ClockThứ Hai, 12/12/2022 20:40

Muốn làm ăn phải chấp nhận đầu tư

TTH.VN - “Mất bò” mà tương lai vẫn phải tiếp tục “nuôi bò”, thì việc “làm chuồng” dẫu muộn vẫn là cần thiết…

Rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke: Phát hiện nhiều vi phạmNhiều cơ sở karaoke vi phạm an toàn PCCCCứu 3 người mắc kẹt trong vụ cháy quán internetHạn chế thấp nhất các vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Karaoke là nhu cầu của nhiều lứa tuổi trong xã hội

Cuối năm về quê dự đám giỗ. Giỗ lớn, nên con cháu các nơi tựu về khá đông, trong đó, có một số người đang làm ăn, sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Vài người trong số này là thợ điện lạnh, cơ khí…

Trong lúc chờ hương tàn, bà con cùng nhau quây quần bên các bàn nước, vừa uống trà, vừa trò chuyện. Biết con cháu nhiều người đang mưu sinh bằng nghề cơ khí, điện lạnh…, các cụ lớn tuổi nhắc nhở khi hành nghề phải hết sức cẩn thận. Nhất là khi thao tác hàn gió đá, hàn điện…, phải đặc biệt để ý đến các tia lửa bắn ra. Thợ làm điện thì lo chắc cú các mối nối, tránh cháy chập.

Vụ cháy kinh hoàng quán karaoke ở Bình Dương làm chết 32 người, và nhiều vụ cháy kinh hoàng khác nữa gây tổn hại lớn về nhân mạng, tài sản, trong đó hầu hết đều có nguyên nhân từ hàn xì, hàn điện, từ chập cháy điện được đưa ra làm dẫn chứng. “Không cẩn thận đời mình khổ đã đành, mà lương tâm cũng sẽ cắn rứt mãi, nhất là khi có người chết. Mạng con người là vô giá, không gì có thể đánh đổi. Cẩn thận cũng là cái đức của người làm nghề. Làm nghề mà giữ đức thì không lo thiếu việc”- Các cụ căn dặn.

Chuyện nhân đó chuyển hướng sang các vụ cháy, và như nhớ lại thì những vụ cháy khủng khiếp nhất, gây thiệt hại ám ảnh và kinh hoàng nhất đều là những vụ cháy quán karaoke. Gần và hãi hùng nhất là vụ cháy tại quán karaoke An Phú (Bình Dương) xảy ra đêm mồng 6/9/2022 như trên đã nhắc.

Hiện trường vụ cháy  karaoke An Phú (Bình Dương). 32 người đã vĩnh viễn ra đi trong vụ cháy này (Ảnh Internet)

Vụ cháy karaoke An Phú đã đoạt mạng một lúc 32 người! Sau đó không lâu, khoảng 21h30 ngày 15/11, lửa bùng lên tại quán karaoke 3 tầng tại khu phố An Bình, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng. Không gây thương vong về người nhưng khiến một xe máy cùng bảng quảng cáo 12 m2 bị thiêu rụi.

Chưa đầy tuần lễ sau, chiều 20/11, hỏa hoạn phát ra tại quán karaoke Idol số 4 Mai Hắc Đế (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội); tuy được dập kịp thời, thiệt hại chưa lớn nhưng cũng đủ khiến nhiều người chấn động.

Không chấn động sao được vì ngoài “âm hưởng” khủng khiếp của vụ chết 32 người tại Bình Dương, thì trước đó chưa lâu, cũng tại Hà Nội 3 chiến sỹ cảnh sát Đội Phòng cháy chữa cháy Công an quận Cầu Giấy đã hy sinh sau khi cứu 8 người thoát hiểm trong vụ cháy quán karaoke ISIS, số 231 phố Quan Hoa. Và trước đó nữa, vào năm 2016 cũng tại Hà Nội, quán karaoke 68 Trần Thái Tông ở Q. Cầu Giấy đã cháy và cướp đi mạng sống của 13 người, nhiều người khác phải vào tù, phải tán gia bại sản, dư chấn vẫn còn vương vất cho đến bây giờ. Và nếu gõ một phát vào từ khóa, chúng ta sẽ còn tìm được rất nhiều những vụ cháy quán karaoke ở nhiều nơi, nhiều thời điểm trên khắp các vùng miền đất nước!

