ClockThứ Hai, 12/02/2024 21:54

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 2: Điểm tựa nơi đầu sóng

TTH.VN - Đồng hành, hỗ trợ ngư dân đi qua những tai ương, hiểm nguy, xây dựng niềm tin yêu, cán bộ chiến sĩ (CBCS) hải quân là điểm tựa vững chắc, để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế; chung tay làm “cột mốc sống” giữ gìn biển đảo Trường Sa, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 1: Tổ quốc từ biểnYên vui trên đất biên cươngThương nhớ hải trình mang xuân đến Trường Sa Biên giới xanh trong mùa xuân yêu thương Tết sum vầy nơi đầu sóng

Trung tâm y tế đảo Trường Sa chăm sóc sức khỏe cho người dân  

Điểm tựa vững chãi

Từ tàu 561, các phóng viên (PV) xuống xuồng nhỏ để vào đảo Đá Đông C. Khoảng cách giữa tàu và đảo là 5 hải lý (tương đương 10 km). Xuất phát chưa bao lâu thì có giông bất ngờ. Chiếc xuồng trở nên quá nhỏ bé mong manh giữa những luồng sóng trở nên hung dữ. CBCS hoa tiêu và điều khiển xuồng tìm cách luồn sóng lách gió. Nhiều PV không nén được lo sợ, trước sự chơi vơi giữa sóng to gió lớn. “Khi thấy lá cờ hiệu cùng hòn đảo vững vàng giữa biển, tôi mừng rơi nước mắt”.

Cảm xúc của nhà báo Phan Thị Trang Đoan (Tạp chí Sông Lam, tỉnh Nghệ An) sao mà đồng điệu với bộc bạch của ngư dân Trần Văn Cường (tàu cá Bình Định), tại âu thuyền đảo Trường Sa. Ông Cường nói: “Đối với ngư dân trong quá trình vươn khơi tại ngư trường Trường Sa, mỗi hòn đảo, mỗi con tàu và CBCS hải quân chính là điểm tựa vững chãi”. Làm phép so sánh đơn giản, chỉ với khoảng cách 5 hải lý vừa trải qua, mà chúng tôi đã đối mặt sự nguy hiểm của bất thường thời tiết. Huống hồ những ngư dân, mỗi chuyến đánh bắt, lênh đênh trên biển cả tháng trời, thì bộc bạch của ngư dân là xuất phát tận tâm can.

Bên cạnh những bất trắc hiểm nguy rình rập do thiên tai, nhiều hiểm họa đe dọa sức khỏe, tính mạng ngư dân, từ công việc lặn biển, tìm bắt hải sản hoặc do bệnh nặng bất ngờ. Đã có rất nhiều ngư dân được đưa vào các đảo, trong tình trạng cấp bách; được cứu chữa ngay trên đảo hoặc được các đảo cùng tàu của lực lượng phối thuộc của vùng, kịp thời chuyển về đảo Trường Sa, nơi có trung tâm y tế (TTYT) đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại và đội ngũ y, bác sĩ chuyên môn cao, giành giật lại sự sống từ cửa tử.

Tuần tra giữ vững bình yên biển đảo 

Thiếu tá Thân Minh Phúc, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông (gồm 3 điểm Đá Đông A; Đá Đông B; Đá Đông C) xúc động nhớ lại quá trình giành giật sự sống cho các ngư dân, xảy ra ngày 28/4/2023. Lúc đó là 0 giờ 41 phút, CBCS vọng gác phát hiện 1 chiếc xuồng của tàu cá đang vội vã hướng vào đảo. Ngư dân Tạ Văn Sang (ở Bình Thuận, là chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá) chở 3 ngư dân Đặng Nguyễn Văn Kỳ, Tạ Văn Lộc và Nguyễn Hữu Đạt, vào đảo nhờ hỗ trợ, cấp cứu.

Các ngư dân vừa thực hiện lặn đêm ở độ sâu 10-15 mét, có dấu hiệu nặng của chứng giảm áp; ngư dân Kỳ nặng nhất, người tím tái. Các bệnh nhân được tiếp nhận vào nhà tiếp dân tại điểm B. Thiếu tá Phúc lập tức triển khai cho điểm này sử dụng mọi biện pháp cứu chữa, đồng thời báo cáo sở chỉ huy các cấp. Y sĩ của đảo hết lòng cấp cứu, nhưng vì tổn thương quá nặng, bệnh nhân Kỳ không qua khỏi.

