ClockThứ Ba, 15/08/2017 06:16

Phương án sát với thực tế từng địa bàn

TTH - “Việc cứu dân trong thiên tai, bão lụt là mệnh lệnh chiến đấu nên Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm tình hình, phối hợp với Ban CHQS các huyện, thị xã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKC), xử lý các tình huống sát với thực tế từng địa bàn” - Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khẳng định.

Tuần tra kiểm soát người và phương tiện hoạt động trên biển

Có phương án phù hợp

Chúng tôi đến Hải đội 2 (đóng tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) đúng lúc đơn vị đang tổ chức huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ thuần thục các phương pháp, nghiệp vụ trong PCTT-TKCN. Toàn lực lượng đơn vị được đặt trong tình trạng cơ động cao, sẵn sàng xuất kích giúp dân ứng phó với bão lũ và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Thượng tá Lê Phước Quảng, Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết: “Hàng năm, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, công tác quan trọng hàng đầu của đơn vị cũng như của lực lượng biên phòng tuyến biển là tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp dân ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra. Đơn vị chú trọng đến các địa bàn trọng điểm như: Hải Dương (Hương Trà), Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang); Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lăng Cô (Phú Lộc)…”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, ngoài huấn luyện theo kế hoạch được phê duyệt, Hải đội 2 tăng cường bổ sung thêm thời gian, thời lượng huấn luyện chuyên ngành về công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Trong đó, tập trung huấn luyện về thao tác sử dụng các loại phương tiện, tiếp cận kỹ thuật mới… Theo Thượng tá Lê Phước Quảng, đơn vị chú trọng huấn luyện cơ bản về ném dây, quăng phao, lái ca nô tiếp cận mục tiêu trong các tình huống luồng lạch chật hẹp, sóng to gió lớn để cán bộ, chiến sĩ thuần thục khi làm nhiệm vụ...

Khác với Hải đội 2, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (đóng tại huyện A Lưới) tổ chức huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị tình huống khẩn cấp di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm do ảnh hưởng bão lũ gây sạt lở. Do địa bàn đồn quản lý địa hình phức tạp, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở gây chia cắt và an nguy đến tính mạng, tài sản Nhân dân, nên ngoài việc huấn luyện thuần thục các phương pháp ứng cứu, di dời dân, đơn vị còn thành lập các đội thường trực bám trụ tại các địa bàn xung yếu để kịp thời giúp dân khi có tình huống. Thượng tá Nguyễn Văn Nga, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết: Đơn vị lựa chọn phương án diễn tập theo đặc điểm tình hình địa phương và huy động đông đảo người dân trên địa bàn cùng tham gia để nâng cao hiệu quả.

Sát thực tế

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có kế hoạch bố trí 75% quân số bám địa bàn, bố trí 2 tàu tuần tra của Hải đội 2, gần 10 ca nô ở các Đồn Biên phòng Phong Hải, Đồn Cửa khẩu cảng Thuận An, Đồn Biên phòng Vinh Hiền, Đồn Cửa khẩu cảng Chân Mây và Đồn Biên phòng Lăng Cô để chủ động thực hiện nhiệm vụ trên đầm phá, vùng biển thuộc địa bàn các đơn vị quản lý.

Rút kinh nghiệm từ các mùa bão lũ trước, năm nay, các đơn vị biên phòng trên hai tuyến biên giới chủ động triển khai các phương án PCTT-TKCN sát với thực tế. Cấp ủy, Ban chỉ huy các đơn vị thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình tại các địa bàn xung yếu để có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản. Yêu cầu cấp thiết lúc này là công tác rà soát, kiểm tra các khu dân cư trong vùng xung yếu để có những giải pháp kịp thời; thống kê, phân loại toàn bộ phương tiện hoạt động trên biển, đầm phá để chủ động kêu gọi tàu thuyền di chuyển, phòng tránh lụt bão và huy động ngư dân tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho hay: Các đơn vị biên phòng chủ động tham mưu cho địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi cần thiết để di chuyển Nhân dân đến nơi an toàn như trụ sở cơ quan, nhà họp thôn và trường học nơi gần nhất. Đồng thời, phối hợp tăng cường dự báo sớm tình hình mưa bão; xây dựng kế hoạch ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu; tổ chức diễn tập chi tiết các phương án sơ tán, bảo vệ dân ở những vùng thấp trũng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong thiên tai.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, năm nay, mỗi đồn đều thành lập 1 đội thường trực tại đơn vị để sẵn sàng cơ động chi viện cho các xã, các địa bàn nhằm giúp dân trong mọi tình huống. Các đơn vị còn phân chia địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng với các cấp độ khác nhau như: khu vực dự kiến xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; khu vực có thể xảy ra giông, lốc; khu vực dự kiến ngập lụt sâu, triều cường và khu vực có khả năng xảy ra tai nạn cho tàu cá... Đây là căn cứ hết sức quan trọng để cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Bài, ảnh: Bá Trí

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Ngày 27/12, một người dân (ông V.) ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đã tự nguyện giao nộp vũ khí cho lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây.

Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

TIN MỚI

Return to top