ClockChủ Nhật, 15/10/2023 11:39

Ngủ trước hiên nhà

TTH - Trong ánh sáng nhợt nhạt buổi chiều, chị ngồi quay lưng mắt chăm chăm mấy gốc hồng mới tỉa. Những bông hoa nhỏ cố vượt qua hàng rào. Gió thổi ngược, run run yếu ớt.

Lạc giữa trăng thu

Anh đi công tác đến tuần thứ hai. Chị cảm thấy cơn sốt làm hơi thở nóng tận mi mắt.

Khoảnh khắc hoàng hôn màu nhung trườn qua những ô cửa sổ, bóng tối như rình rập trong căn nhà rộng. Chị thở khó nhọc, trong tai vọng tiếng reo của bọn nhỏ, những câu nhắc thường ngày của anh, nào em đóng cửa, trời dông, em đừng bận áo màu tối, em đừng nấu nước chấm có vị ruốc nữa... Chị đã cố làm tất cả những điều anh dặn, luôn thế. Nhưng đôi khi vẫn giật mình vì những sơ suất gì đó. Chị ngại ánh mắt không hài lòng của anh.

 

Và bỗng nhiên tất cả như ngưng hẳn, chỉ còn tiếng o o của tủ lạnh và kim giây đồng hồ chuyển động.

Tôi đã nghĩ chị tôi quả may mắn. Anh chị đã có hai cháu gái dễ thương và một cơ ngơi đầy đủ, khang trang. Ngôi nhà là thánh địa của chị. Gần như mọi sự náo động ngoài bờ rào không đến được đây. Ngày của chị trôi qua thật dài với sự lặp lại những công việc trong nhắm mắt cũng có thể hoàn tất.

Có lần về nhà đã bảy giờ tối, thấy chị thừ người khi vòi nước tràn khỏi máng, đèn bếp cũng không bật, anh bực bội:

- Em làm sao thế? Tụi nhỏ vừa gọi à.

-  Lâu quá em không về thăm ba mẹ. Em muốn về dịp này. Quê đang mùa hoa cải.

Chị nài nỉ. Không nhớ bao lần chị đã nài nỉ. Cho đến ba mùa hoa cải tàn, anh vẫn chưa sắp xếp được công việc để cùng chị về quê.

Và một mình chị đã theo chuyến xe chiều hôm ấy. Chuyến đi chỉ ba ngày trở lại, nhưng cũng từ hôm đó ngôi nhà có tường rào sắt kia dường như không còn là nơi trú ngụ an toàn nữa.

***

Cặp nhiệt 39 độ. Uống một viên hạ sốt, chị ngồi tựa lưng vào thành giường thở dốc.

Chị thấy như có những con sóng đập mạnh vào lồng ngực, siết chặt trái tim, làm co rút thái dương. Chị muốn gục xuống vì bất an hoảng hốt và thất vọng.

Chị muốn đốt hết những bức tranh kia, kết quả của ba tháng học vẽ với anh họa sĩ phố bên, người chị gặp trên chuyến xe hôm đó. Vũ là giảng viên của trường mỹ thuật đi thực tế liên hệ trại sáng tác cho sinh viên. Người đàn ông trung niên có ánh mắt như thiêu đốt chỉ sau một buổi làm quen bắt chuyện. Chị đâu còn trẻ để lúng túng, ngượng ngập trước anh. Nhưng người đàn bà hơn hai mươi năm sau những bức tường bỗng trở nên bối rối như một thiếu nữ. Sau mươi hôm đến xưởng anh học vẽ, chị thấy chếnh choáng với sự rộn ràng của màu sắc, những cảm xúc chuyển tải thành hình thể, luật xa gần và cả hơi thở thật gấp của chàng họa sĩ lướt qua gáy chị. Lớp họa có hơn mười học sinh, mọi người đều khen chị quả là người có năng khiếu.

- Nét cọ và độ loang của màu trong tranh em như một họa sĩ chuyên nghiệp. Thật nhiều cảm xúc!

Ánh mắt người họa sĩ và câu cuối được hạ giọng vừa đủ nghe làm chị thấy chân mình run rẩy, trống ngực đập dồn.

Ai đó nói rằng, con người là một loài lau sậy yếu đuối nhất trong thiên nhiên. Phải không? Ta đang mơ hồ giữa khốn cùng hay hạnh phúc? Chị run rẩy khi những ý nghĩ lạ lùng xâm chiếm.

Dăm ba lần cà phê sáng cùng nhau, một tách trà Anh trong vài buổi chiều Chủ nhật, những khao khát đẩy chị vào vòng luẩn quẩn mơ mộng và lo sợ. Những bức tranh được làm khung treo lên tường như mang một không khí lạ lẫm trong ngôi nhà cũ. Anh vẫn theo đuổi hết công trình này đến công trình khác, chỉ khen chị lấy lệ chứ mấy khi thong thả uống trà cùng để ngắm nghía tranh.

Hôm về quê, anh mới thấy cách chị huyên thuyên và cười lớn như một đứa trẻ. Điều đó chưa bao giờ có trong ngôi nhà của hai người. Nghe nói chị đi học vẽ mẹ tôi giật mình:

- Chắc ngồi nhà mãi nó muốn ra ngoài đó. Lúc nào về quê cũng bảo con thèm chui vào đống rơm trước nhà hít thở và ngủ một giấc.

