ClockThứ Bảy, 24/10/2020 08:43

Lá chắn trong bão, lũ

TTH - “Đồng đội của chúng tôi đã vì dân mà nằm xuống ở Rào Trăng 3. Chúng tôi có nhiệm vụ tiếp nối các anh, bảo vệ bình yên cho Nhân dân”, Thượng úy Trương Văn Mau, Đội trưởng Đội trinh sát Đồn Biên phòng Vinh Hiền (Phú Lộc) xúc động.

Người dân giúp đỡ chúng tôi rất nhiềuGian nan những chuyến tuần tra…

Giúp dân trong lũ

Những đứa con của dân

Gần nửa đêm, nhưng cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 biên phòng (đóng trên địa bàn thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) không thể nào ngủ được, bởi mưa lũ kéo dài, nước đột ngột dâng trở lại. Ai nấy bật dậy khi nghe tiếng kêu cứu từ các hộ dân bên cạnh. Đường bị ngập rất cao, trong đêm tối di chuyển sẽ khó và chậm. Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Chính trị viên phó Hải đội 2 trực tiếp chỉ huy, cùng đồng đội băng qua tường rào đơn vị, nhanh chóng tiếp cận khu dân cư. Lúc này, nhiều hộ bị nước tràn vào ngập gần cả mét. Các anh lại băng tường, bế các cháu nhỏ, trong đó có cháu mới một tuổi đưa vào đơn vị, rồi quay trở lại tiếp tục giúp dân. Khi các hộ bị ngập nặng được giúp di chuyển đến nơi an toàn, là lúc các cháu bé đã ngủ thật ngon trên chiếc giường bộ đội.

Đã mấy ngày trôi qua, nhưng ông Chạy, bà Uẩn, đôi vợ chồng già ở tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An vẫn chưa thể trở về nhà mình, bởi nước lũ cứ hạ rồi lại lên. Nhưng ông bà lại bảo, chẳng phải lo lắng hay sốt ruột gì, bởi cả người và tài sản có giá trị đều an toàn tại ngôi nhà - Trạm kiểm soát biên phòng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An.

Đại úy Nguyễn Minh Phú, Trạm trưởng nhớ lại, trưa hôm ấy, anh em trong trạm mới dọn mâm ra, cầm bát chuẩn bị xới cơm thì nhận điện thoại của ông Chạy. Giọng ông rất gấp gáp, lo lắng: “Nước lên đột ngột và nhanh quá, mấy chú giúp ông bà với”. Anh em vội bỏ bát đũa. Đường vào nhà vợ chồng ông Chạy nước ngập gần tới ngực. Đại úy Nguyễn Minh Phú và Trung úy Nguyễn Ngọc Hùng chia nhau cõng ông bà. Đồng đội của các anh “cứu” một số tài sản quan trọng. Ông Chạy xúc động bày tỏ, con cái ở xa không về kịp, nhưng trong mưa lũ, hiểm nguy, ông bà đã có những đứa con bộ đội biên phòng hết lòng tận tụy, trách nhiệm, là điểm tựa vững chắc.

Bằng trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng đó, ngày 11/10, dù đang là ngày chủ nhật và mưa gió mịt mù, nhưng tại trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, 40 cán bộ, chiến sĩ nai nịt áo mưa, áo phao sẵn sàng, nhận lệnh từ Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lên đường về các địa bàn xung yếu xa xôi, cùng đồng đội tại các đồn biên phòng giúp dân di dời đến vị trí an toàn. Đồng thời, trao tận tay người dân vùng lũ những món quà là lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu mà lực lượng biên phòng kết nối được.

Theo chân các anh về xã Vinh Xuân, về thị trấn Thuận An (Phú Vang), càng hiểu gian nan trên vai người lính. Chúng tôi đã từng bao lần xúc động trước những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc người lính dầm mình giữa nước lũ sâu, cõng các cụ già, trẻ em… Nỗi xúc động ấy càng “sâu” gấp bội phần khi tận mắt chứng kiến những làn da tái bợt vì lạnh trong nước lũ ngang ngực, nhưng nụ cười lại vô cùng ấm áp khi các anh cõng được cụ Tuyết (hơn 90 tuổi, neo đơn), một bà cụ cũng hơn 90 tuổi bệnh tật và 4 cháu nhỏ ở thị trấn Thuận An, đồng thời hỗ trợ rất nhiều người dân đến nơi an toàn. Ông Trần Hải (xã Vinh Xuân) nắm chặt tay Trung tá Hồ Xuân Hới, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vinh Xuân, nở nụ cười hạnh phúc, nói bộ đội là lá chắn, để người dân không còn lo bão, lũ…

Điểm tựa vững chắc

Người lính trong màu áo biên phòng luôn có mặt trên tuyến đầu chống sạt lở biển suốt trong những ngày bão lũ. Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ gò người đẩy những xe đá nặng trên bãi cát, vác đá, bao cát “kè” bờ, giữ đê, chắn sóng, là hình ảnh rất đỗi thân thuộc với người dân xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An. Hình ảnh đó đã khơi thêm ý chí quyết tâm chung tay chống sạt lở, giữ đất, giữ bình yên cuộc sống, khiến hàng chục ngàn lượt người dân đã hăng hái cùng chung sức.

