ClockChủ Nhật, 08/09/2024 15:25

Lối về ngõ hạnh

TTH - Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Chiều ở Phước TíchBình yên nơi làng An Truyền

 

Lần nào cũng thế, sau khi giúp mấy chị nhặt rau, nấu nướng và sửa soạn mâm cúng xong xuôi, tôi lại rảo quanh một vòng khắp xóm. Con đường bê tông bàng bạc bao quanh xóm thôn sạch sẽ hệt như quê ngoại tôi ở Quảng Trị, tuy nhiên, những con ngõ nơi đây thì khác hoàn toàn.

Con ngõ có hàng chè tàu mùa nào trong năm cũng được tỉa tót cẩn thận. Con ngõ được dẫn lối bởi hai hàng cau vươn thẳng tít tắp lên trời xanh. Con ngõ có cổng là một nhành hoa giấy đang mùa nở hoa thắm hồng được chủ nhân khéo léo vắt ngang, níu vào cành tre già, hễ có gió ngang qua là đung đưa kẽo kẹt.

Tôi chẳng mấy khi kể với chồng về sự trầm trồ của mình dành cho những con ngõ mang vẻ đẹp điệu đàng mà mình có dịp gặp, vì có lẽ đối với anh, một người từng sinh ra và lớn lên ở Cố đô thì những cảnh sắc như vậy là quá đỗi bình thường.

Tôi biết người Huế vốn thong thả, cẩn thận, chu toàn. Những người già lại càng khéo léo. Đã nhiều lần ngược lên mạn Kim Long, Hương Hồ… tôi ước phải chi đủ can đảm để mở lời xin phép những cụ già đang đốt lá, quét vườn kia cho mình được một lần bước qua cái vòm cổng, đi trên lối nhỏ dẫn vào khu vườn hài hòa đầy hoa lá nồng thơm.

Những dây ti gôn mềm buông hờ hững khoe sắc hồng trong nắng chiều. Mảnh tường gạch được giữ nguyên những mảng rêu gợi vẻ cổ kính. Nào các loại hoa như ngọc lan, hoa nhài, ngũ sắc, hoa hồng, hải đường… thân mềm có, thân gỗ có, mỗi thứ một ít, mọc xen kẽ tầng cao, tán thấp vừa chan hòa vừa hun hút. Tất cả tạo nên vẻ quanh co, lấp ló để lộ những ngọn khói lam chiều.

Những con ngõ không chỉ là một lối đi mà còn là một lời mời chào, một tiếng gọi. Cây cỏ, hoa lá, từng gờ đất, viên gạch, mảng tường đang cất tiếng để ai đó cùng bước vào, ngồi xuống, du dương, chiêm nghiệm xa gần. 

Trong bài viết Hoa trái quanh tôi, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết: “Tôi vẫn dành một niềm ngưỡng mộ riêng về chất trí tuệ của lối kiến trúc dân tộc ở Huế qua các "ngõ hạnh" này ở đây, qua vài chục bước đi thong thả dưới lá xanh, nó thường mang lại cho tôi một món quà tâm hồn nửa thực nửa ảo rất khó tả - một chút hương đăng đắng của rừng mùa thu, một mảnh nhỏ xa xôi của biển. Trong phút chốc, nó đánh thức con người mơ mộng trong tôi để rủ nhau vào cuộc đối thoại với cây cỏ".

Với tư duy dựng ngõ, lập vườn không thiên về giá trị kinh tế, những con ngõ, khu vườn ở Huế chưa bao giờ quá lộng lẫy, đồ sộ, phô trương mà bên trong ẩn chứa khát vọng được vươn đến một sự tri ân, nương náu mãi trong tâm hồn.

Như cách mà bạn tôi chọn tên để đặt cho chuỗi nhiều căn homestay của gia đình - với cái tên Ngõ Hạnh - bạn muốn du khách, bạn bè xa gần khi xướng lên sẽ luôn nhớ về một chốn dừng chân yên lành, xanh mát, thật nhiều hạnh ngộ để nghỉ ngơi và yêu thương.

Ngõ hạnh, có thể là một con đường, một cánh cửa, một lối đi, một chốn dừng chân đủ sức hút và vẻ đẹp để lưu lại trong lòng người thật nhiều những dấu ấn. Dấu ấn về sự thân thương, bình dị, về những vắng lặng mà vẫn đằm sâu. Sâu đến nỗi, dù cho ai đó đã rời xa, ngoảnh mặt về nơi khác, thế nhưng trong lòng họ hơi ấm vẫn còn vương.

Diệu Thông
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làng quê bên dòng Ô Lâu

Thuận Hòa là một thôn nhỏ nằm bên dòng Ô Lâu thuộc phường Phong Hòa (TX. Phong Điền). Trước năm 1993, bà con ở đây sống lênh đênh trên sông nước. Từ năm 1993, người dân Thuận Hòa được huyện cấp đất làm nhà dọc theo bờ sông thì cuộc sống bắt đầu thay đổi.

Làng quê bên dòng Ô Lâu
“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Đuốc hoa

Sau những cơn mưa dầm dề, ngôi làng quê tôi xanh ngát một màu lá của cơ man nào là cây. Thế mà bên con mương nhỏ nước chảy róc rách ngay bìa làng, từng đốm lửa nhỏ của những đóa hoa chuối mỏ két lại nở rực rỡ hơn bao giờ hết, hệt như những ngọn đuốc li ti, bập bùng trong màu xanh ngút ngàn của lá.

Đuốc hoa
Ổi tháng Mười

Thu đến, những chùm ổi nhà nho nhỏ, xinh xắn được tôi chú ý trước nhất. Chưa thấy quả đâu nhưng chỉ cần nghe mùi thơm thanh thanh quyện vào trong gió là biết ngay trong tán lá xanh um tùm kia, thể nào cũng có chùm ổi vàng ươm, ngọt ngào đang tỏa hương.

Ổi tháng Mười

TIN MỚI

Return to top