ClockThứ Ba, 16/02/2021 14:34

Bánh lọc khởi nghiệp

TTH - Khởi nghiệp táo bạo với món bánh lọc truyền thống của bà nội, thương hiệu “Bu’s food” của Nguyễn Duy Vĩ được định giá 6 tỷ đồng. Không chỉ là sản phẩm kinh doanh, món bánh này còn mang lại cho chàng trai 8X người Huế ở Sài thành nhiều bài học kinh doanh...

Khoái khẩu, bánh ướt tôm chuaBánh lọc, món quà xứ Huế

Nguyễn Duy Vĩ (bìa phải) cùng cộng sự bàn bạc các slogan cho sản phẩm trên “cửa hàng online”​

Phá vỡ “khuôn vàng thước ngọc”

Cứ mùng 2 tết hàng năm, gia đình Bu (tên ở nhà của Nguyễn Duy Vĩ) đều quây quần ở nhà nội ăn món bánh lọc độc đáo tự tay nội làm thết đãi con cháu. Không phải là cao lương mỹ vị, nhưng món ăn ngày tết này như một sự nhắc nhớ lưu giữ truyền thống gia đình. Nhà nội dòng dõi hoàng tộc, cái bánh lọc nội làm khá lạ lùng: Ngoài tôm thịt, nhân bánh còn có măng khô.

Lớn lên, rời quê theo gia đình vào TP. Hồ Chí Minh, Vĩ mang theo cả bầu trời ký ức về những món Huế đặc sắc của nội. Ngày nội theo tổ tiên, Vĩ lang thang tìm đến các quán ăn nhưng không thể tìm được dư vị “bánh lọc nội làm”. “Ngoài tôm thịt, tôi nhớ vị măng giòn, ngọt, sần sật. Măng được xử lý độ chua rất khéo, mới thấy nội nấu ăn tinh tế đến nhường nào”, anh Vĩ hồi tưởng.

May mắn, mẹ Vĩ làm dâu, chịu khó học hỏi nên lĩnh hội được tinh túy của ẩm thực Huế từ nội rất nhanh. Năm 2013, đang làm một giám đốc marketing trong lĩnh vực du lịch, anh quyết định “start up”- khởi nghiệp với món bánh lọc độc đáo của gia đình. Mất 6 tháng phát triển từ “công thức” gốc, điều chỉnh lại tỷ lệ trộn bột, nhân bánh, nhiệt độ hấp… hướng phát triển sản phẩm quy mô hơn. “Bánh lọc nhà Bu” khiến thực khách tò mò với nhân tôm thịt, măng khô băm nhỏ, nấm mộc nhĩ; giá mỗi cái 7 ngàn đồng. Khách có thể ăn kèm với chả lọn kiểu Huế do nhà Bu làm.

 Bánh lọc nhà Bu với nhân tôm thịt, nấm mộc nhĩ và măng khô

Chị Thơ Terasa, một thực khách để lại phản hồi trên trang bán hàng “Bánh lọc nhà Bu” cho hay: “Qua Mỹ hơn cả chục năm, ăn bánh lọc ở đây tôi cảm nhận được hương vị quê nhà và thích cái vị mới về nấm meo, măng khô băm nhỏ. Một sự đột phá táo bạo nhưng phù hợp với khẩu vị thực khách. Tôi đã đặt hàng để mang sang Mỹ làm quà, biếu bạn bè đồng hương”.

Ngoài bán hàng “online” qua facebook, Now, GoViet… Nguyễn Duy Vĩ xây hẳn một nhà xưởng và là điểm phân phối tại nhà riêng ở Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Cao điểm, một ngày anh bán được 3.000 cái qua các hệ thống bán hàng online; khách hàng muốn thưởng thức có khi phải chờ vài ngày. Khảo sát kinh doanh cho thấy, gần 30% khách hàng quay trở lại với món bánh lọc này.

Bánh lọc nhà Bu không “nhỏ nhắn”, “mảnh khảnh” như món bánh ở Cố đô Huế mà được nhớ đến với nhân “úc núc” hai phần bột - tám phần nhân tôm, thịt, nấm, măng. Băn khoăn với chuyện phá vỡ “khuôn vàng thước ngọc” một món ăn đi vào tâm thức người Huế, anh Vĩ lý giải: “Ba năm đầu tôi nhận được nhiều phản hồi, thậm chí là gay gắt về nhân, rồi họ đòi đổi nước mắm ngọt thay cho nước mắm ruốc… Vấn đề ở chỗ nếu món ăn truyền thống lúc nào cũng giống nhau thì tính nổi bật, cạnh tranh ở đâu? Bánh lọc nhà tôi là công thức gia truyền, vẫn giữ nét đặc trưng Huế và tôi kiên trì với hướng đi của mình”.

