ClockThứ Bảy, 20/12/2014 13:41

Thông Thiên An

TTH - Sài Gòn những ngày của tháng cuối cùng của năm đang có chút mơ phai của mùa Giáng sinh sắp về. Nhìn những cây thông bằng nhựa, được bày bán hai bên lề, lòng ai cũng náo nức. Bây giờ đặt mua một cây thông xanh Đà Lạt gần như đã trở nên xa xỉ hoặc có thể là điều quá ư khó khăn khi diện tích rừng nơi cao nguyên đang ngày một thu hẹp. Nghĩ đến xứ sở ngàn hoa này, bỗng nhiên tôi lại nhớ Huế đến kỳ lạ. Cũng do tôi là người Huế, ở đó lại có những rừng thông bốn mùa vi vu, cũng có những đêm Giáng sinh huyền hoặc. Sắp đến Noel, thời điểm này, Huế rất lạnh. Nhớ Huế làm tôi nhớ đến đồi Thiên An đầy tiếng thông reo.

Lứa tuổi của chúng tôi lớn lên vào thập niên 50- 60 của thế kỷ trước, đường lên rừng Thiên An lúc ấy băng qua nhiều núi đồi khá cách trở nên ai cũng thấy xa xôi. Thuở đó Thiên An còn hoang vu, chưa trở thành nơi lui tới để vãn cảnh như bây giờ dù trong mắt nhìn ai cũng biết nơi này thơ mộng và xinh đẹp. Hầu như chỉ có những người liên quan đến Đan viện nơi có những cha người Pháp tu hành mới đến đây. Đa số người dân lên Thiên An là để nhặt củi thông bởi hồi ấy chất đốt chính vẫn là lá, còn củi luôn là thứ hàng mà chỉ có người khá giả mới dùng.

