ClockThứ Sáu, 26/11/2021 06:20

“Chúng ta cùng hợp tác thì sẽ kiểm soát được nguồn lây”

TTH - Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuỗi ngày ghi nhận các ca F0 trong cộng đồng chưa dứt, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo nhấn mạnh: “Người dân và chính quyền địa phương hỗ trợ, liên hệ chặt chẽ với ngành y tế, nhất là y tế cơ sở thì chúng ta sẽ kiểm soát tốt các nguy cơ lây lan dịch”.

Tăng cường giám sát chặt vòng ngoài và truy nguồn ổ dịchKiểm soát chặt dịch bệnh để bầu cử thành côngThủ tướng yêu cầu ngăn chặn quyết liệt hơn các nguồn lây nhiễm

Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo. Ảnh: Quang Trung

Trước tình tình số lượng F0 tăng nhanh, Thừa Thiên Huế đã chuẩn bị các cơ sở điều trị F0 như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã chuẩn bị các cơ sở để thu dung các ca F0 không triệu chứng và những cơ sở y tế thu dung những trường hợp F0 có triệu chứng theo các phân tầng: nhẹ, trung bình, nặng, thậm chí nguy kịch. Khu T2 – Trường Nghề Số 23 là nơi thu dung F0 không triệu chứng, công suất giường đã được nâng lên 1.000. Khu T3 – điểm cách ly tập trung cũng dự kiến nâng lên 1.000 giường và khu T4 nâng lên 1.000-1.200 giường; khu T2.1 ở Hương Trà khoảng 800 giường. Tất cả đều được sẵn sàng để thu dung, chăm sóc những trường hợp F0 không triệu chứng khi tình hình dịch phức tạp, số lượng F0 tăng cao.

Hiện trạng cơ sở vật chất, giường, phòng và hệ thống phục vụ việc thu dung… được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị rất chu đáo, đầy đủ. Lãnh đạo UBND tỉnh giám sát rất chặt chẽ quá trình hoàn thiện những cơ sở này. Sở Y tế điều hành và tổ chức những công việc liên quan đến chăm sóc, theo dõi các ca nhiễm và phương tiện, trang thiết bị, thuốc men. Trong đó, nguồn nhân lực được huy động từ các trung tâm y tế của các địa phương có T để làm bộ khung.

Năng lực của các bệnh viện dã chiến hiện nay thì như thế nào, thưa ông?

Khi số lượng F0 tăng cao, điều quan trọng là chúng ta chủ động, nắm bắt được tình hình để chủ động trong công tác thu dung và điều trị F0 bị nhiễm. Chúng tôi vẫn tiếp tục nâng cấp, bổ sung trang thiết bị máy móc, con người cho các cơ sở hoạt động bấy lâu nay như bệnh viện dã chiến Hương Sơ, Bệnh viện Chân Mây, Bình Điền. Trường hợp bệnh chuyển nặng, có dấu hiệu đe dọa đến tính mạng thì sẽ được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Với phân tầng điều trị 3 tầng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai ngay từ đầu, chúng tôi đã tính tới các khả năng điều trị khi số F0 tăng cao. Theo ước tính, với 1.000 F0 thì khả năng có khoảng 10% trường hợp chuyển mức độ trung bình, 5% trường hợp chuyển mức độ nặng và khoảng 1-2% chuyển mức nguy kịch. Tùy theo tình hình thực tế, chúng tôi sẽ có những phương án điều trị kịp thời cho các ca bệnh phù hợp với năng lực y tế địa phương. Với tình hình hiện tại, Thừa Thiên Huế đang đáp ứng được yêu cầu điều trị cho những trường hợp F0 đã ghi nhận.

Ngành y tế đã chuẩn bị phương án điều trị F0 không triệu chứng ở nhà như thế nào, thưa ông?

Thừa Thiên Huế đã chuẩn bị các phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh tăng cao và số lượng F0 có thể lên đến 4.000-5.000 ca. Hiện tại, các cơ sở thu dung F0 vẫn đáp ứng được tình huống này. Tuy nhiên, khi lượng F0 tăng quá khả năng đáp ứng của tỉnh, thì những trường hợp F0 không triệu chứng sẽ được theo dõi sức khỏe tại gia đình.