Trước diễn biến sức khỏe xấu đi của 2 bệnh nhân còn lại, CBCS điểm A và C vượt sóng, vận chuyển bình o xy, tiếp sức cho điểm B, cấp cứu. Đồng thời, đảo Đá Đông nhận lệnh hiệp đồng với tàu trực KN 472 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 4, đưa 2 ngư dân cơ động sang đảo Trường Sa để tiếp tục cứu chữa. Thiếu tá Thân Minh Phúc và CBCS trên đảo lo lắng theo từng cấp độ diễn biến sức khỏe của các ngư dân bị nạn. Khi biết cả 2 ngư dân thoát khỏi hiểm nguy; được y, bác sĩ TTYT đảo Trường Sa “trả lại” sinh mạng, Thiếu tá Phúc và CBCS Đá Đông vỡ òa hạnh phúc.

Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Minh Chiến, Bệnh viện Quân y 175, Trưởng TTYT đảo Trường Sa cũng nguyên đầy cảm xúc khi kể về một ca cấp cứu ngư dân, đối với anh hết sức đặc biệt. Ngày 20/9/2023, bệnh xá tiếp nhận ngư dân Nguyễn Hóa (quê Quảng Ngãi) từ đảo Phan Vinh chuyển qua trong tình trạng suy hô hấp, đau khắp bụng, bí trung đại tiện, nôn ói nhiều lần; chẩn đoán viêm phổi ARDS, nhiễm khuẩn huyết đường vào từ đường tiêu hóa, nhiễm trùng nhiễm độc có tổn thương 3 cơ quan: phổi, thận, cơ quan tạo máu trên nền bệnh nhân tăng huyết áp. Rất nguy hiểm. Hai người con trai của bệnh nhân đi cùng, hoang mang, lo sợ.

Phòng siêu âm trên tàu bệnh viện 561, sẵn sàng ứng cứu chăm sóc sức khỏe ngư dân giữa biển 

Kíp quân y đã cấp cứu trong nhiều giờ liên tục. Chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân, song hành với công tác khám chữa bệnh điều trị, TTYT tiến hành hội chẩn với Bệnh viện Quân y 175, sau đó đặt nội khí quản, thở máy, an thần, kháng sinh bù dịch điện giải cân bằng… Sau quá trình tập trung cấp cứu liên tục trong nhiều giờ, bệnh nhân đã đáp ứng điều trị.

Tâm huyết, tình cảm, quyết tâm của y, bác sĩ TTYT đảo Trường Sa đã làm nên điều kỳ diệu: bệnh nhân qua cơn nguy kịch, được chuyển về đất liền. Thiếu tá bs. Dương Minh Chiến và 2 y sĩ của TTYT đảo trực tiếp hộ tống bệnh nhân trên chuyến bay trực thăng về bàn giao an toàn cho Bệnh viện Quân y 87 (Nha Trang- Khánh Hòa). Trở lại Trường Sa, các anh vẫn tiếp tục dõi theo, đến lúc biết bệnh nhân phục hồi sức khỏe, trở lại với cuộc sống bình thường, mới yên tâm, hoàn thành trách nhiệm.  

“Mưu sinh trên biển xa gặp rất nhiều khó khăn, bất trắc, do đó, đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ, để ngư dân có điểm tựa vững chãi, yên tâm vươn khơi bám biển. Đồng thời, chung tay làm cột mốc sống giữ gìn chủ quyền biển đảo, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của người lính”- Thiếu tá Dương Minh Chiến và Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, bày tỏ.

Bằng yêu thương, trách nhiệm, trong năm 2022 và 2023, TTYT đảo Trường Sa đã khám chữa bệnh cho 3.112 lượt bệnh nhân. Trong đó, cấp cứu thành công cho gần 100 bệnh nhân (bao gồm ngư dân gặp nạn trên biển, từ các đảo chuyển về). Phẫu thuật thành công cho 163 ca, trong đó có nhiều ca đại phẫu viêm ruột thừa hoại tử. Trung tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết: Năm 2023, TTYT đảo là đơn vị quân y tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng. Tâm huyết, kết quả, thành công đó giữa biển đảo xa xôi, càng bồi đắp, lan tỏa niềm tin yêu trong lòng người dân.

