ClockThứ Hai, 26/02/2018 14:51

Cấm! Không nên "hạn chế"

TTH - Không quyết liệt bảo vệ những con sông, môi trường đô thị của Huế rất có thể sẽ rơi vào "thảm họa"...

Hạn chế đốt, rải vàng mã dịp tếtCần nghiêm cấm việc rải tiền thật thay vàng mãCông khai xả vàng mã xuống sông

Một bộ phận không nhỏ dân chúng đang có thói quen sử dụng vàng mã trong cúng bái.

Một vài vị trí dọc các con sông trong thành phố, thỉnh thoảng thấy có treo biển đề "hạn chế đốt, rải vàng mã xuống sông". Biển thì treo, nhưng những ngày "sóc, vọng", "vía lớn rằm to" vẫn thấy có người thoải mái tung vàng mã đủ loại xuống nước. Nhiều lúc, cả khúc sông lều bều giấy vàng mã rất bẩn thỉu, rất phản cảm. Đặt vấn đề, nếu có ai đó thuộc cơ quan công quyền xuất hiện, nhắc nhở "đối tượng", chắc hẳn sẽ nhận được câu trả lời: Thì tôi đang hạn chế đấy chứ, còn không thì... Việc xử lý chắc là khó!

Chúng tôi đã từng có nhiều bài viết phân tích, kiến nghị loại trừ dần việc đốt, rải vàng mã- một tập tục "vô minh", không phù hợp với đời sống hiện đại. Và trên thực tế đã ít nhiều có tác động. Tất nhiên, xóa bỏ một thói quen đã trở thành tập quán nhiều đời là điều hết sức khó, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức chứ không thể một sớm một chiều. Bởi vậy, việc chính quyền địa phương chủ trương vận động hạn chế đốt rải vàng mã là bước đi phù hợp và dễ hiểu. Cuộc vận động đã bước đầu thu được một số hiệu quả nhất định: Một số tuyến đường đã bớt đi trông thấy nạn rải vàng mã khi đưa tang, nhiều gia đình đốt vàng mã trong thùng chứa, hạn chế ô nhiễm, mất vệ sinh...

Người dân đốt vàng mã cúng đầu năm tại phường Thủy Xuân (TP. Huế). Ảnh: H.Thương

Tuy nhiên,"trên bờ" thì có thể như vậy, còn ở "dưới nước", theo chúng tôi, cần phải cấm! Dứt khoát cấm chứ không nên hạn chế. Bởi nếu cấm mới có thể kiểm soát, mới tránh được tình trạng "lòn lách", "lý sự" để vi phạm. Nước là điều kiện thiết yếu và tối quan trọng cho cuộc sống. Diện tích mặt nước lại hết sức hữu hạn, môi trường nước đang xấu đi nhanh chóng và đang hàng ngày, hàng giờ đối diện nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. Nếu không quyết liệt bảo vệ, những con sông Huế trở thành "Nhiêu Lộc -Thị Nghè, Tàu Hủ" như ở phía nam, "Tô Lịch" như ở phía bắc thì môi trường đô thị của cố đô Di sản sẽ rơi vào thảm họa! Quyền hạn đang nằm trong tay chính quyền và chắc chắn tuyệt đại đa số dân chúng sẽ ủng hộ, vậy nên, hãy cấm! Không nên là "hạn chế" nữa!

Khi chúng tôi viết những dòng chữ này, được tin Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đến các tổ đình, chùa viện yêu cầu chư tăng ni thực hiện đúng chánh pháp nhà Phật, không tiến hành đốt, rải vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Sự cộng hưởng, ủng hộ của một tôn giáo lớn, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội như Phật giáo sẽ là cơ hội tốt để chính quyền tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động hạn chế, tiến đến dừng hẳn tập tục đốt rải vàng mã lạc hậu, xây dựng một xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ.

Hàn Yên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ vị Huế say lòng thực khách

Mệnh danh là “kinh đô ẩm thực”, làm say lòng thực khách bốn phương, thương hiệu ẩm thực Huế đã đến tận trời Tây, có mặt trên những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới.

Mỹ vị Huế say lòng thực khách
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa
Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

Chiến thắng của Lê Quang Duy Khoa, học sinh lớp 11 Anh 2, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế tại cuộc thi Quý 1 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25 đã tiếp tục mang cầu truyền hình chung kết Olympia lần thứ 3 liên tiếp về Huế.

Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

TIN MỚI

Return to top