Vụ cháy kinh hoàng tại 68 Trần Thái Tông, Q. Cầu Giấy (Hà Nội) làm chết 13 người có nguyên nhân trực tiếp từ thi công hàn cắt bất cẩn (Ảnh Internet)

Nhưng tại sao các quán karaoke thường hay xảy ra cháy? Câu trả lời sẽ đến rất dễ dàng với mọi người, bởi hầu như ai cũng biết các phòng karaoke đều được làm toàn bằng những vật liệu dễ bắt lửa, dễ cháy. Những gỗ, những mút, những xốp…hễ dính lửa là bùng và “cháy như xăng”. Đồng thời với lửa là mịt mù khói độc. Trong lúc đó, những tụ điểm này thường tập trung đông người, nhiều người đã trong trạng thái tưng bừng, không còn tỉnh táo bởi rượu bia, chất kích thích, nguy cơ tử vong thường rất cao khi không may xảy ra sự cố là do vậy.

Nhưng, ngồi hóng hớt chuyện của những người làm thợ cơ khí, điện lạnh cùng dự đám giỗ hôm ấy, tôi giật mình khi được họ tiết lộ: Đúng ra, các vụ cháy quán karaoke cũng như các cơ sở tương tự (như quán bar, phòng trà…) sẽ được hạn chế rất nhiều nếu đừng quá tính toán khi đầu tư xây dựng, nhất là với vật liệu cách âm.

Theo họ, chính việc sử dụng xốp, mút làm vật liệu cách âm là việc làm cực kỳ nguy hiểm. Tỷ trọng của loại vật liệu này rất lớn, trong lúc khả năng bắt lửa, gây cháy từ những vật liệu này lại rất cao.

Trong lúc đó để cách âm, từ rất lâu rồi thị trường đã có vật liệu chuyên dùng của nó, vừa đảm bảo kỹ thuật, cách âm tốt, vừa chống được cháy. Đến bây giờ, vật liệu lại càng phong phú, chất lượng hơn nữa, và rất sẵn.

Lẽ dĩ nhiên giá thì đắt hơn mút, xốp, và đó chính là “mấu chốt” của mọi nguyên nhân. Tôi thử enter một phát vào từ khóa “vật liệu cách âm chống cháy”, tên các dòng sản phẩm hiện ra không thiếu, sẵn sàng cung cấp khi có nhu cầu. Vậy là tất cả đều do ham lợi, ham rẻ mà ra cả. Ai cũng thích đầu tư nhỏ, sinh lời lớn, bất chấp tính mạng khách hàng.

Quán bar, phòng trà...cũng là những cơ sở cần đặc biệt quan tâm đến an toàn phòng, chữa cháy

Sau vụ cháy karaoke An Phú (Bình Dương), lực lượng chức năng đã tổ chức tiến hành kiểm tra, rà soát đồng loạt về chấp hành quy định an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở dịch vụ karaoke khắp toàn quốc.

Việc kiểm tra đã làm lộ ra rất nhiều bất cập, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ buộc phải bị đình chỉ hoạt động. Nhiều người cười mỉa, mất bò, mất quá nhiều bò rồi mới lo làm chuồng. Có thể đúng là vậy, nhưng “mất bò” mà tương lai vẫn phải tiếp tục “nuôi bò”, nghĩa là dịch vụ karaoke là nhu cầu giải trí của xã hội, là một ngành nghề kinh doanh không thể bỏ, thì việc “làm chuồng” dẫu muộn vẫn là cần thiết.

Chỉ có điều, sau hàng chục cái chết tức tưởi, thảm khốc đã xảy ra; sau nhiều trường hợp phải dính vòng lao lý; sau một khối lượng khổng lồ tài sản bị thần hỏa thiêu rụi, việc thiết kế, xây dựng, kiểm tra, cấp phép…cần phải làm thật nghiêm túc hơn nữa.

Đặc biệt là trong thiết kế, xây dựng, cần quy định khắt khe việc chọn lựa, sử dụng vật liệu đúng chuẩn. Còn không thì nhất định không cấp phép. Muốn làm ăn phải chấp nhận đầu tư, bởi liên quan đến tính mạng con người, đến an ninh, an toàn của xã hội, quá nhiều bài học đắt giá cũng đã xảy ra, nên không thể đại khái, không thể “linh động” với bất kỳ trường hợp nào.

THƯỢNG BÍCH 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường cảnh báo nguy cơ cháy, nổ

Chiều 20/8, UBND TP. Huế tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) 6 tháng đầu năm 2024 và quán triệt, triển khai thi hành Nghị định số 50 của Chính phủ, Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ về PCCC và CNCH.

Tăng cường cảnh báo nguy cơ cháy, nổ
TP. Huế
Tăng cường phòng cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường phòng cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ
Ngăn ngừa cháy, nổ do chạm, chập điện

Sáng 23/7, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC TTH) thông tin, đơn vị đã và đang triển khai các giải pháp cấp bách trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm ngăn ngừa tình trạng cháy nổ do chạm, chập điện gây ra.

Ngăn ngừa cháy, nổ do chạm, chập điện

TIN MỚI

Return to top