ClockThứ Bảy, 24/03/2018 13:45

Ca Huế không chỉ có người già

TTH - Ca Huế thính phòng không chỉ có những người lớn tuổi mà bây giờ thu hút cả giới trẻ tuổi.

Nghệ nhân Minh Mẫn và hành trình đến với ca HuếDành trọn cuộc đời cho ca HuếThưởng thức ca Huế trong ngày tếtNhạc Trịnh hòa quyện với ca HuếCa Huế thính phòng mừng sinh nhật 4 tuổi

Ánh Hồng (giữa, hàng trước) tự tin trên sân khấu Ca Huế thính phòng

Tối cuối tuần, sau khi dạo quanh phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu một vòng, chúng tôi dừng chân tại quán chè dưới chân cầu. Vừa nhâm nhi ly chè hạt sen mát lạnh, đã thèm cơn khát cùng đứa bạn thân từ Hà Nội mới về thăm Huế, lạ thay ca Huế ở đâu ra cứ văng vẳng bên tai. Hỏi mới biết, gần đó CLB Khám phá Huế đang tổ chức đêm nhạc gây quỹ từ thiện nhân ngày 8/3, với sự có mặt của các giọng ca đến từ CLB Ca Huế thính phòng.

Âm thanh của những câu ca cứ thôi thúc chúng tôi đến gần hơn với chỗ biểu diễn. Vừa đến nơi, đứa bạn thân mắt chữ O, mồm chữ A vỗ mạnh vai tôi, nói to: “U cha, ca Huế mà sao mấy bạn trẻ ca không vậy? Bình thường tui thấy toàn mấy mệ ngồi ca không à”. Anh chàng bự bự tóc xoăn đứng cạnh tiếp lời, mấy bạn đó đến từ CLB Ca Huế thính phòng. Các bạn ấy trẻ mà đã mê ca Huế từ lâu, ca rất hay, biểu diễn trên nhiều sân khấu, muốn tìm hiểu rõ hơn, mời hai bạn đến tại Bảo tàng Văn hóa Huế, số 25 Lê Lợi vào 20h thứ ba hàng tuần để được nghe ca Huế miễn phí.

Nghe lời giới thiệu của anh chàng đó, đứa bạn thân hẹn tôi phải đến nghe ca Huế thính phòng một buổi cho biết. “Miễn phí thì đi chơ dại chi mà bỏ lỡ cơ hội được nghe nhạc mà hồi xưa chỉ có vua chúa mới được nghe. Với lại, con gái Huế mà chưa biết thế nào là ca Huế thì cũng dở”, tôi thủ thỉ với nhỏ bạn. Ok! Thứ ba đi sớm nhé.

Lần theo chỉ đường của chú bảo vệ, chúng tôi tìm đến căn phòng sẽ diễn ra buổi biểu diễn ca Huế trong 10 phút tới. Vừa mới tới cửa đã có bác lớn tuổi chào cười: “Hai cháu mới đến lần đầu à, vào đây ngồi nghe ca Huế cho biết”.

Không chỉ ca được các bản lớn, Lê Minh Vũ (trái) còn soạn lời mới

“Ở đây thú vị lắm, mấy mệ, mấy dì, mấy cháu chi cũng có. Đặc biệt là lớp trẻ ngày càng nhiều. Buổi nào đông thì kín phòng, mấy đứa trẻ lên đến mấy chục đứa, ít lắm thì cũng có hơn năm đứa mê ca Huế lên đây vừa ca vừa đàn. Rứa mới biết ca Huế không chỉ có mấy bậc đi trước, mà chừ còn cả mấy lớp trẻ”, ông Võ Quê, chủ nhiệm CLB Ca Huế thính phòng hào hứng nói.

Ông Quê tiếp chuyện: Cái hay của ca Huế thính phòng là đêm diễn nào cũng có sự có mặt của các bạn trẻ. Nghe thì tưởng ca Huế chỉ có những người lớn tuổi, mấy bô lão năm xưa như chúng tôi đây mới biết đến, thật ra, mỗi đêm diễn của CLB phần lớn là những bản ca của các bạn trẻ. Người trẻ tìm đến đây phần vì “máu” ca Huế trong người, nhưng cũng có nhiều bạn tình cờ đến đây, ngồi nghe, dần dần thấm và bắt đầu yêu thích thể loại âm nhạc truyền thống này.

Mười mấy, đôi mươi mà sao ca những bản ca Huế sâu lắng, da diết đến lạ. Sau khi nghe một bạn trẻ đang say sưa thể hiện ca khúc mở màn cho buổi diễn hôm nay, mới biết anh chàng ấy là Lê Minh Vũ, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Huệ. Vũ mê ca Huế từ nhỏ bởi ảnh hưởng từ ngoại. Cả ngày cứ ngồi nghe cải lương, ca Huế với ngoại, nghe mãi nên thấm, thành ra lớn lên chỉ mê ca nhạc cổ, ít nghe hát nhạc trẻ. Khi đang còn học tiểu học, trung học cơ sở, nghe mấy nghệ nhân ca Huế qua băng đĩa rồi ca theo, cũng ca được những điệu đơn giản. Năm ngoái, Vũ biết đến và tham gia CLB Ca Huế thính phòng vừa để thỏa mãn đam mê, phần vì không muốn ca Huế không có ai kế thừa. Với giọng ca trời phú, cộng thêm chút gen từ bố, đến nay, Vũ đã ca được các bản lớn và soạn được cả lời bài ca.

Vừa mới tham gia biểu diễn cùng CLB cách đây hơn một năm vì “máu” âm nhạc truyền thống di truyền từ bố mẹ là Ánh Hồng (11 tuổi), Ánh Tuyết (7 tuổi) con của mẹ Nguyễn Hồng Lê, Trưởng bộ môn Đàn bầu, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Huế. Ban đầu, hai bé được bố dẫn đến thính phòng xem mẹ biểu diễn. Chỉ sau mấy đêm diễn, hai bé đã thích ngồi nghe, hát theo, về nhà lại bắt bố mẹ tập ca thêm. Đến nay, hai chị em đã phần nào ca được những bản ca có lời phù hợp với độ tuổi và đã mạnh dạn lên sân khấu thính phòng biểu diễn ca Huế cùng mọi người.

Ông Võ Quê, vui mừng: “Trước đây, cứ ngỡ sẽ không có ai kế thừa ca Huế nữa. Bây giờ, rất nhiều bạn trẻ mê và một số bạn bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về ca Huế. Điều này khiến những người đi trước như bác rất vui và tin tưởng rằng, thế hệ sau sẽ làm tốt hơn những gì tụi bác đã làm được”.

Bài, ảnh: NHƯ QUỲNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Thêm cơ hội thu hút đầu tư

Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là cột mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư.

Thêm cơ hội thu hút đầu tư

TIN MỚI

Return to top