ClockThứ Tư, 30/12/2020 07:00

Tấm lòng người lính biên phòng

TTH - Mô hình “Phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới” do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh triển khai đã giúp nhiều người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước thoát nghèo.

Tặng 200 suất quà cho Nhân dân giáp biên nước bạn LàoTrao tặng thiết bị phục vụ công tác đối ngoại cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân

Thành quả của anh Hồ Xuân Bảy sau khi được Thiếu tá QNCN Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn cách chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo

Gần dân để giúp dân

Ở bản A Niêng Lê, xã Trung Sơn (A Lưới), gia đình chị Hồ Thị Trế vốn là hộ nghèo khó. Khó khăn chồng chất khi chồng chị Trế chẳng may qua đời sau tai nạn giao thông. Hàng ngày, chị Trế bươn chải đủ mọi công việc làm thuê, kiếm tiền cơm cháo cho 3 con nhỏ. Ba đứa con chị lần lượt bỏ học, cùng mẹ lên rẫy mưu sinh.

Ông Lê Văn Nghiếu, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, biết gia cảnh mẹ con chị Trế túng quẫn, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân khi được điều động tăng cường về địa phương đã kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương nhận phụ trách, giúp đỡ mẹ con chị Trế. Ngoài việc trích tiền lương mua xe đạp, sách vở, Thiếu tá Dũng còn hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng giúp bé Kăn Bảo Úc - con út chị Trế trở lại trường.

Chúng tôi cũng có dịp đến thăm nhà anh Hồ Xuân Bảy ở gần nhà chị Trế. Căn nhà gỗ 4 gian của anh nằm giữa vườn chuối xanh mướt.

Anh Bảy mở đầu câu chuyện về hành trình thoát nghèo của gia đình với sự trợ giúp đắc lực của Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng. Anh kể, mặc dù đất đai nhiều nhưng quanh năm gia đình anh chỉ trồng ngô và lúa rẫy.

Không biết cách chăm sóc, nên thường xuyên mất mùa, chuột bọ phá hết, gia đình vẫn luẩn quẩn trong nghèo đói. Năm 2017, sau khi được cán bộ biên phòng tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý thức tự vươn lên trong làm ăn kinh tế, anh mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển hướng chăn nuôi heo thả rong sang nuôi dê, bò và heo nhốt chuồng, trồng chuối thay vì trồng lúa rẫy nên cuộc sống gia đình dần khấm khá.

“Để có cuộc sống như hôm nay, gia đình tôi biết ơn các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã tận tâm giúp đỡ, nhất là cán bộ Dũng đã tận tay chỉ cho tôi cách bón phân cho cây chuối, cách tiêm phòng cho dê, cho bò; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, dự trữ nguồn thức ăn cho vật nuôi trong mùa mưa rét”, anh Hồ Văn Bảy trải lòng.

Ngược lên Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, chúng tôi ngạc nhiên khi bắt gặp cậu bé Lê Văn Thìn trong đội hình thể dục trên sân đồn. Hỏi ra thì hay, bé Thìn ở bản A Tin, xã A Đớt (A Lưới) hiện là học sinh lớp 5.

Cách đây 7 năm, bố Thìn là anh Lê Văn Mỹ bị tai biến, mất khả năng lao động. Mẹ một mình làm nương rẫy lo cho chồng và hai chị em Thìn. Cái nương, cái rẫy không thể nuôi sống được cả gia đình, nên mẹ Thìn phải vào Nam làm thuê. Biết hoàn cảnh đáng thương của Thìn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt đã gặp gỡ hiệu trưởng nhà trường, cô giáo chủ nhiệm và ba của Thìn để nhận cháu làm con nuôi của đồn. “Cùng với việc đưa đón Thìn đi học, hàng đêm, những người lính biên phòng lại chụm đầu xuống trang sách, kèm cặp, chỉ vẽ cho bé từng bài học, bằng tình thương, trách nhiệm và sự lo lắng của người cha”, Thượng tá Đặng Ngọc Hiệu, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chia sẻ.

Hiện 2 cháu có hoàn cảnh ngặt nghèo được Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân nhận làm “Con nuôi đồn biên phòng”.

Hiệu quả

Sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 8/10/2018 của Đảng ủy BĐBP tỉnh “Về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, công tác vận động quần chúng của BĐBP tỉnh chuyển biến tích cực, giúp các đơn vị trên địa bàn chủ động nắm chắc tình hình, có biện pháp tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng làm tốt công tác dân vận, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trên địa bàn.

Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, đơn vị đã phân công 224 đảng viên phụ trách 1.096 hộ gia đình ở khu vực biên giới.

Hầu hết các đảng viên phân công phụ trách hộ gia đình đã tích cực bám địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để tìm cách hỗ trợ theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, nhất là trong sản xuất. Đồng thời, qua đó tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương để người dân nâng cao nhận thức trước các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tích cực xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng. Việc làm này đã góp phần thắt chặt tình quân dân, Nhân dân tin tưởng, sát cánh cùng BĐBP bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới chia sẻ, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đánh giá rất cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tại các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn.

Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ, nhiều hộ đã chí thú làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo.“Thời gian triển khai chưa lâu và các kết quả chỉ là bước đầu, song chủ trương phân công đảng viên biên phòng phụ trách hộ dân khu vực biên giới đã mang lại hiệu quả, được các cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận và Nhân dân đồng thuận, ủng hộ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bài, ảnh: NGỌC BÌNH - VĂN THẮNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa xuân của mẹ

Không hẳn đất trời khoác lên mình lá hoa đâm chồi nảy lộc, mùa xuân của Mẹ được dệt nên bởi rất nhiều yêu thương của những đứa con bộ đội biên phòng (BĐBP).

Mùa xuân của mẹ

TIN MỚI

Return to top