ClockThứ Năm, 21/06/2018 06:15
GIẢI BÁO CHÍ QUỐC GIA:

“Chưa gọi tên” tác giả vùng đất Cố đô Huế

TTH - Thừa Thiên Huế là một trong những cái nôi của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Nơi đây, nhiều thế hệ người làm báo tâm huyết và cống hiến cả cuộc đời để có những tác phẩm báo chí có giá trị. Tuy vậy, những năm gần đây, mỗi mùa giải tôn vinh những tác phẩm đạt giải báo chí quốc gia (GBCQG) lại “không gọi tên” tác giả vùng đất Cố đô. Đây là nỗi trăn trở lớn của những người làm báo và các nhà quản lý tâm huyết ở Thừa Thiên Huế.

Lãnh đạo tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của Báo Thừa Thiên Huế19 tác phẩm đoạt giải báo chí Thừa Thiên Huế lần thứ XI-2018

Tác nghiệp ở Trung tâm Báo chí APEC. Ảnh: Tâm Huệ

Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với các nhà báo: Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Nhà báo (HNB) tỉnh, Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế; Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch HNB tỉnh, Phó Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh – TRT; Trương Diên Thống, Phó Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế; Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh về vấn đề này.

Theo ông (bà), vì sao Thừa Thiên Huế vẫn là “vùng lõm ” về GBCQG hằng năm?

- Nhà báo Nguyễn Phương Nam: Nói “vùng lõm” về GBCQG theo tôi chưa phù hợp. Vì tác phẩm đạt GBCQG hằng năm phần lớn thuộc về các báo, đài Trung ương; chỉ có khoảng 20 HNB địa phương có giải chính thức, tức là khoảng 1/3 tỉnh, thành trong cả nước.

Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh

- Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Khi đặt câu hỏi vì sao ở đây, nghĩa là đã có sự nhận diện lại chính mình. Tôi mong sẽ có những chia sẻ, thảo luận và định lượng một cách thấu đáo hơn để báo chí Thừa Thiên Huế thoát ra được vùng lõm ở phương diện này.

Thiếu vắng tác phẩm ngang tầm

Những năm trở lại đây, các tác giả, nhóm tác giả của báo chí Thừa Thiên Huế dù có gửi tác phẩm dự thi giải GBCQG, song chưa được vinh danh (nếu có cũng chỉ ở giải khuyến khích và các giải báo chí chuyên ngành); theo các ông bà, nguyên nhân của câu chuyện không vui này?

- Nhà báo Trương Diên Thống: Đúng là có chuyện không vui như vậy. Nguyên nhân, theo tôi, đơn giản là vì Thừa Thiên Huế thiếu vắng tác phẩm ngang tầm.

Nhà báo Trương Diên Thống

- Nhà báo Nguyễn Phương Nam: Có thể do HNB địa phương, các cơ quan báo chí trên địa bàn chưa chú trọng đúng mức việc tham gia GBCQG. Ngoài nguyên nhân đó còn có trách nhiệm, sự đam mê, theo đuổi của đội ngũ nhà báo trong phản ảnh hiện thực.

- Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Sẽ rất phiến diện nếu ai đó cho rằng, thông tin hàng ngày và cả định mức hàng tháng nữa đã tạo ra áp lực đối với các nhà báo.

Trên đường chạy, nếu biết cách phân phối sức lực một cách hợp lý, chúng ta sẽ cán đích tốt hơn. Chỗ đứng và chiều sâu của một tác phẩm báo chí phụ thuộc phần lớn về góc nhìn, cách đặt vấn đề và cả độ máu lửa mà người thực hiện nó đầu tư như thế nào...

Nhà báo Dương Phước Thu

- Nhà báo Dương Phước Thu: Nhiều năm trước, HNB Thừa Thiên Huế đã từng có những tác giả, nhóm tác giả đoạt các giải cao: 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải khuyến khích. Nhưng vài năm gần đây thì đúng vậy, có rất ít tác phẩm lọt chung khảo. Nguyên nhân là do tác giả chưa phát hiện được đề tài hay, sự kiện "nóng", hoặc có nhưng chưa “đẩy” tới cùng để thành một tác phẩm báo chí chất lượng. Nhiều tác phẩm báo chí mới chỉ dừng ở mức độ phản ánh. Tác phẩm báo hình còn đơn điệu về hình ảnh, chưa được đầu tư sâu về nhạc, lời bình....Nếu tác phẩm báo chí chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh, đưa tin hàng ngày thì rất khó có giải, nếu có cũng không thể cao được.