Đối với người dân, đặc biệt là những nơi xung yếu, có thời điểm bị chia cắt cô lập như xã Vinh Xuân (Phú Vang), xã Lộc Bình, Giang Hải, Vinh Hiền, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc), xã Lâm Đớt, Hồng Thủy, A Roàng, Đông Sơn, Hồng Thượng, Hồng Vân, Trung Sơn, Quảng Nhâm, Hồng Thái, Hương Nguyên (A Lưới)… bộ đội biên phòng chính là điểm tựa vững chắc. Các anh đã kịp thời có mặt giúp di dời, bảo vệ tính mạng và tài sản cho hàng ngàn hộ đến nơi an toàn.

Bốn người dân ở xã Phú Dương bị lật xuồng tại khu vực đập tràn (tổ dân phố Diên Trường) đã được bộ đội biên phòng cứu sống. Ngư dân Trần Văn Khánh (tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An) xúc động nghẹn lời khi được bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An cứu vớt, đưa vào bờ an toàn khi ghe của ông bị nước cuốn trôi ra cửa biển Thuận An, lúc ông đang hành nghề trên phá Tam Giang ngày 13/10. Là lực lượng luôn ở vị trí “đầu sóng ngọn gió”, tuần tra canh gác dọc bờ biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, các anh đã kêu gọi và hỗ trợ hơn 2.000 phương tiện, gần 11.400 lao động biển vào nơi neo đậu an toàn. Đồng thời, cùng với các lực lượng cứu sống 11 thuyền viên khi tàu Công Thành bị chìm ngày 7/10 tại vùng biển do Đồn Biên phòng Vinh Hiền quản lý.

Thượng úy Trương Văn Mau, Đội trưởng Đội trinh sát Đồn Biên phòng Vinh Hiền - người từng cùng đồng đội lao vào những cơn sóng lớn, trực tiếp cõng thuyền viên bị thương, yếu sức lên bờ, nói “nhẹ tênh”, rằng anh và đồng đội không thể nhớ hết vì đã giúp cõng rất nhiều người già, trẻ em, giúp rất nhiều người dân ra khỏi vùng lũ sâu, nguy hiểm. Các anh chỉ cần luôn nhớ phải làm điểm tựa vững chắc cho dân, để hoàn thành nhiệm vụ của người lính và xứng đáng với những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong thời bình.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nuôi cá lồng tránh lũ

Từ kinh nghiệm nuôi cá lồng nhiều năm và hướng dẫn từ ngành chức năng cùng chính quyền địa phương, người dân ở Phú Lộc đã áp dụng các giải pháp để nuôi cá lồng giảm được rủi ro, thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Nuôi cá lồng tránh lũ
Ngày 19/11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định trong 6 giờ qua (từ 23 giờ ngày 18/11 đến 5 giờ ngày 19/11) đã có mưa vừa, mưa to như: Bạch Mã 131,4mm, A Lưới 116,8mm (Thừa Thiên Huế); Trà Leng 110,2mm, Trà Dơn 76mm (Quảng Nam); Trà Thanh 66,4mm (Quảng Ngãi); Bồng Sơn 53,1mm (Bình Định)...

Ngày 19 11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định
Nồi ngô bung ngày bão

Với thế hệ 7X, 8X sinh ra và lớn lên ở làng quê, cơm độn ngô khoai hẳn đã là một phần ký ức khó mờ phai trong tâm thức. Ở vùng “rốn lũ” miền Trung quê tôi, các món chế biến từ ngô rất đa dạng và phổ biến trong thế kỷ trước. Một trong những món quê bình dị mà gây thương nhớ phải kể đến món ngô bung, có chỗ lại gọi là ngô nâm, ngô hầm. Món ăn ấy một thuở được coi là món cứu đói nổi tiếng của nhà nghèo. Ngày ấy, bố mẹ tôi đông con nên quanh năm là cơm độn sắn, khoai, ngô lẫn lộn, có khi mở nắp nồi ra đã thấy nghẹn ứ ở cổ vì ngán. Nhưng thật lạ, chỉ có món ngô bung mỗi lần ăn là một lần tôi cảm thấy thích thú. Có thể nói nó đã trở thành mỹ vị của tuổi thơ, thực sự ngon trong những ngày gió bão mênh mông và trong tiết trời đông tê tái sắt lòng.

Nồi ngô bung ngày bão

TIN MỚI

Return to top