Chuẩn bị cho tình huống này, chúng tôi chủ động tập huấn và điều chỉnh nhân lực làm việc tại chỗ của các trạm y tế. Việc này vừa nâng cao năng lực chuyên môn cho cơ sở, vừa chuẩn bị cho tình huống khi điều trị, theo dõi F0 ở nhà thì các trạm y tế cũng có thể linh động điều chuyển từ khu vực này đến khu vực khác để làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thêm sự hỗ trợ từ các tổ phòng, chống dịch cộng đồng, các nhóm tình nguyện và các đội phản ứng nhanh của y tế cơ sở.

Những ngày này, việc tiêm phủ vắc-xin ngừa COVID-19 đang được đẩy nhanh trên toàn tỉnh. Ảnh: P. THÀNH

Dự kiến hết tháng 11 này, Thừa Thiên Huế sẽ phủ 100% vắc-xin mũi 1 phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên. Ngành y tế thực hiện công tác này như thế nào?

Và điều quan trọng đến bây giờ là chúng ta phủ được tỷ lệ vắc-xin cho toàn dân, sau đó là vấn đề điều trị và thuốc có vai trò tính quyết định. Khi đã có vắc-xin, điều an tâm nhất là nếu có bị nhiễm thì mức độ chuyển nặng ít hơn. Đồng thời, nếu có thuốc điều trị đặc hiệu nữa thì sẽ có thể đem lại sự bình thường của những người nhiễm COVID-19. Hy vọng chúng ra sẽ kiểm soát được tình hình.

Tính đến ngày 24/11, tổng số liều vắc-xin Thừa Thiên Huế đã nhận được là 1.218.624 liều. Từ nguồn vắc-xin, ngành y tế đã tổ chức tiêm mũi 1 cho 716.692 người và tiêm mũi 2 cho 253.511 người. Tính theo tỷ lệ số dân từ 18 tuổi trở lên, thì đã có 74,88% người được tiêm 1 mũi và 26,49% người tiêm 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19. Từ nay đến hết tháng 11/2021, ngành y tế tăng cường lực lượng và tập trung nguồn lực để “phủ” mũi 1 vắc-xin phòng COVID-19 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên trong địa bàn tỉnh và tiếp tục tiêm mũi 2 cho những người đã đến thời hạn. Đồng thời, chúng tôi cũng triển khai việc tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 18 tuổi sớm nhất có thể ngay khi được phân bổ nguồn vắc-xin.

Số lượng F0 ghi nhận trong ngày liên tục tăng, nhất là những F0 trong cộng đồng. Theo ông, để kiểm soát được tình hình dịch chúng ta cần làm gì?

Để đảm bảo vừa “thích ứng an toàn” vừa “kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả”, chúng tôi đang cố gắng tầm soát và đánh giá mức độ dịch một cách linh hoạt, nhưng cái khó là phải kiểm soát hiệu quả tình hình dịch COVID-19. Trong tình hình hiện nay, vấn đề kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch yêu cầu chúng ta phải có đủ vắc-xin để phủ rộng trong cộng đồng, có thuốc đặc hiệu, các F0 được điều trị tốt và phải kiểm soát được nguồn lây. Hiện nay, ở những nơi có nguy cơ cao, chúng tôi vẫn tiếp tục truy vết, tầm soát một cách tối ưu nhất để làm sao phát hiện, kiểm soát và chặn đứt càng sớm càng tốt nguồn lây truyền của dịch bệnh trong cộng đồng. Chúng tôi cố gắng phát hiện sớm nhất, cách ly sớm nhất và điều trị sớm nhất để tránh tình trạng chuyển “độ” của bệnh nhân.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường phòng, chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế

Ngày 2/1, Ban Thanh niên Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp với Phòng Quản lý dịch vụ buồng bệnh, cơ sở vật chất và Bảo vệ cùng Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế triển khai có hiệu quả Công trình thanh niên “Phòng chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế”. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “3 trách nhiệm” của tuổi trẻ Công an thành phố trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo tốt an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Tăng cường phòng, chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế

TIN MỚI

Return to top