ClockThứ Tư, 15/06/2022 07:02

Tiếp tục là cầu nối để văn hóa & nghệ thuật giao thoa

TTH - Hình thức biểu diễn, sân khấu thay đổi thiết kế nhằm tăng tính tương tác là thay đổi để Festival Huế tiếp tục là “cầu nối” để văn hóa và nghệ thuật giao thoa.

Gấp rút chuẩn bị Festival Huế 2022Sẽ có nhiều hoạt động vui nhộn tại "Chợ quê ngày hội"Khơi dậy tiềm năngPhát động cuộc thi “Tôi yêu Huế” trên mạng xã hộiAgribank tài trợ 1 tỷ đồng cho Festival Huế 2022

Những không gian mở tại Festival Huế 2022 sắp đến hứa hẹn giúp văn hóa nghệ thuật giao thoa tốt

“Cầu nối” giao thoa

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giao thương quốc tế chỉ được mở cửa từ ngày 15/3, thời gian gấp rút nên đã gây ra khó khăn trong việc tham gia festival của các đoàn nghệ quốc tế. Chính vì thế, số lượng các đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia năm nay không đạt như mong đợi, chỉ 8 đoàn.

Trước thực tế đó, nhiều ý kiến lo ngại cho “cầu nối” giữa văn hóa nghệ thuật quốc tế và trong nước mà Festival Huế đã làm rất thành công suốt 10 kỳ qua sẽ giảm đi. Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức (BTC) Festival Huế 2022 khẳng định, BTC liên tục điều chỉnh chương trình để đảm bảo được tính quy mô, chất lượng tương xứng, mang tầm vóc của một lễ hội quốc tế đã có thương hiệu như Festival Huế. Số lượng ít, song festival năm nay vẫn sẽ có sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật truyền thống đặc trưng, đại diện cho nét văn hóa tiêu biểu của một số quốc gia trên thế giới, để hẹn cùng nhau gặp gỡ trong một tuần lễ cuối tháng 6 này.

Nhiều đoàn nghệ thuật lớn có những tầm ảnh hưởng ở các nước, như đoàn ca múa nhạc dân gian Belogorie, thuộc Nhà hát Belgorod, Nga. Với lịch sử hơn 60 năm, các tiết mục của đoàn được xây dựng dựa trên chất liệu của dân ca, dân vũ vùng Belgorod và những nơi khác trên đất nước Nga. Với sự đa dạng trong hình thức thể hiện như múa lửa, hát múa quây tròn, thổi sáo bằng vỏ cây bạch dương, trình tấu nhạc cụ, các ca khúc cùng với trang phục tươi sáng và độc đáo, những tiết mục nghệ thuật của Belogorie sẽ mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt cho khán giả của Festival Huế 2022.

Với những vũ điệu samba sôi động đến từ Nam Mỹ xa xôi, Đại sứ quán Brazil sẽ mang trải nghiệm “Roda de samba” (vòng tròn samba) đến Festival Huế. Vòng tròn samba là một nét văn hóa Brazil, được các nhạc sĩ thể hiện qua những nhạc cụ dây và bộ gõ, để biểu diễn các nhịp điệu âm nhạc đại chúng và trình diễn samba. Công chúng của Festival Huế có thể vây quanh và tạo nên roda (vòng tròn) và được khuyến khích cùng tham gia ca hát, nhảy múa, vỗ tay và thậm chí là hòa nhịp ngẫu hứng với các nhạc cụ của đoàn nghệ thuật đến từ Nam Mỹ.

Bên cạnh những nét truyền thống đặc trưng của các vùng đất trên thế giới, tính đương đại sẽ được nhiều nghệ sĩ mang đến mùa lễ hội năm nay. Nghệ sĩ triệu view (lượt xem) từ nước Bỉ - Raphaël Esterhazy, là nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất và nhạc công chơi nhiều nhạc cụ với album đầu tay “Smoke & Mirrors” được phát hành và thành công vang dội với bài hát “On Our Knees” vượt qua con số 50 triệu lượt xem ở châu Âu… Những nhạc phẩm tinh túy, âm nhạc đỉnh cao của Raphaël Esterhazy cùng các cộng sự sẽ được trình diễn tại tuần lễ Festival Huế.

