ClockThứ Năm, 23/04/2020 07:14

42 lần hiến máu tình nguyện

TTH - “Phường thông báo nguồn máu để cứu sống các bệnh nhân đang thiếu hụt trầm trọng do dịch COVID-19, tôi nghĩ mình nên làm một điều gì đó để chung tay chống dịch và tôi chọn đi hiến máu. Đây là lần hiến máu thứ 42 của tôi”, chị Huyền Tôn Nữ Thị Lài, hội viên phụ nữ tổ 3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Hòa, TP. Huế chia sẻ.

Vận động dân thực hiện nếp sống văn minhVai nào cũng trònNăng lượng và niềm đam mê của thầy giáo trẻ

Chị Huyền Tôn Nữ Thị Lài vừa được Hội LHPN phường Phú Hòa tuyên dương

"Với tôi, việc hiến máu lúc nào cũng nhẹ nhàng"

Chị Lài thu hút người đối diện với làn da đen rắn, khỏe khoắn hơn so với tuổi 56 của mình. Chị làm công việc bốc vác thuê tại chợ Đông Ba. Chồng chị làm nghề đạp xích lô. Hai vợ chồng tằn tiện cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Khó khăn gấp bội khi vợ chồng chị phải ở nhà tạm thời để thực hiện cách ly xã hội nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19. Vợ chồng chị đang loay hoay tìm mối để nhận hàng về làm tại nhà để kiếm thu nhập. Dẫu vậy, khi nghe phường thông báo vận động hiến máu cứu người trong phòng chống dịch, chị Lài tức tốc đăng ký. “Mỗi người một ít cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Hết dịch mới có việc làm để kiếm cơm, kiếm gạo”, chị Lài suy nghĩ. 

Với chị Lài, khó khăn vật chất chưa bao giờ là lý do ngăn chị chia sẻ cơ hội sống cho người bệnh. Chị kể, khi mới lấy chồng, hai vợ chồng cơm không có để ăn, nhà không có để ở, nhưng khi nghe tin ai đó cần máu để mổ cấp cứu, chị lại tức tốc có mặt. Những năm tháng nuôi con nhỏ, chị Lài vẫn thường có mặt tại bệnh viện để chia sẻ giọt máu của mình, cứu người trong những tình huống nguy kịch.

Nghĩa cử cao đẹp của chị Lài gắn liền với ký ức về người cha đáng kính của mình là ông Nguyễn Phước Bửu Thanh. Nhiều năm trước đây, lúc còn sinh thời, người cha của chị từng tưởng chết đi nhưng đã được sống lại là nhờ có người tốt bụng hiến máu kịp thời. Khi ông khỏe lại, gia đình chị muốn tìm người hiến máu để cảm ơn nhưng không biết phải tìm ở đâu. Kể từ đó, ba chị đã khuyên dạy và động viên các con nên hiến máu cứu người. Nghe lời ba, anh em chị Lài tình nguyện hiến máu từ đó. Ban đầu cũng sợ lắm, nhưng sau khi xong việc, thấy việc hiến máu không có gì đáng sợ nên chị cứ thế tiếp tục. “Từ năm 2010, gia đình tôi đã nhiều lần được khen về thành tích hiến máu tình nguyện. Thời điểm đó, tôi có 12 lần hiến máu tình nguyện và đột xuất”, chị Lài nhớ lại.

Tiếp lời chị Lài, anh Nguyễn Phước Vĩnh Tùng, em trai chị ngồi cạnh bên cho biết thêm: "Thời điểm đó, có lúc gia đình tôi có gần 20 người hiến máu cùng lúc.  Tất cả con, cháu, dâu, rể của ba tôi đều từng hiến máu cứu người. Có người hiến đến trên 50 lần. Bản thân tôi cũng hàng chục lần hiến máu".

