ClockThứ Năm, 18/01/2024 13:50

Lao động di cư về quê trước tết

TTH - Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm. Đó cũng là lý do khiến nhiều lao động di cư phải về quê đón tết Nguyên đán trước cả tháng, thậm chí vài tháng trời.

Chăm lo tết cho người lao động Chăm lo đời sống người lao động dịp Tết

 Nhiều lao động di cư đã chọn ở lại quê hương và có việc làm, thu nhập ổn định

Về quê để tránh các khoản "chi tiêu"

Anh Viết Sỹ, quê xã Điền Hải, huyện Phong Điền thời gian qua vào làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh. Trừ năm bùng dịch lớn, những năm còn lại khoảng cận tết Nguyên đán hoặc trước tết khoảng 10 ngày anh mới về quê đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng năm nay, chưa tới tháng chạp Âm lịch, anh và một số lao động cùng quê đã phải kéo nhau về quê đón "tết sớm".

Cũng như anh Sỹ, chị Phạm Chi ở xã Vinh Hà, huyện Phú Vang cũng "hồi hương" đón tết từ cách đây hơn nửa tháng. Chị Chi cho biết, do công ty cắt giảm ngày công, thay vì trước đây có lúc làm hơn 30 công/tháng mà giờ chỉ còn 14 công/tháng. Ngày công giảm kéo theo tiền lương, thu nhập giảm chỉ còn một nửa, trong khi nghe đâu lương thưởng tết năm nay chẳng bõ bèn, nên chị đành về quê để tránh phải chi tiêu thêm các khoản đắt đỏ như tiền thuê nhà, tiền ăn... "Về quê ăn tết sớm trong tình thế "chẳng đặng đừng" nên công nhân làm ăn xa quê như chúng tôi cũng không mấy thoải mái cho chuyện chi tiêu tết năm nay. Nhưng bù lại, được về quê ăn tết sum vầy cùng gia đình, người thân cũng là "món ăn" tinh thần rất lớn", chị Chi tâm sự.

Dự đoán tình hình còn khó khăn, chị Lê Thị Tuyết ở Phong Chương, Phong Điền làm công nhân may ở Bình Dương trù tính sẽ không "Nam tiến" nữa mà quyết định ăn tết xong sẽ xin vào Công ty may Scavi ở Khu công nghiệp Phong Điền qua thông báo công ty này đang cần tuyển 1.000 lao động ở nhiều vị trí việc làm. Với kinh nghiệm và tay nghề vững, chị Tuyết hy vọng sẽ được công ty tuyển dụng với mức lương cao, đảm bảo chi phí sinh hoạt cũng như dành dụm một khoản tiết kiệm phòng thân.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chia sẻ, trong bối cảnh bình thường, nhiều người lao động đi làm ăn xa phải sống tằn tiện, gửi con về quê nhờ ông bà chăm giúp, số tiền tích lũy cũng không được mấy đồng. Nên trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những đối tượng lao động di cư này càng dễ bị tổn thương. Ngành sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ về kết nối tạo việc làm, duy trì đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...

Tạo việc làm, ổn định thị trường lao động

Theo thống kê của ngành LĐTB&XH tỉnh, gần đây, lao động qua đào tạo nhập cư và di cư từ Thừa Thiên Huế có xu hướng giảm. Tuy nhiên, lao động qua đào tạo di cư từ Thừa Thiên Huế đến các tỉnh, thành phố khác cao hơn so với số lao động nhập cư đến tỉnh. Năm 2022, số lao động qua đào tạo di cư hơn 16 nghìn người, gấp 1,8 lần so với lao động nhập cư. Chủ yếu ở nhóm lao động nữ, nhóm tuổi từ 25-34 tuổi, có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ cao đẳng, đại học trở lên. Phần lớn lao động di cư từ Thừa Thiên Huế đến TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số lao động di chuyển sang các tỉnh lân cận, như Đà Nẵng, Quảng Nam làm việc trong các ngành du lịch, lữ hành, lưu trú và ăn uống. Phần lớn lao động qua đào tạo nhập cư và di cư đang làm việc trong ngành dịch vụ.

Tín hiệu đáng mừng cho thị trường lao động của tỉnh là gần đây, ở các địa phương, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hình thành một số nhà máy về may mặc, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, chế tạo máy, chế biến thực phẩm... đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 17.000 người, trong đó hơn 2.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây chính là cơ hội việc làm để lao động từ các thành phố lớn dịch chuyển về địa phương. "Mặc dù so với mức lương được chi trả thấp hơn so với khi làm việc ở các tỉnh, thành phố lớn, nhưng so về chi phí sinh hoạt, các khoản tiền thuê nhà, tiền học cho con... lại thấp hơn, dễ tích lũy tiết kiệm", đại diện Sở LĐTB&XH phân tích.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12% lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng cao, khoảng 79% lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng trung bình và khoảng 9% lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng thấp. Có khoảng 25% lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng phù hợp trình độ, 4,6% việc làm yêu cầu kỹ năng thấp hơn trình độ và 70% việc làm yêu cầu kỹ năng cao hơn trình độ.

Để ổn định thị trường lao động, tạo việc làm cho người dân ổn định cuộc sống, an sinh xã hội, ngoài chú trọng đào tạo tay nghề còn cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ngành LĐTB&XH sẽ tăng cường kết nối, cung cấp thông tin về thị trường lao động, triển khai các hình thức, phương thức giúp người lao động dễ tiếp cận thông tin tuyển dụng, với các nguồn tuyển dụng uy tín, các doanh nghiệp, tổ chức đang cần tuyển việc làm. Về lâu dài, tỉnh cũng cần có chính sách thu hút đầu tư, hình thành nhiều doanh nghiệp với nhiều ngành nghề và tiền lương thỏa đáng để người lao động yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang Tết đến cho người lao động

Các cấp công đoàn đang ra sức triển khai nhiều chương trình thiết thực để mang đến cho người lao động một mùa xuân trọn vẹn và ấm áp khi Tết đang cận kề.

Mang Tết đến cho người lao động
Hút vốn FDI

Cùng với đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư, việc đồng hành của chính quyền nhằm thúc đẩy các dự án được ví như “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) (*).

Hút vốn FDI
Nghề mới, cơ hội mới cho người lao động

Chăm sóc sắc đẹp, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật ô tô điện... là một số ngành mới gần đây được đưa vào đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn. Đây là những ngành nghề mới, dễ tạo ra cơ hội việc làm cho học viên khi ra trường.

Nghề mới, cơ hội mới cho người lao động
Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”

Sau khi triển khai ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa 3 bên, gồm: Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp xã và Tổ chức dịch vụ thu, số người tham gia các loại hình bảo hiểm tăng đột biến.

Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”

TIN MỚI

Return to top