ClockThứ Hai, 07/09/2020 16:00

Thủy Lương – nơi lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa Champa

TTH - Bên cạnh là một trong những địa phương có vị trí chiến lược trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, P. Thủy Lương (TX. Hương Thủy) còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa Champa qua những miếu thờ, giếng nước, phù điêu... cho đến nay.

Bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật văn hóa ChampaPhát huy giá trị hiện vật ChampaĐến Phú Diên, khám phá văn hóa Chămpa

Cán bộ Bảo tàng Lịch sử tỉnh (phải) thu thập thông tin về miếu Bà Giàng

Miếu Bà Giàng ở làng Lương Văn (nay là tổ dân phố 2 – P. Thủy Lương) là một trong những di tích mang đậm dấu ấn kiến trúc Champa, có giá trị tiêu biểu độc đáo về mặt văn hóa nghệ thuật.

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu Bảo tàng lịch sử tỉnh, đây là dấu tích của một công trình kiến trúc đền tháp người Champa, thờ mẹ xứ sở Poh Yang Inư Nagar (Poh Nagar) tức Thánh mẫu Thiên Y A Na. Qua khảo sát, quanh khu vực miếu Bà Giàng còn nhiều dấu tích Champa như phù điêu thần Shiva bằng đá sa thạch, gạch, ngói... cùng 1 giếng đá cổ cách đó chừng 1km.

Mẫu Thiên Y A Na là Mẫu của gốc Champa, vì vậy, để trở thành Mẫu của người Việt, tên gọi này lại tiếp tục được Việt hóa một lần nữa thành “Bà Giàng”. Giàng được phiên âm từ “Yang” trong tên gọi Poh Yang Inư Nagar có nghĩa là bà trời, như truyền thuyết về Bà chúa Ngọc, Bà Đá, Thiên Mụ... Điều này cũng để giải thích, miếu thờ mà dân làng Lương Văn quen gọi là miếu Bà Giàng chính là miếu thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na.

Không chỉ mang biểu tượng người mẹ được Việt hóa qua tên gọi, “Bà Giàng” còn Việt hóa qua hình tượng khi bức tượng bằng đá sa thạch cũng được người Việt cho đắp bên ngoài lớp xi măng, vôi vữa có gương mặt thanh tú, mang dáng vóc một phụ nữ ngồi trên ngai sơn son thếp vàng, mặc áo đỏ kim sa, đầu đội mũ chóp, chân mang hài... Và qua nghiên cứu, đối chiếu, bức tượng Bà Giàng ở Lương Văn có những nét tương đồng với bức tượng thánh mẫu Thiên Y A Na ở điện Hòn Chén (Hương Thọ - Hương Trà).

Các bậc cao niên làng Lương Văn cho biết, tương truyền Thai Dương phu nhân (còn được gọi là Kỳ thạch phu nhân, Bà Giàng) ở làng Thai Dương (Thuận An – Phú Vang) chính là con gái của Bà Giàng ở miếu Lương Văn. Vì vậy, hằng năm vào dịp tế lễ ở miếu Bà Giàng, làng Lương Văn đều có mo cơm bên trong có cơm, cá, thịt, rau… gửi về cúng Thai Dương phu nhân, gọi là “cơm của mẹ”.

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin TX. Hương Thủy, trước đây, miếu Bà Giàng từng được sắc phong nhưng vào năm 1947, do nghi ngờ là nơi hoạt động của các chiến sĩ cách mạng, thực dân Pháp đã phá hủy miếu Bà Giàng và đốt toàn bộ sắc phong lưu giữ trong miếu. Đến kháng chiến chống Mỹ, nhờ những lùm cây um tùm bao quanh, người dân địa phương đã làm hầm bí mật cách miếu Bà Giàng chừng 30m để làm nơi nuôi giấu bộ đội. “Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, bên cạnh đã phục dựng hầm bí mật, hiện, TX. Hương Thủy đang lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh đối với địa điểm miếu Bà Giàng”, ông Toàn thông tin.

Ngoài miếu Bà Giàng, tại Lương Văn còn có miếu thờ Bà Chuẩn Đề. “Trong quá trình dọn dẹp, người dân phát hiện bức phù điêu có chạm khắc hình người nhiều tay giống Chuẩn Đề Bồ Tát nên cho xây miếu thờ bức phù điêu, gọi là miếu Bà Chuẩn Đề. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, thực chất đây là bức phù điêu thần Shiva đang múa”, ông Trần Quang Vệ, cán bộ văn hóa phường Thủy Lương thông tin.

Qua so sánh với một số phù điêu của người Chăm trên địa bàn tỉnh, phù điêu thần Shiva ở miếu Bà Chuẩn Đề có đường nét điêu khắc mềm mại, uyển chuyển, tương đồng với bức phù điêu quỷ vương Ravanda ở Thanh Phước (Hương Phong - Hương Trà) đã được các vua triều Nguyễn ban sắc phong là “Kỳ thạch phu nhân”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Kiên, chuyên viên Phòng Bảo tồn di tích – Bảo tàng Lịch sử tỉnh, căn cứ vào các họa tiết trang trí, phù điêu ở miếu Bà Chuẩn Đề có niên đại vào khoảng thế kỷ IX – X, thuộc phong cách Đồng Dương. Đây là một cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, góp phần quan trọng cho công tác nghiên cứu văn hóa Champa. Ngoài ra, từ các vết tích xây dựng ở Lương Văn, có thể khẳng định, trước đây, ở vị trí này đã có một công trình đền tháp Champa”.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

TIN MỚI

Return to top