Gia đình ông Nguyễn Phước Bửu Thanh được xem là ngân hàng máu sống đầu tiên ở Huế. Các thành viên trong gia đình đa số là lao động tay chân, nhưng khi có tin ai đó cần máu cấp cứu, tất cả họ đều không một mảy may suy nghĩ, tính toán thiệt hơn cho sức khỏe của mình. Không chỉ ở Huế, anh em chị Lài khi vào Nam lập nghiệp, họ vẫn duy trì nghĩa cử cao đẹp như lời cha dạy, đó là hiến máu cứu người.

Sau này, phong trào hiến máu được tổ chức tập trung, cố định thời gian. Nhiều người không bố trí được thời gian, có người lại lớn tuổi nên không tham gia hiến máu thường xuyên, chỉ hiến máu trong các trường hợp cấp cứu, đột xuất. Riêng chị Lài và một vài người vẫn duy trì cho đến nay, mỗi năm 2 đến 3 lần theo phong trào hiến máu tình nguyện do phường tổ chức. “Một lần hiến máu tôi lại nghĩ đến một người đang nguy kịch như ba tôi ngày xưa được cứu sống. Và biết đâu những người thân của họ cũng vì thế mà tình nguyện hiến máu cứu người như anh em chúng tôi. Vì vậy, việc hiến máu với tôi lúc nào cũng nhẹ nhàng”, chị Lài bộc bạch.

Thương người vợ lam lũ, vất vả và tuổi ngày càng lớn, người bạn đời lại e ngại. Không muốn chồng lo lắng, nhiều lần chị lén chồng đi hiến máu. Chị kể, mỗi lần hiến máu, chị đều được các bác sĩ tư vấn quy trình hiến máu sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe của người đi hiến máu, các khâu an toàn vệ sinh, số lượng máu mỗi lần hiến sẽ tuân theo quy định chung của Bộ Y tế nên chị hoàn toàn yên tâm.

Chủ động xin rút khỏi hộ cận nghèo

Chị Phạm Đặng Diễm Trang, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Hòa nhận xét: Chị Huyền Tôn Nữ Thị Lài không chỉ là tấm gương sáng của phường về phong trào hiến máu tình nguyện, mà ý thức công dân của chị Lài cũng rất đáng được tuyên dương. Cách đây 3 năm, chị Lài đã chủ động xin rút ra khỏi hộ cận nghèo để tự lập vươn lên.

Chia sẻ việc làm của mình, chị Lài cho hay, trước đây do không có nhà, con còn ăn học nên gia đình chị được đưa vào diện cận nghèo. Không ỷ lại Nhà nước, chị tằn tiện mua đất, rồi xây được ngôi nhà nhỏ trú mưa trú nắng. Chị bàn với chồng xin rút hộ cận nghèo để ưu tiên dành cho những gia đình khác khó khăn hơn mình.

Với sự nhiệt tình và việc làm ý nghĩa của mình, nhiều năm liền, chị Lài được Hội Chữ thập đỏ các cấp tôn vinh với danh hiệu cá nhân hiến máu tiêu biểu. Riêng năm 2017, chị được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen và trao Kỷ niệm chương về công tác hiến máu nhân đạo. Mới đây, chị là cá nhân điển hình tiên tiến được Hội LHPN phường Phú Hòa tuyên dương trong phong trào thi đua giai đoạn 2015 – 2020.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận gần 500 đơn vị máu

Sáng 8/12, Câu lạc bộ Ngân hàng Máu sống Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế tổ chức ngày hội hiến máu “Giọt hồng sẻ chia” lần I năm học 2024 - 2025. Đây là chương trình thường niên được câu lạc bộ tổ chức định kỳ mỗi năm hai lần, tiếp nhận bình quân 400 - 600 đơn vị máu từ các bạn tình nguyện viên.

Tiếp nhận gần 500 đơn vị máu
Hơn 220 cán bộ, công nhân ngành điện hiến máu tình nguyện

Ngày 2/12, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) phối hợp với Trung tâm Huyết học truyền máu bệnh viện Trung ương Huế tổ chức hiến máu tình nguyện trong khuôn khổ Tuần lễ hồng EVN lần thứ X, năm 2024.

Hơn 220 cán bộ, công nhân ngành điện hiến máu tình nguyện

TIN MỚI

Return to top