Với các đoàn nghệ thuật trong nước, Festival Huế 2022 tiếp tục sẽ có sự gặp gỡ giao thoa của các đoàn nghệ thuật truyền thống, mang dấu ấn riêng của từng vùng miền. Tại lễ hội sắp đến, đoàn nghệ thuật Truyền thống Dân tộc tỉnh Lào Cai sẽ chắt lọc tinh hoa từ các giá trị văn hóa dân gian của 25 dân tộc từ Lào Cai đến với Huế. Với trong tỉnh, Nhà hát Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế cũng chuẩn bị nhiều chương trình mới; nhiều nhóm nghệ sĩ trẻ trong nước, trong tỉnh với những loại hình nghệ thuật đương đại cũng hội tụ để có những đêm giao lưu sắp đến.

Festival Huế là nơi văn hóa và nghệ thuật được phô diễn

Gắn kết khán giả và nghệ sĩ

Ông Huỳnh Tiến Đạt cho biết, xét về yếu tố “cầu nối” giao thoa văn hóa, nghệ thuật của Festival Huế 2022, khác biệt năm nay là không gian biểu diễn không tập trung, dồn nén trong khu vực Đại Nội, mà đưa ra các sân khấu mở, tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận một cách dễ dàng. Điều này làm xóa nhòa đi khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả. Đây là phương thức tổ chức mà BTC hướng để festival không còn là hình thức trình diễn một chiều; nghệ sĩ và khán giả sẽ cùng giao lưu, hướng đến một lễ hội của mọi người dân, du khách.

“Minh chứng cho điều đó nhất là đêm nghệ thuật chia tay tại Công viên cồn Dã Viên, sẽ là chương trình mở, tất cả các đoàn nghệ thuật trình diễn, chương trình được kết nối các hoạt động khác nhau, kéo du khách gần hơn với lễ hội; dịp để nghệ sĩ tri ân khán giả, cũng như giao lưu với khán giả”, ông Đạt thông tin.

NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho biết, trong hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động văn hóa nghệ thuật ít được tổ chức, các nghệ sĩ vì thế cũng ít có cơ hội biểu diễn. Tham gia biểu diễn tại Festival Huế luôn có những cảm xúc đặc biệt, trong giai đoạn sau dịch bệnh càng đặc biệt hơn. Đây là vinh dự cho các nghệ sĩ tham gia, khi họ được học hỏi các đoàn nghệ thuật bạn, cũng là dịp quảng bá văn hóa, nghệ thuật đến với du khách trong và ngoài nước.

 Festival Huế luôn tập trung xây dựng các nội dung, kịch bản, chương trình xuyên suốt với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Vai trò sẽ không hề thay đổi, là nơi mà nét truyền thống được bảo tồn, phát huy một cách toàn diện nhất. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà trong suốt quá trình phát triển của địa phương, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả quần chúng Nhân dân cùng tham gia gìn giữ, tồn tại.

Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, Festival Huế có trách nhiệm tạo diễn đàn, không gian để giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền nét văn hóa truyền thống Huế, văn hóa Việt Nam. Thông qua các lễ hội, tiếp nhận những nét tươi mới, những nét tốt để làm phong phú thêm, phát huy những giá trị trân quý của văn hóa Huế. Định hướng của Thừa Thiên Huế từ việc tổ chức lễ hội trong thời gian đến là rất cụ thể, vừa bảo tồn, vừa phát huy những giá trị văn hóa, gắn với sự phát triển của địa phương; xây dựng Huế thật sự trở thành trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc, nền tảng phát triển ổn định, bền vững.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

60 tác giả tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên (HSV) Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2025), từ ngày 9/1-18/2, HSV và Đoàn Thanh niên Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025.

60 tác giả tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025
Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động
Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Dù mới đi vào hoạt động chính thức chưa đầy nửa năm, song với việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, nay là thành phố Huế (Trung tâm) đã và đang có những đóng góp quan trọng trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xúc tiến thương mại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan.

Cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

TIN MỚI

Return to top