Phát hiện, chính xác, kịp thời, có chiều sâu

Vậy theo các ông bà, đội ngũ nhà báo Huế cần làm gì để tác phẩm của mình “lọt mắt xanh” của ban giám khảo (BGK)?

-  Nhà báo Trương Diên Thống: Các nhà báo của chúng ta cần phải thực sự đầu tư cho tác phẩm, đầu tư bắt đầu từ khâu lựa chọn đề tài cho đến khâu cuối cùng là thể hiện tác phẩm. Phải gắn tên tuổi, gắn lòng tự trọng nghề nghiệp với tác phẩm. Tất nhiên, phải gắn cả lòng khát khao đoạt giải vào đó nữa.

- Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Câu trả lời của tôi ở câu hỏi thứ hai có lẽ cũng là câu trả lời cho việc cần làm gì vừa đặt ra. Không dễ có một tác phẩm vào giải (nào) nếu bạn không tạo ra chiều sâu, có  hiệu quả cũng như hiệu ứng về mặt xã hội. Trong đó, tính phát hiện, tính chính xác và tính kịp thời... phải được đặt ra ở tiêu chí hàng đầu.

- Nhà báo Dương Phước Thu: Theo tôi, để có một tác phẩm báo chí đi được vào lòng người,  đề tài phải có tính phát hiện, cộng với kỹ năng làm báo, sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật, công nghệ và cả cả vai trò của công tác tòa soạn. Ngoài kiến thức, tác giả còn phải dấn thân vào cuộc sống, bám sát cơ sở, nắm bắt vấn đề. Và một điều quan trọng hơn cần phải nói thẳng là phải có tài, tài năng thuộc về mỗi nhà báo. Điều này không chỉ nói riêng nhà báo ở Huế mà cho tất cả người cầm bút nói chung.

Nhà báo Nguyễn Phương Nam

- Nhà báo Nguyễn Phương Nam: Tác phẩm báo chí là kết quả của sự đam mê, phát hiện, theo đuổi đến cùng mới có thể “lọt mắt xanh” của BGK. Mặt khác, các báo, đài cũng nên tập trung lựa chọn, đầu tư cho một số tác giả phát hiện đề tài hay, tâm huyết với tác phẩm của mình.

Không có rào cản

Ngoài khắc phục những tồn tại chủ quan như nêu, liệu có rào cản khách quan nào không, và nếu có thì nên gỡ thế nào?

- Nhà báo Trương Diên Thống: Theo tôi rào cản là không có, cơ bản là do chủ quan, vậy thì không cách nào khác, tự thân mỗi tác giả phải tự "gỡ" mình để có tác phẩm ngang tầm.

- Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Theo tôi chẳng có rào cản khách quan nào và có đáng không nếu cứ loay hoay tự hỏi về một rào cản khách quan nào đó?

- Nhà báo Nguyễn Phương Nam: Tôi cho rằng không có rào cản nào nhưng đánh đồng tiêu chí khi chấm giải tác phẩm của cơ quan báo chí Trung ương và địa phương là không phù hợp. Quy mô, tầm vóc sự kiện, đề tài, cách tiếp cận, điều kiện thực hiện khác nhau. Các cơ quan báo chí Trung ương luôn đạt giải cao là vì vậy.

Như sự cố môi trường biển năm 2016, một cơ quan báo chí Trung ương thực hiện phóng sự qua 4 tỉnh miền Trung chắc chắn phải qui mô hơn báo, đài địa phương thực hiện trong phạm vi địa phương mình nhưng khi chấm giải thì đặt bên nhau!