“Tôi không bán thương hiệu của mình đâu”

Nguyên liệu hạng A là thịt được chọn từ kênh phân phối tên tuổi ở siêu thị; tôm đất nhập về khi còn sống; thêm cả nhân công và đầu tư… lợi nhuận tính trên một cái bánh không nhiều. Vậy mà Nguyễn Duy Vĩ vẫn làm được điều mà bạn bè khâm phục, đó là nâng một món ăn lên hàng cao cấp hơn và khiến thực khách quen dần với điều này.

Trong lúc cuộc trò chuyện của chúng tôi rộn ràng bên những ý tưởng, bà Nguyễn Thị Thu Hà, mẹ của anh Vĩ thi thoảng tới lui thăm hỏi, bà cũng ra trao đổi với khách đến thưởng thức và mua đem về. Vị bếp trưởng của “Bánh lọc nhà Bu” bảo, đọc những phản hồi qua các hệ thống bán hàng con trai đưa cho, bà có thêm động lực để vào bếp.

Nhắc đến món bánh khởi nghiệp, đôi mắt anh Vĩ ánh lên niềm tự hào về mẹ. “Khi biến bánh lọc thành một mặt hàng kinh doanh, mẹ đã trút những đam mê thời trẻ của mình vào món ăn. Thật bất ngờ, sức khỏe bà cải thiện nhiều. Có lẽ bánh lọc giúp bà vận động thường xuyên và tăng cường vitamin “vui vẻ, hứng khởi” mỗi ngày.

Thương hiệu bánh lọc nhà Bu được định giá 6 tỷ đồng qua các đợt kêu gọi đầu tư và hợp tác. Đặt ra một giả thuyết: Nếu nhà đầu tư muốn mua lại thương hiệu với giá hơn 6 tỷ đồng? “Tôi không bán thương hiệu của mình đâu vì nó là giá trị tinh thần của gia đình và cho tôi nhiều thứ còn hơn cả tiền. Bánh lọc khiến mẹ tôi vui vẻ, hạnh phúc hơn. Bánh lọc mang lại cho tôi thêm nhiều mối quan hệ mới và cả cơ hội làm ăn khác”, ông chủ 8X bộc bạch.

Phục vụ các đơn hàng xách tay mang đi nước ngoài của khách, mẹ con anh Vĩ tìm cách làm nhân, trữ đông bánh nhằm bảo quản được lâu. Đến nay, bánh lọc nhà Bu đã được thực khách mang đến 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để xuất khẩu chính ngạch cần vượt qua nhiều quy định nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm nên cần một chiến lược dài hơi để bánh lọc chính danh bước ra thế giới.

Hoạt động trong lĩnh vực marketing, Nguyễn Duy Vĩ sáng tạo ra những slogan rất độc đáo và dí dỏm cho bánh lọc nhà mình. Khách hàng còn chụp ảnh, “decord” - trang trí lại món bánh trứ danh xứ Huế gửi cho anh như một lời cảm ơn. Sau dịch COVID-19, ông chủ nhà Bu đang xây dựng kế hoạch tái cấu trúc kinh doanh cho thương hiệu Bu’s food với một loại bánh lọc có nhân củ quả phù hợp xu hướng ăn xanh, sống sạch; mở cửa hàng bánh “take away” (mang đi) như các loại đồ uống khác…

Trong câu chuyện làm ăn, Vĩ thổ lộ, ước mơ của anh không dừng lại ở đó, bánh lọc chỉ là khởi đầu khát khao quảng bá và lan tỏa ẩm thực Việt cùng món Huế. Tại sao Dim sum của người Trung Quốc có thể đi xa, tại sao kho tàng ẩm thực Huế phong phú như vậy lại ít được biết đến? Anh lại tiếp tục xây dựng cho mình một chiến lược mới để thích nghi với tình hình. Với lợi thế của một người làm thị trường, ông chủ nhà Bu chắc chắn sẽ mang đến nhiều bất ngờ như cách anh đã làm với món bánh nội làm…

Bài, ảnh: T.Ninh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trên hành trình khởi nghiệp

Toàn tỉnh có gần 1.000 phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh. Trên hành trình khởi nghiệp, những hội viên, phụ nữ luôn được các cấp hội đồng hành, hỗ trợ...

Trên hành trình khởi nghiệp
Khởi nghiệp xuất sắc

Giữa vùng đất Lăng Cô (Phú Lộc) tiềm năng, “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc” toàn quốc Nguyễn Anh Khôi đang viết tiếp câu chuyện tuổi trẻ bằng ngọn lửa của sự sáng tạo và cống hiến.

Khởi nghiệp xuất sắc
Sen Huế & trà sữa

Từ khát khao phát triển một sản phẩm gắn liền với đặc sản Huế, cô gái trẻ tốt nghiệp Trường đại học Luật, Đại học Huế Nguyễn Thị Tường Vy, đã nghiên cứu và tìm tòi đưa hương vị sen Huế vào trà sữa - món đồ uống yêu thích của giới trẻ.

Sen Huế  trà sữa
Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

TIN MỚI

Return to top