Tôi ở tuổi mười ba mười bốn ít khi đi đâu xa. Tuổi học trò chỉ có những chuyến đi đầy mơ mộng theo trí tưởng tượng. Vậy mà nghe đi nhặt lá thông lại thấy thích, có lẽ vì muốn giúp đỡ gia đình là chính. Dạo đó vào mùa hè, học trò thường rảnh nên năm ba người rủ nhau đi lượm củi, nhặt lá về làm chất đốt. Tôi đã có nhiều lần đạp xe cùng với các anh chị gần nhà lên Thiên An nhặt lá thông khô.
Ngày ấy đi hết con đường Nam Giao, vượt qua đàn Nam Giao, đi qua cầu Lim là đã thấy mình quá xa thành phố, chuyến đi như một sự mạo hiểm nào đó. Vì vậy, lúc nào chúng tôi cũng đi đông người mới thấy an tâm. Trên đường đi, qua khỏi dốc Nam Giao đã bắt đầu thấy bóng thông xanh. Thông trên đồi Thiên An dày đặc, mọc san sát vào nhau, chúng vươn lên thẳng tắp như tranh nhau đón ánh mặt trời. Mùa hè nơi này đẹp như Đà Lạt, mà hồ Thủy Tiên khiến tôi cứ nghĩ đó là hồ Than Thở. Trên những sườn đồi thoai thoải đó, lá thông khô rơi dồn dập, gió làm chúng chao liệng trong không trung nhiều lần rồi mới rớt xuống mặt đất. Mấy trái thông thì như nuối tiếc đời làm thông nên sau khi rớt xuống mặt đất còn lăn vù vù nhiều lần mới chịu nằm yên, mới chấp nhận mình đã sang một kiếp khác.
Lá thông khô rất sạch, chúng nhẹ dễ gom bằng tay nhưng nếu gom bằng tay thì sẽ dơ áo quần và không được nhiều như khi dùng chổi quét. Vừa làm mọi người cứ cầu trời cho gió to để lá rụng nhiều hơn. Gió ở đây mát đến lạnh người, tưởng như nếu có mưa đến chúng không thể nào xen qua tầng lá dày đó mà làm ướt được ai. Ở đây, chỉ toàn tiếng thông reo. Buổi trưa cả nhóm ngồi dưới mấy gốc thông ăn cơm, rồi ra nô đùa ở hồ Thủy Tiên là quên đi bao mệt nhọc. Bọn chúng tôi là học trò còn có xe đạp để đi, chứ lên đây mới thấy nhiều người nhặt rác thông toàn đi bộ. Sau khi gom được rác rồi, họ gánh hai bao lá thông đầy cứng xuống đồi và vượt qua quãng đường dài để trở về thành phố. Bọn chúng tôi thường rời đồi Thiên An muộn hơn vì số lá thông khô chúng tôi nhặt khá nhiều. Giữa đường vẫn thấy rải rác những người quang gánh ấy ngang dốc Nam Giao hay dốc Bến Ngự. Mới hay người thành phố mình cũng nhọc nhằn, chịu thương chịu khó, chắt chiu từng chiếc lá thông khô làm chất đốt cho gia đình. Những chiếc lá thông khô sau khi hết đời làm lá cũng còn có ích cho bao người.
Tôi chưa bao giờ lên Thiên An vào mùa mưa nên không biết nơi này buồn như thế nào khi trời lạnh giá. Cứ tưởng tượng, tất cả chìm trong làn mưa giá buốt và ở đó chỉ có tiếng thông reo hòa cùng tiếng gió hú. Sau này khi lứa chúng tôi trưởng thành, đồi Thiên An nghiễm nhiên là nơi chốn lý tưởng cho những cặp tình nhân hẹn hò. Hầu như đó là địa điểm thơ mộng mà ai ai cũng muốn đến để nghe tiếng thông reo, để được soi bóng trong mặt nước hồ Thủy Tiên trong xanh, để tên mình được khắc lên thân cây thông như lời nguyền của thủy chung. Đã rất nhiều người cảm tạ thiên nhiên đã cho họ có một Thiên An đầy lãng mạn, đầy thi vị để cuộc sống dù khó khăn dù như thế nào chăng nữa thì với tiếng thông reo, mùi thơm nồng của nhựa thông, họ đã có thể quên đi chút muộn phiền đời thường. Noel đã về. Rừng thông Thiên An vẫn là nét đẹp của riêng Huế, nơi ấy có thông xanh, có tiếng chuông thánh lễ, có tiếng bước chân dẫm lên lá khô gợi cho tôi nhanh bước quay về.
Võ Ngọc Lan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiến tặng di sản

Áo Nhật Bình của Hoàng hậu Nam Phương, những kỷ vật của vua Hàm Nghi, mũ quan đại thần… là những món quà “vô giá” được các cá nhân dành tặng cho Huế.

Hiến tặng di sản
Tết sớm ở Thuận Hóa

Những ngày này, không khí tết cổ truyền như đến gần hơn với người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi các địa phương trên địa bàn quận Thuận Hóa đồng loạt tổ chức “Tết Đoàn kết” với nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa.

Tết sớm ở Thuận Hóa
Hoàng cung xưa, trải nghiệm mới

Với sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và giá trị văn hóa lâu đời, di sản Huế đang bước vào một hành trình mới đầy sống động.

Hoàng cung xưa, trải nghiệm mới
Tết ở Grand Prairie

Lễ hội đón Tết cổ truyền của người Việt đã làm sáng bừng Asia Times Square tại Grand Prairie (Texas) vào các ngày cuối tuần từ 17/1 đến ngày 2/2. Sự kiện hàng năm này đã thu hút hàng nghìn du khách, cùng nhau chào đón năm mới Ất Tỵ để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trên đất cờ hoa.

Tết ở Grand Prairie
Hương xuân chưa phai

Ngoại nói với tôi, dù tuổi ngoại đã cao, sức ngoại đã yếu, song ngoại vẫn còn “ham” Tết lắm!

Hương xuân chưa phai

TIN MỚI

Return to top