ClockThứ Hai, 25/06/2018 05:15

Trạm phẫu thuật tiền phương Triều Dương: Địa chỉ đỏ cách mạng

TTH - Chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng Trạm Phẫu thuật tiền phương tại thôn Triều Dương (xã Phong Hiền, Phong Điền) là nơi ghi dấu ấn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây đã có 33 liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Kể chuyện làm báo cách mạng công khai ở Huế“Chưa gọi tên” tác giả vùng đất Cố đô Huế

Đồng đội thắp hương tại mồ chôn tập thể 33 Anh hùng liệt sĩ đã bị sát hại tại Trạm Phẫu thuật tiền phương Triều Dương

Nhiệm vụ lịch sử

Ông Nguyễn Cao Lưu, nguyên Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 4 (1973-1977), Quân khu Trị Thiên (hiện sống tại 11N2 ngõ 58 Triều Khúc, Thanh Xuân Nam, Hà Nội) kể lại: Thời kỳ 1973 đến 1975, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên giao Ban chỉ huy Trung đoàn 4 nhiệm vụ mở hành lang bí mật đưa bộ đội về chiến đấu ở đồng bằng để hỗ trợ chính quyền cách mạng.

Thực hiện nhiệm vụ, tháng 10/1973, Ban chỉ huy Trung đoàn 4 tổ chức cuộc họp liên tịch với lực lượng 2 huyện Phong Điền, Quảng Điền để thống nhất chỉ huy, bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ và bàn biện pháp thực hiện. Trong đó, xây dựng 2 căn cứ tại thôn Triều Dương (xã Phong Hiền, Phong Điền) và Sơn Tùng (xã Quảng Thái, Quảng Điền). Triều Dương cũng là nơi đặt trạm phẫu thuật dã chiến tiền phương (mật danh là Q21) có sự tham gia của quân y Trung đoàn 4 và dân y của huyện Quảng Điền, Phong Điền để phục vụ chiến dịch Xuân 1975.

Ngày 6/3/1975, Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền chỉ đạo Đội phẫu thuật của huyện, lực lượng vũ trang, đội công tác huyện, du kích địa phương đến thôn Triều Dương nhận nhiệm vụ.

Bà Nguyễn Thị Hoa, nguyên Trạm phó Trạm phẫu thuật tiền phương Triều Dương (hiện ở 39 Nguyễn Minh Đạt, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) nhớ lại: Lúc đến thôn Triều Dương, nơi đây là một bãi cát trắng, ít người qua lại. Được sự giúp sức của lực lượng quân đội, du kích xã, đội phẫu thuật bắt tay đào hầm làm phòng mổ ngay trong đêm. Phòng được đào âm dưới đất từ 1,8 đến 2m, rộng 1,5m, dài từ 8 đến 10m; bên trên dùng thân và lá cây che chắn, ngụy trang để phòng địch phát hiện. Trong phòng mổ có 2 lối ra, vào phía trước và phía sau, bên trong xếp bờ lô và đặt 2 tấm đoanh làm bàn mổ. Bên ngoài đặt 1 tấm đoanh để sơ cứu thương binh nằm chờ trước khi đưa vào phòng mổ. Ngoài ra, ở một số gốc cây, bụi rậm xung quanh được bố trí nhiều hầm trú ẩn để các thương binh nằm nghỉ dưỡng chờ đưa lên tuyến trên.

Từ ngày 9 đến 11/3/1975, nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và địch diễn ra. Số thương binh từ 3 mũi chuyển về Trạm phẫu thuật Triều Dương ngày càng nhiều. Ngày 12/3/1975, địch điều động nhiều xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, máy bay trực thăng và bộ binh mở cuộc càn quét lớn nhằm vào đội phẫu thuật thôn Triều Dương. Lực lượng chủ lực Đại đội 2 (tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4) cùng du kích địa phương Phong Điền, Quảng Điền đánh trả quyết liệt.

Chiều cùng ngày, khi lực lượng của chúng ta không còn khả năng chống trả, địch chuyển hướng tấn công, dùng xe tăng, máy bay trực thăng yểm trợ chọc thẳng vào làng Triều Dương (trung tâm trạm phẫu thuật). Một số nhân viên y tế cùng khoảng 10 thương binh nhẹ rút ra được bên ngoài. Nhiều thương binh nặng còn nằm lại trong trạm phẫu thuật đều hy sinh, một số khác bị địch bắt. Có  33 chiến sĩ hy sinh trong trận càn này.

Đến ngày 26/3/1975, Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng, Trạm Phẫu thuật tiền phương (Q21) cũng kết thúc sứ mệnh vinh quang mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Đề nghị lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, xã Phong Hiền đã tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Trạm Phẫu thuật tiền phương lên Nghĩa trang Hương Điền (Phong Điền). Trong đó, có duy nhất liệt sĩ Nguyễn Thị Tiệm được gia đình xác nhận xin về địa phương chôn cất. 32 liệt sĩ còn lại được đưa vào an táng tại Nghĩa trang Hương Điền không xác định được danh tính, đơn vị.

Tại thôn Triều Dương, trên nền của Trạm Phẫu thuật tiền phương (người dân nơi đây gọi là bệnh viện) vẫn còn nguyên 3 tấm đoanh ngày trước. Bà con nhân dân đã lập một am thờ những liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh ngày 12/3/1975 như một lời tri ân, tưởng nhớ  đến các anh hùng đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Trung tuần tháng 5/2018, UBND huyện Phong Điền phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học về Trạm phẫu thuật tiền phương tại thôn Triều Dương. Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo huyện Quảng Điền và 44 nhân chứng lịch sử đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên Huế. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp nhằm làm rõ hơn hoàn cảnh lịch sử, quá trình hình thành địa điểm; vị trí, vai trò chiến lược; các sự kiện lịch sử tiêu biểu cũng như giá trị lịch sử của trạm…

 Thông qua cuộc hội thảo, người dân và đồng đội mong muốn UBND huyện Phong Điền sớm lập hồ sơ để trình UBND tỉnh xem xét, công nhận Trạm Phẫu thuật tiền phương thôn Triều Dương là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh; đồng thời có kế hoạch xây dựng bia vinh danh, nhà tưởng niệm để nơi đây trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bệnh hiếm, hiểm nghèo, phẫu thuật kỹ thuật cao được lên thẳng tuyến cuối, hưởng BHYT 100%

Từ năm 2025, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh được lên thẳng tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu (tuyến cuối) mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng.

Bệnh hiếm, hiểm nghèo, phẫu thuật kỹ thuật cao được lên thẳng tuyến cuối, hưởng BHYT 100

TIN MỚI

Return to top