ClockThứ Năm, 21/11/2024 06:00

Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

TTH - Sau thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự phục vụ Tổ quốc, bộ đội xuất ngũ được cấp thẻ học nghề, có thể chọn học một trong 140 danh mục ngành nghề đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Khai giảng các khóa đào tạo nghềHọc cách thoát... nghèo Đào tạo nghề kết hợp tạo việc làm cho lao động vùng cao

 Thanh niên sau khi xuất ngũ tham gia học nghề tại Trường Cao đẳng Huế

Đãi ngộ và tận dụng nguồn nhân lực

Xuất ngũ, Nguyễn Văn Long (phường An Hòa, TP. Huế) đăng ký ngay khóa học lái ô tô hạng C tại Trường cao đẳng Huế. Long cho biết, em học khóa này trong 5 tháng với mức học phí 16 triệu đồng. Nhờ có thẻ học nghề dành cho bộ đội xuất ngũ, em được hỗ trợ hơn 9,8 triệu đồng, phần chênh lệch còn lại em tự đóng.

Ông Ngô Sĩ Các, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Huế cho biết, riêng trong năm 2023, nhà trường tiếp nhận đào tạo cho 323 học viên có thẻ học nghề. Từ đầu năm 2024 đến nay, số người tham gia học theo diện thẻ học nghề cũng xấp xỉ gần bằng năm trước. Ngoài được hỗ trợ phí đào tạo nghề, những học viên này còn được hỗ trợ phí ăn ở, đi lại sau khi tốt nghiệp. Mức hỗ trợ tiền ăn khoảng 3,45 triệu đồng/người/khóa học lái ô tô hạng C và 2,2 triệu đồng/người/khóa học lái ô tô hạng B. Tiền đi lại nếu học viên ở cách trường đào tạo trên 15km được nhận 200 nghìn đồng/người/khóa.

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 1.100 - 1.200 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Những năm qua, các cấp, các ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó, luôn quan tâm tạo điều kiện cho lực lượng này học nghề, tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định, góp phần thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội và bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phan Minh Nguyệt cho rằng, được rèn luyện trong môi trường quân đội, có tính tự giác, kỷ luật, đoàn kết, gương mẫu, nên đây được xem là lực lượng lao động có chất lượng nếu được qua trường, lớp đào tạo và sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Thực hiện Kế hoạch số 67 ngày 7/2/2024 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện năm 2024 và những năm tiếp theo, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở GDNN, các đơn vị liên quan triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên qua thẻ học nghề.

Định hướng phù hợp

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ, UBND tỉnh cũng đã ban hành danh mục nghề đào tạo với hơn 140 danh mục ngành, nghề, gồm các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các ngành nghề này sẽ giúp thanh niên xuất ngũ có thêm nhiều lựa chọn phù hợp để học tập, nâng cao trình độ canh tác, chăn nuôi, lái xe, sửa chữa máy móc, cơ khí… Từ đó tạo ra việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế ở địa phương.

Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn và các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp đoàn viên, thanh niên với nhiều hình thức, chương trình như: Tư vấn tuyển sinh; Hành trình đến với trường nghề; Hội nghị tư vấn việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các ngày hội việc làm... đến các học sinh, sinh viên, thanh niên xuất ngũ, người lao động.

Còn nhớ tại hội nghị "Kết nối việc làm, tư vấn nghề nghiệp và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức trong dịp ra quân đầu năm 2024, gần 220 quân nhân chuẩn bị xuất ngũ được tư vấn, cập nhật các ngành nghề đang "hot" và được định hướng học các ngành nghề dễ xin được việc làm, phù hợp nhu cầu xã hội đang cần. Đặc biệt, ngành LĐ-TB&XH còn hướng dẫn, phổ biến cho quân nhân xuất ngũ biết những quyền lợi của "Thẻ học nghề" để khi ra quân có thể tận dụng hiệu quả chính sách ưu đãi này.

Ra quân, mỗi người có chí hướng, kế hoạch lập nghiệp khác nhau. Có người chọn học nghề may, nghề lái ô tô, nghề sửa chữa xe máy... Một số khác chọn con đường lập nghiệp xa hơn, khó hơn nhưng có mức thu nhập cao hơn, đó là đi lao động ở nước ngoài. Hoàng Nhật, quê ở Quảng Phú, Quảng Điền dự định sau khi xuất ngũ sẽ theo học nghề máy tính, thiết kế đồ họa vì em có năng khiếu, sở thích bộ môn này từ nhỏ. Còn với Trương Văn Hải, quê ở Phong Sơn, Phong Điền, sau ngày ra quân, em đã theo học khóa đào tạo tiếng Hàn 3 tháng và học các kiến thức cơ bản khác để sang Hàn Quốc làm việc.

Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, thanh niên sau khi xuất ngũ thường chọn học các nghề phù hợp, dễ kiếm việc làm tại các đơn vị đào tạo đủ điều kiện giải quyết các chế độ theo thẻ học nghề. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 cơ sở GDNN, nhưng không phải đơn vị nào cũng đủ điều kiện đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ cũng như miễn giảm học phí. Sở LĐ-TB&XH cung cấp, trên địa bàn hiện có 3 cơ sở nhận đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, gồm: Trường cao đẳng Huế; Trung tâm GDNN Đào tạo lái xe ôtô - môtô Masco Thừa Thiên Huế và Trung tâm GDNN Tâm An.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Ngày 27/12, một người dân (ông V.) ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đã tự nguyện giao nộp vũ khí cho lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây.

Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

TIN MỚI

Return to top