ClockThứ Năm, 09/06/2022 14:34

Báo động vi phạm nồng độ cồn

Từ đầu năm đến nay, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) chỉ giảm 30 người (giảm khoảng 1,07%) so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Đáng nói, nhiều vụ TNGT có hậu quả nghiêm trọng, do người vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, người lao động làm việc trong cơ quan Nhà nước gây ra.

Hơn một nghìn trường hợp bị xử phạt ngày thứ 2 nghỉ lễXử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểmRa quân tuần tra, kiểm soát, xử lý nồng độ cồnXử lý 91 trường hợp thanh thiếu niên càn quấy, vi phạm nồng độ cồn

Đáng báo động

Gần đây nhất ngày 2/6/2022, lái xe Nguyễn Đức Thịnh điều khiển xe Audi BKS 98A - 499.44 chạy với tốc độ cao trên đường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, khi qua ngã tư giao cắt với đường Hùng Vương đã đâm vào xe mô tô khiến 3 người trong 1 gia đình tử vong tại chỗ. Lái xe Nguyễn Đức Thịnh vừa mới chuyển từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang, thuộc Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang đến Ban Quản lý Bảo trì đường bộ, thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Giang hơn 1 tháng, khi lái xe này về dự tiệc liên hoan chia tay cơ quan cũ thì xảy ra vụ TNGT thương tâm trên. Điều tra sau tai nạn, lái xe này chạy xe trong tình trạng say xỉn với nồng độ cồn đo được cao gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Hiện trường vụ TNGT tại Bắc Giang. Ảnh: TTVN.

Hay ngày 21/3 đã xảy ra vụ TNGT do lái xe Lương Duy Tân (sinh năm 1980, trú tại TP Đà Nẵng) điều khiển ô tô BKS 43A - 505.82 lưu thông trên đường Điện Biên Phủ đâm thẳng vào tiệm bánh mỳ làm 5 người bị thương khiến không ít người bàng hoàng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện lái xe Tân có nồng độ cồn trong máu ở mức 0,674 miligam/lít khí thở và dương tính với ma túy do có sử dụng thuốc lắc tại sinh nhật bạn vào tuần trước.

Cũng trong tháng 3/2022, ngày 2/3, tại khu vực đường làng phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội đã xảy ra vụ TNGT giữa ô tô BKS 30F - 631.86 do lái xe Vũ Văn Khải điều khiển và xe máy BKS 18F4 - 1080 do anh Lại Văn D. (SN 1978, quê Thái Bình) chở sau xe là chị Nguyễn Thị Th. (SN 1987, cùng quê Thái Bình). Hậu quả, anh D. và chị Th. bị thương nặng. Theo công an quận Long Biên cho biết, lái xe Khải đã sử dụng rượu bia vào thời điểm gây tai nạn, với kết quả đo nồng độ cồn ở mức 0,8 miligam/lít khí thở, vượt gấp đôi mức xử phạt…

Thống kê của Ủy ban Aan toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) cho biết, có khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết có liên quan rượu, bia và con số này đang có xu hướng gia tăng nhanh. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT, có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.

Thực tế vấn nạn “ma men” sau tay lái đã được dư luận xã hội nhiều lần lên án gay gắt, giới chuyên gia và cơ quan truyền thông đã lên tiếng cảnh báo thường xuyên. Thậm chí Nghị định 100/NĐ-CP đã có nhưng quy định xử phạt khá nặng đối với vi phạm, song, dường như các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng vẫn cần phải mạnh tay hơn nữa để răn đe. Bởi, nếu chỉ trông chờ vào một vài đợt phát động cao điểm ra quân hàng năm sẽ khiến cuộc chiến với ma men khó đạt được những mục tiêu đề ra.

Bỏ tù, tước giấy phép lái xe vĩnh viễn để răn đe?

Theo Nghị định 100/2019/CP, tùy vào loại phương tiện điều khiển, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở người vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 18 - 40 triệu đồng và thời gian tước quyền sử dụng bằng lái tăng từ 6 tháng lên 24 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ TNGT do uống rượu, bia vẫn tăng cao.

Vì vậy, nhiều ý kiến luật sư cho rằng, phải có các biện pháp cứng rắn hơn như: Tăng nặng mức xử phạt, tước vĩnh viễn bằng lái xe… mới đủ sức răn đe; đồng thời, cũng cần bổ sung các quy định góp phần làm giảm việc cung cấp các đồ uống có cồn như: Tăng thuế sản phẩm, tăng thuế đối với các cửa hàng kinh doanh đồ uống, quy định ngày, giờ sử dụng... Thậm chí, còn phải sửa đổi luật hình sự để phạt tù những trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Về vấn đề này, theo TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, các nước phát triển trên thế giới đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất ATGT, trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù đối tượng vi phạm. Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng này, vấn đề chỉ là thời gian, thời điểm thích hợp để thay đổi.

Ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG cho biết, hiện nay, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn đang là 1 trong những mức xử phạt cao nhất, đặc biệt đối với lái xe ô tô. Để xác định được lái xe tái phạm hay không, lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra, lưu giữ thông tin người vi phạm và cập nhật thường xuyên lên hệ thống để đối chiếu, phát hiện lái xe tái phạm và xử phạt nghiêm.

“Ủy ban ATGTQG mới đây cũng đã chỉ đạo cc lực lượng chuyên ngành khởi động lại công tác tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm nồng độ cồn; tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể cũng tăng cường quán triệt cán bộ, viên chức không sử dụng rượu bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc… ”, ông Nguyễn Trọng Thái chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu, bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top