Tiếp nối đồng đội đi trước, Trung úy QNCN Võ Việt Hải, kỹ thuật viên gây mê hồi sức tại Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Quân y 175, mới ra nhận công tác tại đảo Trường Sa chia sẻ, người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng 5 tháng tuổi. Lúc vượt cạn không có chồng bên cạnh, con thơ chào đời sẽ vắng hơi ấm của cha, nên anh rất lo lắng, nhớ thương. Nhưng là người lính, anh sẵn sàng thực hiện tốt trách nhiệm nghĩa vụ với đất nước, Nhân dân, cùng đồng đội đảm bảo sức khỏe cho CBCS, Nhân dân trên quần đảo; ngư dân nơi sóng gió.

Tổ quân y trên tàu chăm sóc sức khỏe cho ngư dân gặp nạn được cứu vớt tại bãi An Lão 

Mệnh lệnh trái tim

Ngày 23/1/2024, khi đang thực hiện nhiệm vụ tại cụm đảo Song Tử Tây và Đá Nam trên quần đảo Trường Sa, tàu 471, Chi hội Kiểm ngư 4 do Thiếu tá Nguyễn Thế Dũng làm thuyền trưởng, nhận mệnh lệnh cứu hộ, cứu nạn tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định, đang gặp nạn tại khu vực bãi An Lão. Tình thế gặp nạn trong địa hình này rất nguy hiểm. Càng cấp bách, nguy hiểm hơn khi thuyền của ngư dân đã bị thủng. Bà con thả thúng xuống, nhưng lại bị sóng to gió lớn nhấn chìm.Toàn bộ 5 ngư dân hoảng loạn, gắng gượng cầm cự trong sóng dữ.

“Trước tình hình nguy cấp, cứu dân đang trong lằn ranh sinh tử là mệnh lệnh từ trái tim”- Thiếu tá Nguyễn Thế Dũng trải lòng. Tàu 471 lựa sóng lựa gió, chạy với vận tốc cao nhất. Đồng thời, một cuộc họp khẩn giữa chỉ huy với cán bộ trên tàu, tìm phương án tối ưu, hiệu quả nhất để triển khai thực hiện.

Khi tiếp cận vị trí ngư dân gặp nạn, thả xuồng nhỏ xuống tìm kiếm, cứu vớt nạn nhân là cả một quá trình gian truân. Thiếu tá Nguyễn Thế Dũng nói rằng, trong sóng to gió lớn, con người như một cái đốm nhỏ bị xô đẩy quăng quật, rất khó phát hiện. “Mặc kệ” sóng vây ướt sũng, các anh căng mắt tập trung cao độ. Lúc cứu vớt thành công, được đưa lên tàu an toàn, cả 5 ngư dân chưa hết bàng hoàng, thốt lên: “Ôi thế là được sống rồi”, các anh thấy lòng mình nhẹ nhõm.

Cùng lực lượng biên phòng bàn giao ngư dân bị nạn được cứu vớt thành công 

Trong ký ức người thuyền trưởng dạn dày sóng gió ấy, không bao giờ quên chuyến nhận nhiệm vụ đi tìm kiếm ngư dân 2 tàu khai thác mực, gặp sóng to gió lớn, chìm  ở khu vực biển Quảng Nam, toàn bộ ngư dân rơi xuống biển. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn gồm 2 tàu kiểm ngư, 1 tàu cảnh sát biển và 1 tàu hải quân, đã chạy đua với thời gian, vượt qua rất nhiều khó khăn, tìm kiếm cứu vớt, “trả lại” sinh mạng cho 78 ngư dân. Có nghĩa các anh đã “trả lại” yên vui cho 78 gia đình. Bồi đắp vững chắc niềm tin yêu trong lòng ngư dân nói riêng và Nhân dân.

Niềm tin đó, tôi được “kiểm chứng” qua những nụ cười mộc mạc rạng ngời của những ngư dân, trên tàu cá tỉnh Bình Định cập cạnh mạn tàu 561 của chúng tôi, đang thả neo gần đảo Đá Đông A, chuẩn bị chuyển quà tết lên đảo. Các ngư dân cho biết đã đánh bắt trên biển gần tháng trời, gặp màu áo CBCS thân thương nên ghé lại. Không biết có phải mớ cá tươi ròng ngư dân mang tặng; bao gạo, nhu yếu phẩm, rau xanh mà Đại úy Hồng Long, Chính trị viên; Đại úy Phạm Văn An, thuyền trưởng và CBCS tàu chia sẻ với ngư dân, hay những nụ cười và cái bắt tay thật chặt, nghĩa tình dành cho nhau, mà biển trời sao bình yên đến lạ. Nghe hương xuân tỏa lan trên sóng Trường Sa.