- Nhà báo Dương Phước Thu: Báo chí ở địa phương nói chung cũng có những cái khó. Dự nhiều hội nghị báo chí toàn quốc thường nghe các tỉnh bạn trao đổi về điều này. Có những vấn đề “nhạy cảm” báo chí ở Trung ương viết được, đăng được, còn báo chí địa phương thì lại khó, nếu có viết thì cũng chỉ "mon men" đến gần sự thật mà thôi. Nếu địa phương nào, lãnh đạo dám chấp nhận sự thật,  ủng hộ báo chí phản ánh những vấn đề "nóng" thì chắn sẽ có tác phẩm báo chí tốt và hấp dẫn. 

Hỗ trợ, động viên về tinh thần và vật chất

Anh em báo chí có người nói đến việc cần có cơ chế, vậy, nếu có thì cơ chế đó là gì và làm sao phù hợp cho những loại hình báo chí khác nhau?

- Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Tôi nghĩ, điều cơ bản phải biết cách vượt qua cơ chế tự thân, rào cản tự thân. Đó mới là điều quan trọng nhất.

Tôi tin (và cũng mong nữa) là lãnh đạo các cơ quan báo chí đều có sự hỗ trợ, động viên, khuyến khích bằng tinh thần và vật chất phù hợp ở những loại hình khác nhau để anh chị em dốc lòng đầu tư cho tác phẩm. Kể cả khi chưa phải là tác phẩm dự giải. Chẳng hạn như nếu tác phẩm có vấn đề, có chất lượng, Ban biên tập Báo Thừa Thiên Huế sẽ có thêm cơ chế trong mức nhuận bút, khen thưởng hàng tháng và cả khen thưởng nóng...

- Nhà báo Trương Diên Thống: Nếu có cơ chế, thì theo tôi, đó là cơ chế về điều kiện làm việc, về chế độ thù lao, nhuận bút có tính khuyến khích đủ để tác giả, nhóm tác giả yên tâm thực hiện tác phẩm. Đó là những yếu tố mà lãnh đạo các cơ quan báo chí cần tính đến để tạo động lực cho phóng viên mình, đơn vị mình có giải báo chí.

- Nhà báo Nguyễn Phương Nam: Tôi muốn nói đến vai trò của HNB trong công tác định hướng, đầu tư trong vai trò tuyển chọn  tác phẩm dự giải.

HNB tỉnh phải làm việc với các cơ quan báo chí địa phương phù hợp với những loại hình báo chí khác nhau, lựa chọn tác phẩm để đầu tư, định hướng theo tiêu chí của giải mới khả dĩ “lọt mắt xanh” của BGK. Kiểu lựa chọn hiện nay là rất bị động, việc đầu tư tác phẩm chất lượng cao từ nguồn ngân sách còn mang tính hình thức, không hiệu quả. Cần phải tổ chức lại phù hợp, phát huy nguồn được đầu tư. Những việc đó phải làm ngay từ bây giờ cho giải năm sau.

- Nhà báo Dương Phước Thu: Không quyết định tất cả nhưng cơ chế chính sách là động lực rất lớn cho người làm báo, tác giả có đề cương tốt, có ý tưởng hay. Từ đó mới có thể sáng tạo nên tác phẩm đạt chất lượng cao.

Ở một số tỉnh (như Nghệ An, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình…) nếu tác giả có tác phẩm đoạt GBCQG, Trung ương thưởng bao nhiêu thì tỉnh cũng sẽ thưởng như thế; cũng có tỉnh chỉ thưởng bằng 50% giá trị của giải. Điều cần hơn là cách ứng xử, đối xử, tôn vinh các tác giả đoạt GBCQG hay Giải Búa liềm vàng; kể cả giải báo chí tỉnh nhà… Nếu làm được như thế, tôi tin là giới báo chí Thừa Thiên Huế sẽ sớm có tác phẩm đoạt giải cao tại GBCQG.

Xin cảm ơn các ông bà vì cuộc trò chuyện này!

Liên Minh (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Chiều 16.12, tại TP. Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Hơn 50 phóng viên, biên tập viên được tập huấn báo chí số

Ngày 25/11, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí với chủ đề: “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia”.

Hơn 50 phóng viên, biên tập viên được tập huấn báo chí số

TIN MỚI

Return to top