ClockThứ Tư, 04/06/2025 16:53

Biển cấm cần được tôn trọng

HNN - Bãi tắm Thuận An (phường Thuận An, quận Thuận Hóa) đã khoác lên mình diện mạo mới khang trang, sạch đẹp, trở thành điểm đến yêu thích của người dân và du khách. Tuy nhiên, tình trạng bán hàng rong bất chấp biển cấm diễn ra là một điểm trừ không đáng có.

Du lịch biển "sửa soạn" đón kháchPhát động 5 tuần cao điểm thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển"Nhiều đơn vị biên phòng ra quân “Ngày Chủ nhật xanh”

 Người bán hàng rong nghỉ chân ngay bên biển cấm tụ tập và bán hàng rong ở bãi tắm Thuận An

Trở lại Thuận An, những con đường dạo bộ rộng rãi, hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại cùng các công trình phụ trợ được bố trí khoa học mang đến cảm giác mới mẻ, thân thiện. Cát trắng mịn màng trải dài bên làn nước biển trong xanh, không còn rác thải hay những góc khuất bừa bộn như trước. Từng làn gió biển mát rượi thổi qua, tiếng sóng vỗ dịu dàng hòa cùng tiếng cười nói rộn ràng của du khách khiến không gian nơi đây tràn đầy sức sống.

Bên cạnh những thay đổi tích cực đó, một thực trạng chưa thể dẹp bỏ là nạn bán hàng rong tại bãi biển. Dù các tấm biển “Cấm bán hàng rong” đã được đặt ở nhiều lối xuống bãi tắm, nhưng hàng rong vẫn vô tư hoạt động như thể chưa từng có bất kỳ quy định nào. Không ai đọc, hay đọc rồi phớt lờ? Khi quy định bị bỏ lửng, điều cần suy ngẫm không chỉ là câu chuyện trật tự, mà còn là cách chúng ta đang sống trong một đô thị có quy định nhưng thiếu ý thức tuân thủ.

Câu hỏi đặt ra là, biển cấm để làm gì, nếu không có hiệu lực trong đời sống thực? Khi một quy định rõ ràng bị phớt lờ công khai thì vấn đề không còn nằm ở “buôn bán nhỏ lẻ” mà đã chạm đến nền tảng của kỷ cương đô thị. Một khi người dân quen với tâm lý “cấm thì cứ cấm, bán thì cứ bán”, việc tuân thủ quy định sẽ chỉ còn là hình thức, và nguy hiểm hơn, đó sẽ là mầm mống cho sự vô tổ chức trong nhiều khía cạnh khác của đời sống đô thị.

Chúng ta không thể phủ nhận, phía sau mỗi thúng hàng rong là một cuộc mưu sinh. Phần lớn người bán là dân địa phương, không nghề nghiệp ổn định, bấu víu vào mùa hè để kiếm vài trăm nghìn mỗi ngày. Nhưng nếu lấy khó khăn làm lý do để hợp thức hóa cái sai thì làm sao quản lý được đô thị? Lòng trắc ẩn không thể thay thế cho nguyên tắc. Và càng không thể để cảm tính chi phối luật lệ.

Việc dựng biển “Cấm bán hàng rong” không sai, nhưng nếu chỉ cấm mà không tổ chức lại thì chưa đủ. Tại sao không quy hoạch một khu vực buôn bán tạm thời, gần nhưng không ảnh hưởng đến không gian bãi tắm? Những người đủ điều kiện có thể đăng ký, được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian hoạt động và giữ gìn môi trường. Một “phiên chợ ven biển” được tổ chức quy củ, đúng người, đúng chỗ, đúng giờ, sẽ giúp vừa giữ được trật tự, vừa tạo sinh kế.

Ở nhiều thành phố biển như, Nha Trang, Vũng Tàu hay Hội An, mô hình “gian hàng cộng đồng” hay “chợ đêm ven biển” đã mang lại hiệu quả tích cực. Huế không thể là ngoại lệ, đặc biệt khi thành phố đang hướng đến trở thành đô thị di sản, đô thị du lịch trọng điểm.

Một đô thị không thể phát triển nếu ngay cả tấm biển cấm cũng bị vô hiệu hóa. Hôm nay là hàng rong trên bãi biển, ngày mai có thể là xe đẩy lấn vỉa hè, karaoke di động giữa khu dân cư hay tình trạng lộn xộn ở cổng trường học... Những biểu hiện nhỏ, khi bị bỏ qua quá lâu, sẽ trở thành “văn hóa vô kỷ luật” và cái giá phải trả không hề nhỏ.

Làm sao để người dân nể luật không phải sợ phạt mà thấy luật hợp lý? Làm sao để người bán chọn khu vực quy định không vì bị ép buộc mà ở đó họ được công nhận, bảo vệ? Làm sao để tấm biển cấm không còn là vật trang trí?...

Chấn chỉnh nạn hàng rong không có nghĩa là đẩy người nghèo vào đường cùng. Nhưng để dung hòa lợi ích, chính quyền không thể chỉ dựng biển rồi đứng nhìn. Cần một cách tiếp cận mềm dẻo nhưng quyết liệt: Tổ chức lại không gian, tạo sinh kế thay thế, truyền thông rõ ràng, xử lý nghiêm vi phạm cố ý.

Chỉ khi tấm biển cấm được người dân tự nguyện tôn trọng, không vì sợ, mà vì hiểu và đồng thuận thì khi ấy, bãi biển Thuận An nói riêng và các bãi tắm khác nói chung mới thực sự trở thành không gian công cộng văn minh, đẹp đẽ và đáng để quay trở lại.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

200 người tham gia chạy cùng người khuyết tật

Sáng 23/6, Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (Viện ACDC) phối hợp với Sở Y tế thành phố, Hội Người khuyết tật (NKT) – Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi TP. Huế đồng tổ chức sự kiện "Chạy cùng người khuyết tật: Không khoảng cách - Không giới hạn" năm 2025 tại bãi biển Thuận An (phường Thuận An, quận Thuận Hóa).

200 người tham gia chạy cùng người khuyết tật
Phấn đấu hình thành “Trung tâm Y tế số”

Ngày 21/6, Đảng bộ Trung tâm Y tế quận Thuận Hóa tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2025-2030 với mục tiêu phấn đấu hình thành “Trung tâm Y tế số”.

Phấn đấu hình thành “Trung tâm Y tế số”

TIN MỚI

Return to top