Những người lính Hải Quân tàu 561 và ngư dân tàu cá trao tặng nhau nghĩa tình

Đại úy Phạm Văn An cho biết, tàu 561 là tàu vận tải kiêm quân y, nên dọc theo những hải trình thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, với tinh thần đồng hành hỗ trợ ngư dân, không đếm hết lần các anh giúp đỡ bà con về lương thực, thực phẩm, thuốc men; kể cả sửa chữa máy móc giúp, khi thuyền ngư dân hư hỏng.

Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân; Phó trưởng đoàn công tác chia sẻ, về một lần, tàu của Hải quân Vùng 4 cũng đang thực hiện nhiệm vụ mang quà tết; thăm chúc tết CBCS và Nhân dân quần đảo Trường Sa, nhận lệnh cứu tàu của ngư dân Khánh Hòa gặp giông lốc, bị nạn sắp chìm hẳn. Các anh đã nỗ lực vượt sóng gió, kịp thời tiếp cận tàu gặp nạn lúc nửa đêm. Trong giông gió, việc hạ xuồng, cứu vớt rất khó khăn, phức tạp, nguy hiểm. Nhưng vì mệnh lệnh từ trái tim, các lực lượng và CBCS trên tàu đã cứu được toàn bộ 6 ngư dân đang tuyệt vọng, giữa lằn ranh sinh tử. Xin lấy trải lòng của Thượng tá Dương Chí Nguyện làm lời kết: “Vì Nhân dân, vì Tổ quốc, mạng sống của mình, chúng tôi chẳng tiếc. Bao thế hệ người lính hải quân đã cống hiến và hi sinh, để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng; làm điểm tựa cho ngư dân, cho Nhân dân và Tổ quốc”.

Năm 2023: Các lực lượng trực thuộc và phối thuộc hoạt động thực hiện nhiệm vụ trên biển của Vùng 4 Hải quân đã phát huy tốt vai trò là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển: Hướng dẫn tàu cá ngư dân ra vào các âu tàu, lòng hồ tránh trú bão, bảo đảm an toàn trên 10.485 lượt tàu. Cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu 119 trường hợp trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được 12 lượt tàu/28 ngư dân gặp nạn trên biển…

Kỳ 3: Xanh giữa trùng khơi

Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm tựa của đội tuyển Việt Nam

Trước thời điểm diễn ra ASEAN Cup 2024, còn đó những nghi ngờ về khả năng tiến sâu của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, qua từng trận đấu với những màn trình diễn thuyết phục, niềm tin về lần đăng quang thứ 3 tại giải đấu của đội tuyển là rất lớn.

Điểm tựa của đội tuyển Việt Nam
Ắp đầy cảm xúc thiêng liêng

Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới tổ chức xuất bản ấn phẩm “Tập bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương A Lưới” (NXB Thuận Hóa, tháng 11/2024). Đây thật sự là một công trình sáng tạo mới mẻ về cách làm trong công tác văn hóa, nghệ thuật hiện nay. Điều đặc biệt mới mẻ là bên cạnh lời tiếng Việt phổ thông, mỗi bài hát đều được dịch lời sang tiếng của ba dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi của đồng bào A Lưới.

Ắp đầy cảm xúc thiêng liêng
Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp người dân huyện miền núi Nam Đông vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo
“Điểm tựa” vốn vay chính sách

“Biết ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang, gia đình tôi đã sử dụng vốn vay thật hiệu quả để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống” - chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Xuân Ổ, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) chia sẻ.

“Điểm tựa” vốn vay chính sách
Chuyển mình từ “điểm tựa” Chỉ thị 40

Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), là “điểm tựa” vững chắc, để sau mười năm triển khai hiệu quả, Phú Vang đã có những chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng đoàn kết trong Nhân dân; tăng cường niềm tin của dân đối với Đảng.

Chuyển mình từ “điểm tựa” Chỉ thị 40

TIN MỚI

Return to top