ClockThứ Tư, 02/01/2019 12:30

Cần tiếp tục triển khai dự án đường 74

TTH - Dự án đường 74 nối 2 huyện Nam Đông - A Lưới dài hơn 34km được triển khai từ năm 2011 với tổng kinh phí hơn 530 tỷ đồng, được đánh giá là một trong những tuyến đường trọng điểm về quốc phòng, có ý nghĩa chiến lược cho phát triển giao thông nông thôn...

Thời kỳ chiến tranh, đường 74 là con đường quan trọng trong liên lạc, vận chuyển quân giới. Do tuyến đường xuống cấp, không còn nguyên dạng, năm 2011, Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng lại con đường từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo lộ trình, dự án hoàn thành năm 2015 nhưng đến nay vẫn đình trệ.

Các dầm cầu xây dựng dở dang, sắt chờ rỉ sét

Lãng phí lớn

Trở lại cung đường 74 vào những ngày cuối năm 2018, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh ngổn ngang, hoang vắng. Từ phía xã A Roàng (A Lưới) đi vào, mặt đường bị vùi lấp, hư hỏng, trên tuyến xuất hiện nhiều điểm sạt lở, hằn lún nghiêm trọng.

Trên đường, từng đống đá, sỏi dùng để xây dựng chất cao như núi phủ cỏ cây um tùm; hàng chục bao xi măng đã "chết" cứng. Những chiếc xe xúc, xe ủi lâu ngày không sử dụng đã gỉ sét, lún sâu vào đất. “Nghe Nhà nước làm đường nối giữa A Lưới với Nam Đông, chúng tôi vui mừng lắm vì có thể qua lại thăm thân bà con với nhau. Nhưng đến nay sau nhiều năm ngừng trệ, bỏ bê, chúng tôi rất thất vọng. Việc đi lại của người dân vào nương rẫy cũng gặp nhiều khó khăn” - một người dân xã A Roàng bày tỏ.

Ở phía xã Hương Sơn (Nam Đông) đi vào, tình thế không khá hơn. Vẫn đường đất đá bị xói mòn, hư hỏng do mưa gió với nhiều ổ voi, ổ trâu. Băng qua nhiều đồi dốc, đá lớn, nhỏ lởm chởm, hàng loạt taluy dương đã bị sạt lở, sụt lún. Nhiều chiếc cầu đã được đúc dầm, nối nhịp nhưng vẫn còn dang dở, trơ những khối xi măng với từng bó sắt… “Ban đầu người ta thi công rầm rộ lắm, trên công trường khi nào cũng có hàng chục công nhân, máy móc hoạt động. Không hiểu vì lý do gì mà làm được một thời gian thì dừng lại, công nhân bỏ đi hết. Máy móc, nguyên vật liệu xây dựng phơi nắng, phơi mưa. Con đường này giờ rất ít người qua lại”- ông Hồ Sỹ Thi, người dân xã Hương Sơn cho biết.

Đề xuất Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện dự án

Dư luận cho rằng, chưa tính đến thất thoát của dự án, chỉ riêng việc công trình ngừng trệ với khối lượng nhân lực, vật lực đã bỏ ra và nhiều nguyên vật liệu, máy móc thiết bị đang dầm mưa dãi nắng cũng cho thấy sự lãng phí rất lớn ở đây.

Hàng chục bao xi măng đã đông cứng sau nhiều năm dưới mưa gió

Chủ tịch UBND huyện Nam Đông- ông Trần Quốc Phụng cho biết, tuyến đường này được làm trên nền đường cũ nên không vướng giải phóng mặt bằng. Rất mong dự án sớm triển khai trở lại để công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp người dân hai huyện đi lại dễ dàng, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho hai địa phương.

Một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thông tin, dự án ngừng thi công nhiều năm do nhiều nguyên nhân. Về khách quan, do địa hình toàn là rừng núi chia cắt, núi cao vực sâu; thời tiết ở đây hết sức khắc nghiệt, mưa lũ và sạt lở rất nhiều. Về chủ quan, quá trình khảo sát thiết kế chưa kỹ, chưa phù hợp với địa hình, địa chất… dẫn đến một số vấn đề phát sinh khi thi công. Do đó, Bộ Quốc phòng cho dừng dự án để điều chỉnh, tổ chức khảo sát, thiết kế đánh giá xem xét lại kết quả khối lượng thi công, chất lượng thi công, hoàn chỉnh các nội dung liên quan.

“Để tránh tình trạng lãng phí trong đầu tư, đơn vị sẽ tính toán, có phương án đề xuất Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện dự án. Chúng tôi mong muốn con đường vẫn sẽ tiếp tục thi công để kết nối mạng giao thông miền núi, giúp phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh quốc phòng, tránh thất thoát tài sản, lãng phí tiền bạc của nhà nước”- vị lãnh đạo này nói.

Tuyến đường 74 dài 34km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi với kết cấu mặt đường bê tông xi măng và bê tông nhựa. Toàn bộ dự án gồm 12 cầu (2 cầu lớn và 10 cầu trung) với tổng mức đầu tư 535 tỷ đồng.

Thái Sơn - Thái Ca

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạ tầng xanh từ dự án Đô thị xanh

Dự án (DA) Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) (gọi tắt DA Đô thị xanh) với mục tiêu chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng đang mang lại diện mạo “xanh - sạch - sáng” cho đô thị Huế.

Hạ tầng xanh từ dự án Đô thị xanh

TIN MỚI

Return to top