ClockThứ Bảy, 21/10/2017 12:31

Phát tờ rơi, tránh làm mất mỹ quan đô thị

TTH - Lâu nay, việc phát tờ rơi quảng cáo làm đường phố nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị ai cũng thấy. Nhưng không phải ai cũng biết, theo quy định, việc này có thể bị xử phạt lên đến 10 triệu đồng.

 Các cột đèn giao thông trở thành địa điểm phát tờ rơi quảng cáo

Không biết mình vi phạm

Mỗi sáng đi làm qua đường Hùng Vương (đoạn giao với đường Bà Triệu, Nguyễn Huệ) và vào giờ chiều tan tầm ở đường Nguyễn Huệ (đoạn giao với đường Hùng Vương), dừng xe ở cột đèn giao thông, tôi luôn được mấy thanh niên “dúi” vào tay vài tờ rơi, card visit quảng cáo. Khi thì nhận dạy kèm tại nhà, lúc thì khai trương cửa hàng, các chương trình bán máy vi tính, điện thoại giảm giá, rồi vay tiền lãi suất thấp, du học... Không cầm thì mất lịch sự, cầm rồi vội quá cũng chẳng đọc, tôi lại nhét vào cốp xe, vài ngày lại dọn dẹp bỏ rác một lần.

Hàng ngày, những nơi đông người, như: các giao lộ có tín hiệu đèn giao thông, cổng trường học, trạm xe buýt..., không biết bao nhiêu tờ rơi quảng cáo được phát đi. Khi dòng người vội vã lướt qua, để lại biết bao tờ rơi mặc nhiên bay trên phố, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Thanh Mãi, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao bức xúc: “Trong tiến trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xả tờ rơi đang là vấn đề cần phải chấn chỉnh. Cả người phát tờ rơi và nhận tờ rơi không phải ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh đường phố. Người đi phát cố làm cho xong việc rồi quay lưng đi. Không ít người nhận xem xong thản nhiên vứt xuống đường, cuối cùng điểm đó thành một bãi rác. Tôi từng nhắc nhở một cô bé phát tờ rơi phải dọn dẹp, đừng để xả rác bừa bãi thì được đáp lại bằng cái nhìn dửng dưng”.

Hiện nay, các cửa hàng nhỏ, trung tâm gia sư, nhà hàng... đều sử dụng dịch vụ phát tờ rơi để quảng cáo, vì chi phí thấp lại tiện lợi. Những người phát tờ rơi đa phần là sinh viên hoặc sinh viên ra trường chưa có việc làm. Mỗi ngày đi phát 2 tiếng, Hà, sinh viên Trường đại học Luật - Đại học Huế được trả 20 nghìn đồng, hoặc có thể khoán theo số lượng, cứ 500 tờ được trả 30 nghìn đồng. Tuy vậy, tìm hiểu qua các sinh viên làm công việc này, phần lớn các em đều không biết việc phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông là vi phạm. Nghe tôi nói vậy, Hà hốt hoảng: “Em chỉ nghĩ đơn thuần đây là việc làm thêm. Sau khi em phát, rất nhiều người xem xong rồi thả xuống đường, em cũng chẳng biết làm sao. Nhưng em không biết như thế là vi phạm, có thể bị xử phạt”.

Hỏi một số trung tâm gia sư, cá nhân cho vay tín dụng... hầu hết họ chỉ quan tâm người được thuê có phát hết lượng tờ rơi hay không. Không ai nói rằng, họ biết việc phát tờ rơi làm mất mỹ quan đô thị là vi phạm. Vẻ như, việc tuyên truyền chưa thật sự phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Thật ra đã có tuyên truyền nhiều nhưng đối tượng đi phát tờ rơi thường là sinh viên ở những nơi khác đến hoặc ở các vùng ven nên việc tiếp cận các thông tin quy định là hạn chế”.

Tuyên truyền và xử phạt

Theo Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao, việc phát tờ rơi quảng cáo pháp luật không cấm, vấn đề là phát chỗ nào, phát như thế nào để không ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trật tự giao thông. Theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có hiệu lực từ 5/5/2017, điều 61 về “Vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội và trên phương tiện giao thông”: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 nghìn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội.

Để chấn chỉnh nạn tờ rơi làm nhếch nhác đường phố, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để người thuê lẫn phát tờ rơi biết như thế là sai. Trước mắt, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin TP. Huế và một số đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra nhắc nhở tại một số địa điểm thường diễn ra tình trạng này, đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình cũng đang tham mưu cho lãnh đạo Sở biên tập một số nội dung trong Quyết định 60 và Nghị định 28 chuyển về các phòng Văn hóa Thông tin và các phường, thị trấn để phổ biến đến người dân, vì hiện nay mặc dù đã có quy định nhưng không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử lý những tổ chức cá nhân liên quan vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ”, ông Mãi cho biết.

Ông Nguyễn Thiên Bình cho hay, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan ra quân tuyên truyền, sau đó sẽ đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác xử lý, tiến hành xử phạt. Ông Bình nhấn mạnh: “Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản đề nghị Thanh tra Sở và Phòng Văn hóa Thông tin TP. Huế triển khai việc kiểm tra xử lý các hành vi rao vặt, quảng cáo sai quy định, trong đó có việc phát tờ rơi. Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Sở triển khai quyết liệt hơn vấn đề này, trong đó sẽ tiến hành xử phạt trong thời gian tới. Về thẩm quyền xử phạt, ở cấp tỉnh có Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao, tuy vậy, Thanh tra Văn hóa lực lượng mỏng, không thể ngày nào cũng ra các giao lộ, trường học để kiểm tra, xử lý. UBND các phường, cảnh sát môi trường cũng có thể xử phạt vì vi phạm về môi trường... Đề nghị có đường dây nóng của các cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp vi phạm”.

Nhiều ý kiến cho rằng, đường phố nhếch nhác do tờ rơi, một phần lỗi là do những người đi đường. Ông Mãi cho rằng: “Nếu cảm thấy mình không có nhu cầu thì đừng nhận. Nếu đã lỡ cầm rồi thì phải bỏ rác đúng nơi quy định. Nếu người dân không nhận tờ rơi thì người ta cũng sẽ không phát nữa”. Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP. Huế cho biết, UBND thành phố đã làm việc với Đại học Huế để vận động sinh viên không nhận tờ rơi.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đô thị hướng biển

Không chỉ tự hào vốn quý từ đô thị di sản, Huế còn có “kho báu” không gian ven biển trải dài 120km để đột phá trở thành trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở khu vực miền Trung.

Đô thị hướng biển
Thành phố “thay áo” mới

2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, thành phố Huế tập trung các nguồn lực, chỉ đạo thực hiện các dự án (DA) trọng điểm về phát triển, mở rộng không gian đô thị, nhằm tạo tính kết nối giữa hai quận Bắc và Nam thành phố.

Thành phố “thay áo” mới
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

Chiều 5/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương.

Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

TIN MỚI

Return to top