ClockThứ Tư, 27/02/2019 09:52

Hoàn thành tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân

TTH - Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2019), TS. BS. Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế trao đổi với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, khẳng định những bước tiến mới trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng hiệu quả, chất lượng cao. Ông Hùng cho rằng:

Thủ tướng: Cần tôn vinh những "anh hùng thầm lặng" của ngành yGiải cầu lông kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

TS.BS. Nguyễn Nam Hùng

Ngành y tế đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng; trong đó, nổi bật là dịch bệnh trên địa bàn được khống chế. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai hiệu quả. Công tác KCB các tuyến thực hiện hiệu quả. Tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế chuyển biến rõ nét, quan tâm nhiều đến quyền lợi người bệnh. Năm qua, các cơ sở, bệnh viện không ngừng đào tạo, tuyển dụng, bổ sung nhân lực và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tiếp tục phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới về sản khoa, nội tiêu hóa, tim mạch... góp phần nâng cao chất lượng KCB, giảm tải cho tuyến trên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình KCB đã giúp rút ngắn thời gian chờ đợi; đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh. Chỉ số ứng dụng CNTT và công tác CCHC của ngành y tế hiện đứng thứ 2 trong các sở ngành của tỉnh. Đến thời điểm này, trên địa bàn có gần 69% người dân đã được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử theo nội dung của Quy định 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế.

Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế được xem là yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay. Ngành y tế đã làm gì để thực hiện tốt nội dung đó - thưa ông?

Hoạt động này luôn được ngành y tế quan tâm, như chỉ đạo triển khai việc ký cam kết; tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao kỹ năng giao tiếp, thực hiện đường dây nóng, duy trì hòm thư góp ý, xây dựng phong cách, thái độ, phục vụ văn minh, thân thiện… Cùng với đó là thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị thành lập phòng công tác xã hội để hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh nhằm giải quyết những vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình KCB. Đến nay, hầu hết các cơ sở, bệnh viện đều triển khai tốt nội dung này, xem đó là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng KCB và xây dựng thương hiệu bệnh viện. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng bên cạnh việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các bệnh viện; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, trang thiết bị hiện đại, tăng cường chất lượng dịch vụ nhằm đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế còn gặp những khó khăn gì?

Một trong những khó khăn mà ngành trăn trở là tình trạng thiếu nhân lực có trình độ chuyên sâu ở một số ngành, lĩnh vực trong khi việc thu hút bác sĩ lại khó khăn. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu trong thực hiện các hoạt động chuyên môn. Nhiều trạm y tế hiện đang xuống cấp. Công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng hành nghề vượt quá phạm vi quy định, hành nghề không có giấy phép và vi phạm quy chế chuyên môn…

Năm qua, báo chí đưa tin nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra trong ngành y tế. Vậy, ông nhìn nhận việc thực hiện y đức của đội ngũ y, bác sĩ hiện nay trên địa bàn thế nào?

Không thể phủ nhận sự tận tụy, hy sinh hết mình của người thầy thuốc trên địa bàn đã chăm sóc cứu chữa cho người bệnh, dập tắt nhiều dịch bệnh nguy hiểm, làm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng.... Tuy nhiên, do áp lực công việc trong chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, đồng thời mỗi người bệnh có những đặc điểm bệnh lý khác nhau, trình độ chuyên môn của một số cán bộ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế chưa theo kịp nên có lúc, có nơi vẫn có xảy ra sai sót về chuyên môn làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh, gây bức xúc cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, ảnh hưởng đến hình ảnh và giá trị cao đẹp của người thầy thuốc. Đây là những “con sâu làm rầu nồi canh” mà ngành sẽ tiếp tục chấn chỉnh, xem xét, xử lý mạnh tay với những trường hợp vi phạm.

Xin ông cho biết, thời gian đến, ngành y tế có những kế hoạch và giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân?

Mục tiêu của ngành là tiếp tục xây dựng hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước hết, ngành tiếp tục tăng đầu tư, phát triển hệ thống y tế công lập và ngoài công lập, hoàn chỉnh mô hình tổ chức và củng cố đầu tư nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, từng bước chuẩn hóa chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng bệnh viện, tạo tiền đề để tiếp cận với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế. Ngành sẽ tập trung lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 100% người dân trên địa bàn. Ngoài ra, triển khai đề án mô hình điểm trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình của Bộ Y tế; chú trọng công tác đào tạo, có chính sách thu hút bác sĩ chất lượng cao về công tác ở tuyến cơ sở; đảm bảo các hoạt động thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Toàn ngành tiếp tục khống chế và giảm lây nhiễm HIV, có biện pháp giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, nâng cao chất lượng và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm... Dẫu còn nhiều hạn chế, bất cập song với sự đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, đội ngũ y, bác sĩ, tôi tin ngành y tế tỉnh nhà sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong giai đoạn mới.

Minh Văn (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức khỏe sinh sản - Có kiến thức, hạn chế rủi ro

Trẻ vị thành niên, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu kỹ năng sống, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục và giới tính dễ dẫn đến nhiều rủi ro, hệ lụy. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, địa phương, trường học huyện Phú Lộc, A Lưới nâng cao kiến thức cho các em về vấn đề này.

Sức khỏe sinh sản - Có kiến thức, hạn chế rủi ro

TIN MỚI

Return to top