sớm, mục tiêu là sao đó để về đến biển vẫn còn kịp ngắm cảnh mặt trời lên.

Chờ mãi rồi chuông chùa cũng đánh, cả bọn lập tức nhỏm dậy, vệ sinh chớp nhoáng rồi í ới dắt xe khởi hành. Đường đi phải ngang qua cầu “cửa Ngăn” của Kinh thành Huế. Không nhắc mà cả bọn bỗng đều thắng xe dừng lại. Trời ạ, dưới chân cầu là cả một thảm sen trắng muốt, ngào ngạt hương nhộm thanh khiết cả không gian. Lũ con nít chúng tôi có bao giờ thức dậy lúc sớm rợn như thế, càng làm sao có dịp để được tận thấy cả một thảm hoa sen bung sắc, tỏa hương ở thời điểm viên mãn nhất của đời sen? Thế nên, dù chẳng gọi chẳng mời, cả lũ vẫn phải tần ngần dừng xe mà hít hà, mà chiêm ngưỡng trước khi tiếc rẻ rời đi về phía biển…

leftcenterrightdel
 Dưới chân cửa Hiển Nhơn

Thời gian trôi mau, sau này rất nhiều dịp qua về thành nội, thấy hầu hết diện tích mặt nước ở đây, từ Hộ thành hào, các hồ, kể cả hồ Tịnh Tâm danh tiếng…đều vắng sen. Thay vào đó là rau muống, bèo tây…Nhiều hồ còn bị lấn chiếm và lềnh bềnh rác. Cũng dễ hiểu thôi, nhiều chục năm cơm gạo áo xống thúc bên hông, lo cái ăn cái mặc đã, rau heo cám chuối mới thiết yếu quan trọng, ai hơi đâu mà hoa với chả lá. Hơn nữa cái giống hoa sen cũng thuộc loại chúa đỏng đảnh, chớ nghe câu “gần bùn chẳng hôi tanh mùi bùn” mà tưởng bở, bùn nhưng phải bùn…sạch kia, chứ bùn ô nhiễm (do nước sinh hoạt, nước cống rãnh, nước từ các cơ sở sản xuất thải ra…), sen không chịu sống, hay chính xác hơn là sống không nổi. Ai đủ sức đầu tư làm sạch ao hồ mà thả sen, không khéo lỗ toạt mặt. Đó cũng là một lý do nữa khiến Thành nội ngày càng vắng bóng sen. Biết vậy nhưng vẫn nghe lòng không nguôi bần thần tiếc nuối, những mong đến một ngày nào đó, những bèo, những rau muống, những rác rê sẽ được dọn đi, thay vào đó là những thảm hoa sen ngào ngạt, vẻ đẹp của Kinh thành, của Đại nội theo đó chắc cũng thăng hoa bội lần…

“Tái xuất”  bền vững

Tưởng chỉ còn là mơ, không dè ngày vui rồi cũng đến. Khó quá nên “quên” thôi, chứ vẻ đẹp của sen, giá trị của sen đâu dễ gì mai một. Thế rồi, các diện tích mặt nước trong Đại nội, lăng tẩm, những hồ, những hào trong Kinh thành Huế lần lượt được cải tạo trồng sen. Một công việc không hề dễ dàng như trồng rau, nhưng dư luận người dân và du khách ủng hộ rần rần khi thấy sen tái xuất trong khu di sản dường như tiếp thêm sức mạnh cho những người làm di tích, những thảm sen cứ vậy lan rộng dần ra. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế còn tiến hành nghiên cứu, phục hồi giống sen trắng đặc trưng của Huế. Giống sen có hoa trắng một màu tinh khiết, rất thơm và hạt tuyệt ngon. Cũng bắt đầu từ một vài diện tích nhỏ “trong nội”, giống sen trắng nay đã được tỏa lan, phủ kín mặt nước hồ Tịnh và làm sống lại di tích rất nổi tiếng này của Huế.

leftcenterrightdel
Hồ Tịnh bây chừ... 

Diện tích sen mở rộng cũng đồng nghĩa với diện tích mặt nước ô nhiễm, nhếch nhác được thu hẹp dần. Không chỉ di tích mà cả người dân, doanh nghiệp cũng tham gia trồng sen. Sen không chỉ dừng ở các khu di sản mà còn hiện hữu ở các hồ cảnh quan của đình chùa miếu điện, khoe sắc tỏa hương ở cả những miền quê từ trung du miền núi cho đến ven đầm ven biển xa xôi…

leftcenterrightdel
 Tinh khôi sen Huế

Sự phát triển của đời sống cũng làm cho giá trị của sen được “phát lộ” tối đa: Hoa để cắm, để ướp trà đã làm say đắm bao người. Rồi hạt sen, tim sen, củ sen, ngó sen… đều là sản vật cả. Ngay cả lá sen cũng cho người trồng thêm nguồn thu nhập. Cô chủ một tiệm ăn khá nổi tiếng trên đường Nhật Lệ vừa trò chuyện với tôi, rằng cô đang định phát triển thêm sản phẩm cơm gói lá sen, nhưng đang phân vân không biết khách hàng có hiểu cho khi giá mỗi phần cơm như vậy có thể cao hơn một tí bởi phải “cơ cấu” giá của lá sen vào. Theo cô tiết lộ, mỗi ngọn lá sen nhập vào có giá 4.000đ/chiếc. Chưa kể những hồ sen đến mùa hoa nở đều có thể trở thành những điểm check-in ăn khách giúp chủ hồ có thêm thu nhập từ phí dịch vụ… Xem thế đủ thấy nguồn lợi từ sen ăn đứt rau muống là cái chắc. Nên tôi rất tin niềm mơ về những thảm hoa sen trong khu di tích không chỉ hiện hữu mà còn sẽ tỏa lan bền vững.

Sáng nay lang thang quanh hồ Tịnh, phóng tầm mắt thấy bạt ngàn sen với sen. Chỉ ít ngày nữa thôi, từ 23-25/6, nơi đây sẽ diễn ra ngày hội Sen Huế 2023. Mời bạn hãy đến để chiêm ngắm, để đắm mình với Tịnh Tâm và cảm nhận những giá trị của sen trong sinh hoạt thường nhật cũng như trong đời sống tinh thần của người dân xứ Huế…

Hiền An
ĐÁNH GIÁ
4.8
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội Sức khoẻ

Chiều 8/1, tại Trường tiểu học Phú Mậu, quận Thuận Hóa, TP. Huế diễn ra “Ngày hội Sức khoẻ” (NHSK) do Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức.

Ngày hội Sức khoẻ
Sen Huế & trà sữa

Từ khát khao phát triển một sản phẩm gắn liền với đặc sản Huế, cô gái trẻ tốt nghiệp Trường đại học Luật, Đại học Huế Nguyễn Thị Tường Vy, đã nghiên cứu và tìm tòi đưa hương vị sen Huế vào trà sữa - món đồ uống yêu thích của giới trẻ.

Sen Huế  trà sữa

TIN MỚI

Return to top