ClockThứ Sáu, 17/05/2019 08:57

Giám sát, ngăn chặn từ cơ sở

TTH - Bơm tạp chất vào tôm để trục lợi là câu chuyện không mới, diễn ra lúc ồ ạt, lúc thì âm ỉ nhưng ngày càng diễn biến phức tạp về quy mô, thủ đoạn, thậm chí có cả đối tượng nước ngoài tham gia, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn có nguy cơ gây tổn thất lớn cho ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản của nước ta.

Quản chặt, xử nghiêm

Theo Đề án ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất (Đề án 2419) của Chính phủ, đến cuối năm 2018 cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, nhưng đến nay tình trạng trên vẫn còn diễn biến phức tạp. Số liệu báo cáo tại hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Đề án 2419 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, chỉ riêng 4 tỉnh trọng điểm là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang, qua kiểm tra phát hiện 177 vụ vi phạm bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, xử phạt số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Thực ra số vụ việc phát hiện, xử lý chỉ là con số rất so với nhỏ hàng trăm nghìn cơ sở nuôi và cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tôm đang hoạt động ở 4 địa phương trên; trong đó mới chỉ có chưa đến 20% (hơn 85 nghìn/430 nghìn) cơ sở nuôi tôm ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Nếu nhìn rộng ra 28 tỉnh, thành phố nằm ven biển cũng đang phát triển nghề nuôi trồng, chế biến loại hải sản này chắc chắn con số vi phạm sẽ lớn hơn nhiều lần.

Tại Thừa Thiên Huế, một thời gian cũng rộ lên tình trạng bơm tạp chất vào tôm và các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, phát hiện, xử lý một số cơ sở vi phạm. Đơn cử, năm 2015, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh đã bắt quả tang 2 cơ sở kinh doanh thủy sản ở thị trấn Thuận An (Phú Vang). Tháng 10/2017, Công an huyện Phú Vang và lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh phát hiện, xử lý hộ kinh doanh Nguyễn Thị Nguyệt cũng ở thị trấn Thuận An, thu 15 kg tôm tạp chất…

Việc bơm tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng, biến tôm đông lạnh thành tôm có màu tươi sống chính là hành vi gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng, làm giảm chất lượng của tôm. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng vì lợi nhuận họ bất chấp quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

 Một thông tin rất đáng quan tâm, được Bộ Công thương vừa phát đi, từ 1/1 đến 1/5/2019, có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam nhập khẩu vào EU bị từ chối hoặc bị giám sát do không đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó có sản phẩm tôm, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín của hàng nông, thủy sản Việt Nam (theo VTV). Điều này cho thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, muốn phát triển sản xuất, mở rộng thị trường điều bắt buộc phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn quốc tế, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước thực trạng trên, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về kiểm soát, ngăn chặn hành vi tiêm tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm chứa tạp chất. Ngày 6/5, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo tiếp tục triển khai kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.

Để ngăn chặn hiệu quả, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở. Đồng thời, khơi dậy tinh thần tố giác tội phạm của người dân. Bởi thực tế, các cơ sở làm ăn gian dối thường hoạt động lén lút, có nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, chỉ có tai mắt người dân mới có thể bao quát, giám sát chặt chẽ từ cơ sở.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng chất lượng tín dụng chính sách từ hoạt động giám sát

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được duy trì ở mức thấp là một trong những thành quả quan trọng của việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động tín dụng chính sách.

Tăng chất lượng tín dụng chính sách từ hoạt động giám sát
Ngăn chặn tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên

Mặc dù được sự quan tâm của các cấp, ban ngành nhưng do lợi ích trồng rừng kinh tế khá lớn nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế ngày càng diễn biến khá phức tạp.

Ngăn chặn tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên
Giám sát phát thải cơ sở sản xuất giấy Thủy Bằng

Cơ sở sản xuất giấy (CSSXG) ở tổ dân phố Cư Chánh 2 (phường Thủy Bằng, quận Thuận Hóa) nằm ở thượng nguồn sông Hương, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất. Người dân kiến nghị chính quyền địa phương giám sát quá trình phát thải của cơ sở này, đồng thời có kế hoạch di dời khỏi khu dân cư.

Giám sát phát thải cơ sở sản xuất giấy Thủy Bằng

TIN MỚI

Return to top