ClockThứ Sáu, 15/07/2016 05:51

Bao giờ thủy điện trả xong nợ rừng?

TTH - Để triển khai xây dựng thủy điện Bình Điền, A Lưới và Hương Điền, đã có hơn 919 ha rừng trên địa bàn tỉnh bị chặt bỏ, ngập trong lòng hồ. Thế nhưng, đến thời điểm này, cả ba nhà máy thủy điện đều chậm trễ trong việc trồng rừng thay thế.

Đến thời điểm này, thủy điện Hương Điền vẫn còn nợ 260 ha diện tích rừng phải trồng thay thế bởi việc phá rừng để làm thủy điện

Loay hoay tìm vốn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT), đến cuối tháng 6/2016, số diện tích rừng “còn nợ” cần phải tiếp tục trồng của ba dự án thủy điện trên là 665 ha. Cụ thể, thủy điện Hương Điền 260 ha, thủy điện Bình Điền 320 ha và thủy điện A Lưới 71 ha.

Theo quy định của Bộ NN&PTNT, nếu các thủy điện này không thể trồng rừng thì phải nộp tiền vào Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng (QBV&PTR) tỉnh để quỹ này tổ chức trồng rừng thay thế, với đơn giá 73 triệu đồng/ha và hoàn thành trong năm 2016. Tổng số tiền dự tính cả ba thủy điện này phải nộp hơn 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có đơn vị nào nộp tiền trồng rừng thay thế.

Dự án thủy điện Bình Điền hiện tại còn nợ 320 ha rừng trồng thay thế

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT nghiên cứu, đánh giá phương án trồng rừng thay thế của chủ đầu tư các dự án thủy điện, nhưng đến nay chỉ có Công ty CP Thủy điện miền Trung (chủ đầu tư dự án thủy điện A Lưới) có phương án. Tuy nhiên, kết luận của Sở NN&PTNT, phương án trồng rừng của đơn vị này chưa thật sự đảm bảo cả về cơ sở pháp lý, kỹ thuật và thực tiễn để triển khai thực hiện. Nếu thực hiện theo phương án đề ra, sẽ không hoàn thành trồng rừng thay thế trong năm 2016 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Công ty CP Thủy điện miền Trung khẩn trương nộp tiền trồng rừng thay thế vào QBV&PTR tỉnh để tổ chức trồng rừng, hoàn thành trong năm 2016.

Một cán bộ Công ty CP Thủy điện Bình Điền cho hay, dự án thủy điện Bình Điền được thiết kế từ năm 2003, trong khi các quy định của Chính phủ và Bộ NN&PTNT về việc trồng rừng thay thế ban hành sau (năm 2006 Chính phủ mới ban hành nghị định và năm 2013 Bộ NN&PTNT mới ban hành thông tư hướng dẫn). Vì vậy, thiết kế vốn dự án thủy điện không có khoản đầu tư dành cho việc trồng rừng thay thế. “Tuy nhiên, Chính phủ đã quyết phải trồng lại rừng thì phải chấp nhận, tìm nguồn vốn để trồng”, vị cán bộ này nói. Và, hai dự án thủy điện Hương Điền (xây dựng năm 2005), A Lưới (xây dựng năm 2006) cũng buộc phải trồng rừng thay thế.

Gia hạn đến tháng 4/2017

Tại cuộc họp ngày 28/6, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì đã nghe ba công ty thủy điện báo cáo phương án trồng rừng thay thế. Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng, đơn vị tích cực tổ chức đúng theo nguyên tắc. Trồng lại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đảm bảo chất lượng và diện tích rừng đã mất đi do thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan nên việc trồng rừng thay thế của các dự án thủy điện A Lưới, Bình Điền và Hương Điền triển khai còn chậm, kết quả thực hiện còn quá thấp so với yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Sở NN&PTNT hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho ba công ty thủy điện tiến hành tổ chức khảo sát, xác định diện tích các lòng hồ thủy điện có đủ điều kiện trồng rừng bán ngập nước. Từ đó, xây dựng phương án cụ thể về diện tích, loại cây, phương thức kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ theo quy chế rừng phòng hộ. Có quy chế giám sát của Sở NN&PTNT về mặt chuyên môn đối với việc nghiệm thu, xác định thành rừng theo quy chuẩn của ngành nông nghiệp quy định. Nếu đơn vị nào thực hiện phương án tự trồng rừng thay thế trong vùng bán ngập lòng hồ thủy điện thì phải tự tổ chức trồng thành rừng phòng hộ theo quy định; trường hợp không thành rừng thì phải nộp tiền để tổ chức trồng lại rừng thay thế theo yêu cầu.

Riêng các đơn vị không có đủ diện tích đảm bảo điều kiện trồng rừng thay thế trong vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, phải xem xét phương án giao diện tích quỹ đất trong kế hoạch trồng rừng thay thế của tỉnh để đơn vị tổ chức trồng rừng và tuân thủ các quy định liên quan; hoặc đơn vị nộp tiền vào QBV&PTR tỉnh, tổ chức trồng rừng thay thế. Việc trồng rừng thay thế của các đơn vị phải hoàn thành trước tháng 4/2017.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, ba công ty thủy điện nói trên phải xây dựng phương án trồng rừng để Sở NN&PTNT thẩm định trước ngày 30/7/2016. Nếu đơn vị nào không có phương án, phải nộp tiền vào QBV&PTR tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế theo quy định.

PHAN THÀNH

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồ đập đã cắt giảm lũ cho hạ du

Trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn, tổng lượng mưa đo được từ ngày 10 đến ngày 14/12 phổ biến 200-300mm. Các hồ đập đã điều tiết, khống chế mực nước trên các sông trên báo động (BĐ) I đến dưới BĐ II.

Hồ đập đã cắt giảm lũ cho hạ du
Lũ trên các sông đang lên nhanh

Trong 12-24 giờ tới, lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục lên và dao động ở mức báo động II đến báo động III.

Lũ trên các sông đang lên nhanh

TIN MỚI

Return to top