ClockThứ Sáu, 23/12/2022 22:00

Quyết sách gỡ khó cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

TTH - Nghị quyết số 144/NQ-CP ban hành tháng 11/2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tháo gỡ khó khăn cho nhiều đơn vị. Việc điều trị cho bệnh nhân theo đó sẽ được chủ động hơn, bớt đi nỗi lo vượt trần, vượt quỹ.

Gần 92% cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chipQuỹ Bảo hiểm y tế chi 657,7 tỷ đồng cho các bệnh của người bị COVID-19

Các bệnh viện không bị áp lực vượt trần, vượt quỹ khi thanh toán BHYT dựa vào thực tế

Một số vấn đề phát sinh trong khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) đã được đề xuất để các cơ quan có sự phối hợp giải quyết, tránh tình trạng treo hoặc xuất toán chi phí KCB. Đơn cử, việc thanh toán gây tê/gây mê trong dịch vụ kỹ thuật giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chưa thống nhất khiến các đơn vị y tế lúng túng.

Một thực trạng khác, với bệnh nhân khó khăn, vùng nông thôn, giá trị đơn thuốc 30 ngày nếu vượt 15% lương cơ bản, người bệnh sẽ nộp thêm 20% chi phí. Nhiều bệnh nhân yêu cầu khám, nhận thuốc 2 lần để khỏi đóng phí. Tuy nhiên, như vậy rơi vào tình trạng bị xuất toán tiền khám bệnh do tách lượt khám 2 lần. Một đơn vị y tế cho hay, từ năm 2021 đến tháng 6/2022, đơn vị này bị xuất toán hơn 30 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh mãn tính với lý do tách lượt như trên. Một số đơn vị khác tìm cách giảm giá trị đơn thuốc bằng cách thay thế thuốc rẻ hơn. Trong tình huống này, bài toán nâng cao chất lượng điều trị khiến người làm công tác KCB phải cân nhắc, lựa chọn.

Với Nghị quyết (NQ) 144, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản liên quan đến mua sắm, đấu thầu, trang thiết bị y tế, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với thủ trưởng đơn vị để tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Về việc thanh toán chi phí KCB BHYT, cho phép quyết toán, thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2021 bằng chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở KCB sau khi đã được cơ quan BHXH giám định. Việc quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chi phí KCB BHYT được thanh toán đúng theo thực tế sử dụng gỡ khó rất nhiều cho các đơn vị. Trước đây, các dịch vụ được tạm ứng 80%, sau đó qua giám định nếu đáp ứng đủ điều kiện mới được thanh toán. Mỗi phiên thanh quyết toán với BHXH khiến các BV hồi hộp bởi khả năng có bị xuất toán hay không, được thanh toán 20% còn lại không và nhiều điều phát sinh khác.

Theo BSCKI. Nguyễn Thị Kim Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Thủy, nghị quyết tạo sự tích cực, nâng cao vai trò người đứng đầu đơn vị, trong đấu thầu thuốc men, vật tư. Thủ tục đấu thầu đơn giản linh hoạt thì các đơn vị tham gia thầu dễ dàng tiếp cận hơn so với trước. BS không bị trói buộc, BV không bị áp lực vượt trần, vượt quỹ khi việc thanh toán dựa vào thực tế.

Nhìn nhận dưới góc độ quản lý, GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ: “NQ 144 của Chính phủ đã tháo gỡ một số khó khăn của ngành y tế nói chung cũng như Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng trong việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT. Trước đây, nếu vượt tổng mức thanh toán sẽ không được thanh toán, thì nay những nội dung khám, chữa bệnh nói trên qua giám định đáp ứng đủ các điều kiện, quy định vẫn được BHXH thanh toán. Bệnh viện tự tin hơn trong việc điều trị các bệnh hiểm nghèo, ca bệnh khó, đặc biệt là các ca bệnh cần chi phí lớn để có thể cứu sống bệnh nhân”.

“Nhờ NQ 144, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế được thuận tiện hơn. Trước đây một số nơi còn tình trạng khan hiếm thuốc và vật tư y tế do khó khăn trong mua sắm, đấu thầu… Bây giờ, các bệnh viện sẽ điều trị bệnh nhân nhanh chóng hơn, nhất là các thuốc biệt dược, điều trị các bệnh khó, bệnh hiểm nghèo… BV sẽ có điều kiện mua, thanh toán cho bệnh nhân theo chỉ định của BS trong điều kiện cho phép”, GS.TS. Phạm Như Hiệp nói thêm.

Nhìn nhận một quyết sách lớn tác động đến ngành y, PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế nhận định, vướng mắc của ngành y tế được tạo điều kiện xử lý. Các khó khăn được tháo gỡ thì hoạt động chuyên môn của ngành sẽ thông suốt.

Liên quan đến công tác phối hợp, theo BHXH tỉnh, Thừa Thiên Huế là một trong 18 tỉnh thực hiện đấu thầu tập trung 129 mặt hàng thuốc, còn các mặt hàng thuốc còn lại, các cơ sở KCB BHYT sẽ phải tự lo đấu thầu. Do đó, tạo áp lực, khó khăn rất lớn cho các cơ sở KCB BHYT cũng như cơ quan BHXH về nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian tổ chức... Tại thời điểm hiện nay, thời hạn của kết quả đấu thầu của các hội đồng đấu thầu vẫn đang còn hiệu lực (từ trên 6 tháng đến hơn 1 năm), nên trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh như yêu cầu tại NQ 144/NQ-CP.

Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho hay, nhằm chủ động trong cung ứng đủ thuốc cho người bệnh năm 2023 và các năm tiếp theo, BHXH tỉnh tích cực phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB cử nhân lực hội đủ điều kiện tham gia đầy đủ vào các hội đồng đấu thầu thuốc trên địa bàn. Thực hiện kiến nghị của Đoàn Giám sát Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam tại phiên làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 28/7/2022, BHXH tỉnh đã có ý kiến với Sở Y tế có kiến nghị UBND tỉnh mở rộng danh mục đấu thầu cấp địa phương. Theo đó, tổ chức đấu thầu tập trung toàn bộ thuốc theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 50 Thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, để tạo thuận lợi cho các đơn vị KCB trong việc đảm bảo cung ứng thuốc trong thời gian tới.

"Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở KCB tập trung thực hiện Nghị quyết, hướng tới việc bảo đảm nguồn kinh phí KCB BHYT, tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở KCB tổ chức cung ứng dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn kinh phí KCB BHYTtheo đúng quy định của pháp luật", ông Hoàng Trọng Chính nhấn mạnh.

 Bài, ảnh: Linh Tuệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế vượt và đạt 3 chỉ tiêu Quốc hội giao

Ngày 24/12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chỉ đạo có UVTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương. Điểm cầu của tỉnh có UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, lãnh đạo Sở Y tế cùng các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.

Ngành Y tế vượt và đạt 3 chỉ tiêu Quốc hội giao
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Ngày 23/12, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn công tác y tế trường học, Bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2024-2025.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

TIN MỚI

Return to top