ClockChủ Nhật, 10/10/2021 17:10

An toàn cho người đi rừng mùa lụt bão

TTH - Là địa bàn miền núi đối mặt với nhiều nguy hiểm khi bão lũ diễn ra, để chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể đi vào đất liền, các cấp chính quyền huyện Nam Đông đã chủ động các phương án phòng, chống thiên tai (PCTT).

Phòng là chínhQuảng Điền hạn chế tối đa nguy cơ thiệt hại về ngườiToàn tỉnh có 29 nhà bị tốc mái

Lãnh đạo huyện Nam Đông kiểm tra các vùng xung yếu trước mùa mưa bão

Đảm bảo an toàn cho người dân

Giữa tháng 9 vừa qua, ảnh hưởng của bão số 5 gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Nam Đông nói riêng. Trong đó, toàn huyện ghi nhận 45 trường hợp người dân đi làm rừng chưa trở về, mất liên lạc. Số hộ dân này chủ yếu ở các xã Thượng Quảng, Thượng Long, Hương Hữu, Hương Lộc, Thượng Lộ… và thường xuyên vào rừng làm rẫy.

Ngay sau khi bão số 5 đi qua, chính quyền các địa phương đã tích cực liên lạc với những lâm dân trên, nhưng do trong rừng không có sóng điện thoại nên một số trường hợp vẫn không thể kết nối. Rất may sau đó toàn bộ số người trên vẫn an toàn và đã trở về nhà.

Nhiều năm nay, những vụ việc như trên là không hiếm ở Nam Đông, mặc dù người dân luôn biết những hiểm nguy khi đi rừng trong mùa mưa bão. Ngoài các hoạt động sản xuất, chăm sóc rừng, vào mùa này người dân vào rừng keo chặt tỉa cành tránh đổ gãy do bão hay cạo mủ cao su. Do một số khu vực xa khu dân cư nên bà con thường lưu lại nhiều ngày, khi gặp mưa bão lại không kịp về nhà.

Trước khi ATNĐ đổ bộ, huyện Nam Đông đã tổ chức kiểm tra, làm việc với các địa phương triển khai nhiều biện pháp ứng phó với thời tiết, rà soát số người đi rừng để kêu gọi trở về an toàn trước khi thiên tai diễn ra. Đồng thời, phối hợp với gia đình chủ động liên lạc, kết nối với người thân của lâm dân để thông báo tình hình thời tiết, hướng dẫn các phương án ứng phó kịp thời nếu bị mắc kẹt.

Đến thời điểm này, hầu hết các hộ dân đã nắm rõ diễn biến thời tiết sắp tới. Các xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng hoặc sớm trở về trước khi ATNĐ đổ bộ.

Đề phòng sạt lở

Nhiều vùng xung yếu trên địa bàn huyện Nam Đông đối mặt với tình trạng sạt lở như: Hương Sơn, Thượng Lộ, Thượng Quảng, Hương Lộc, tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan đoạn qua địa bàn xã Hương Phú, thị trấn Khe Tre…Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là gần 80 hộ dân tại thôn Lập, xã Thượng Nhật thuộc vùng nguy hiểm của thủy điện Thượng Nhật. Tình trạng sạt lở bờ sông tiến sát vào nhà ở, có nơi lên đến 10 - 15m khiến người dân thôn Lập sống trong thấp thỏm.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, những điểm sạt lở, khu vực bị hư hại nhỏ từ mùa mưa bão năm trước đã được địa phương chủ động khắc phục từ sớm. Với các vùng xung yếu tiềm ẩn nguy cơ cao, huyện đã đề xuất với UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để có kinh phí sửa chữa, gia cố hoặc di dời. Trước mắt, để đảm bảo an toàn, tiếp tục thực hiện phương án sơ tán người dân sống tại các vùng trên khi thiên tai xảy ra.

Mùa mưa bão năm nay, huyện Nam Đông đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCTT ngay từ giữa năm để tránh tình trạng bị động khi mưa bão diễn ra. Trong đó, UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê lập danh sách và kế hoạch sơ tán cụ thể các hộ ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, xác định các địa điểm di dời đến như (UBND xã, trạm y tế, trường học, trụ sở các cơ quan và các nhà kiên cố ở trong khu vực) để tránh lúng túng trong khi triển khai; cương quyết thực hiện sơ tán, di dời và có thể cưỡng chế khi cấp thiết. Với ATNĐ chuẩn bị đổ bộ, chính quyền các xã đã xác định phương án, kế hoạch và sẵn sàng di dời khi có lệnh để đảm bảo an toàn cho người.

Các khu vực nguy hiểm cũng được lắp đặt rào chắn, cắm biển báo hiệu, chốt trực trước khi mưa bão đổ bộ để không cho người dân qua lại. Các thông tin về thiên tai, bão lụt sẽ được cập nhập thường xuyên qua nhiều kênh thông tin khác nhau, quan trọng và hiệu quả nhất vẫn là hệ thống truyền thanh của huyện và xã.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Nam Đông thông tin, các cấp chính quyền huyện sẽ chủ động triển khai các phương án ứng phó từ sớm để đảm bảo an toàn tối đa cho người dân, tránh tình trạng bị động trong thiên tai

Hiện, toàn huyện đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện phục vụ cứu hộ, cứu nạn như: 335 phao tròn, 275 áo phao, 2 phao bè, 13 nhà bạt, 6 thuyền cao su, 1 xuồng máy, 20 tấm trải nhựa, 40 bộ dụng cụ sửa nhà, 7 máy phát điện. Đồng thời, hợp đồng với Công ty CP Thương mại Nam Đông và các đại lý trên địa bàn dự trữ 500 lít dầu hỏa; 5.000 lít xăng; 500 thùng mì tôm; 30 tấn gạo để dự phòng cung cấp kịp thời cho Nhân dân ở các vùng bị cô lập, thiếu lương thực khi có thiên tai xảy ra. Các xã, thị trấn cũng tuyên truyền, vận động người dân tự dự trữ các mặt hàng thiết yếu đảm bảo tối thiểu 7 ngày.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn

Năm 2024 đã thổi bùng lên lo ngại về việc di chuyển bằng máy bay, đặc biệt là trong những tuần gần đây, khi hơn 200 người đã thiệt mạng trong hai vụ tai nạn riêng biệt chỉ cách nhau vài ngày.

Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn
UNICEF kêu gọi ưu tiên an toàn cho trẻ em di cư

Sau vụ đắm tàu gần đây nhất xảy ra ở vùng biển ngoài khơi phía đông Tunisia khiến ít nhất 27 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em thiệt mạng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi chính phủ các nước ưu tiên đảm bảo an toàn cho trẻ em di cư.

UNICEF kêu gọi ưu tiên an toàn cho trẻ em di cư
Giữ cho rừng thêm xanh

Phía tây Phong Điền bây giờ không còn đất trống, đồi trọc mà thay vào đó là những cánh rừng đã xanh hơn. Đây là kết quả của sự đoàn kết chung tay của ban, ngành chức năng và người dân trong việc trồng, quản lý và bảo vệ rừng thời gian qua.

Giữ cho rừng thêm xanh

TIN MỚI

Return to top