Hơn hai mươi năm lặng lẽ như cái bóng trong sự tất bật, chờ đợi và luôn kìm nén... Có gì mà vui thế? Chuyện gì mà ỉu xìu mặt ra thế? Những câu hỏi bất ngờ của anh luôn làm chị giật mình. Chị bày đặt đủ thứ để khâu vá. Áo quần cũ cắt sửa lại, rèm cửa sổ thay mới. Hình như khi người ta ngồi khâu, mọi buồn giận, ấm ức theo vào từng mũi kim và dịu dần xuống. Rồi lại bày biện nấu nướng, lại rang đậu, ba bốn loại đậu, xay bột bỏ vào thẩu đậy chặt. Làm muối sả, muối thịt, làm mắm tép, mắm tôm...

Mà nghĩ cho cùng thôi thì cuộc đời người đàn bà còn mong gì hơn một mái ấm với người chồng gánh vác lo toan và những đứa con ngoan. Mái tóc đã có vài sợi bạc dù lẫn khéo trong lọn xoăn nhỏ. Những nếp nhăn đã có trên đuôi mắt. Nhưng bỗng một ngày, sự yên tĩnh thường nhật kia sao bỗng biến thành một nỗi bí bức, ngột ngạt đến tức ngực...

***

Chị gõ cửa phòng vẽ. Ba tuần rồi chị không đến. Nhưng đâu đó thật sâu trong đêm khi chợt tỉnh giấc, chị mong phút giây này.

Chị gõ cửa, không có tiếng trả lời. Ra là cửa không đóng. Phòng khách đã bật đèn nhưng không có Vũ ở đó. Chị biết hôm nay không có lịch kèm học vẽ. Chắc Vũ ở phòng sau. Ánh sáng của những ngọn nến tạo nên vầng sáng đủ cho chị nhìn thấy một người đàn bà đẹp như một bức tượng khỏa thân với tấm lụa xanh khoác nhẹ. Cô đặt hai tay lên vai anh. Một tay cầm cọ tay kia Vũ choàng eo ép cô vào ngực.

Muốn cất lời chào rồi ngẩng cao đầu bước ra. Nhưng chị thấy mình trơ trọi gần như không nhấc chân lên nổi. Một phút trôi qua dài hơn cả mấy mươi ngày chị có mặt ở đây. Sự bất ngờ làm cổ họng chị đắng nghẹn, khô cứng. Ánh sáng những ngọn nến đập vào thái dương làm chị không thở nổi. Chị băng ngang qua con phố đông đúc lao về phía ngôi nhà có bụi hồng lớn muốn phủ cả bức tường cao.

Mình đang làm gì, có thể làm gì đây, lúc này?

Những cơn dày vò làm chị đau đớn như ai dìm đầu xuống vũng nước sâu, chị ngoi lên nước mắt ướt nhèm, rồi lại chìm sâu, sâu hơn nữa.

***

Hai ngày. Chị vẫn còn lơ mơ chưa tỉnh hẳn. Bàn tay trắng nổi đầy những sợi gân xanh co ro bíu vào mép giường. Kim tiêm dẫn thuốc truyền dịch vẫn còn mắc trên tay kéo theo lằng nhằng dây dợ.

 - Cô ấy bị suy nhược, căng thẳng thần kinh vì thiếu ngủ trầm trọng. Có triệu chứng mê sảng hôm sốt cao và khi tỉnh dậy gần như kiệt sức với những biểu hiện ban đầu của chứng tâm thần phân liệt.

Câu nói của bác sĩ điều trị làm hai đầu gối tôi như khuỵu xuống.

- Cô ấy nhất quyết không chịu gọi điện cho người nhà. Tự gọi xe cấp cứu đến lúc cơn sốt đã quá 39.5 độ.

Tôi cầm tờ giấy ghi số điện thoại và địa chỉ ba mẹ chúng tôi mà nước mắt trào ra.

- Con chẳng cần gì ở đây, hãy mang con về nhà. Con khó thở. Con khó thở lắm!

Chị đã viết những dòng này khi gần như sắp lịm đi.

Bệnh viện điều trị tích cực và chuyến bay gấp rút của anh cùng các con đến ngay hôm chị vừa hạ sốt. Anh ngồi bên chị đầu cúi xuống hai bàn tay đan chặt.

Chuyện chị em xưa lắc tự dưng kéo về làm tôi vừa thương vừa ân hận.

- Mẹ cho con ra ngủ ngoài hiên!

- Không được. Gió trở, lại ốm đấy.

Đêm mùa hè nằm trong góc tối nghe tiếng mối mọt, ánh sáng ngọn đèn tù mù chị luôn thấy như tức thở. Vậy là lại mò ra chõng tre trước hiên nhà.

Đêm thơm mùi cây rơm phơi để gác chuồng bò. Bầy đom đóm lập lòe lùm tre như những cánh sao bay bay.

Chúng tôi từng là những đứa trẻ chân lấm đất đồi ca hát nhảy múa dưới trăng và luôn được hít thở giữa những cánh đồng rộng lớn. Nhìn chị thiêm thiếp, tôi bỗng thấy sợ hãi khi nghĩ đến hai chữ hạnh phúc mà người đời luôn tìm kiếm.

Những bức họa của chị nét vẽ thật đơn giản, nhưng thảng thốt như tiếng kêu của một kẻ đang nhốt mình giữa những bức tường nặng. Luôn là những ngôi nhà không đóng cửa, những khu vườn không có hàng rào, những cánh đồng và chân trời rất rộng...

Tôi từng mắng chị điên!

Hơn hai mươi năm, người đàn bà tận tụy có bao giờ kêu than! Căn nhà ấy đã thay mấy chiếc đồng hồ. Chị đã làm gì cho hết những vòng quay kim giờ kim phút khi những đứa trẻ đã khôn lớn. Những khung cửa quá hẹp, chị đã nhận đau đớn sai lầm vì một lần chị cố bước ra!

Ba tôi kê chiếc giường gỗ sát cửa sổ. Đang mùa gặt. Gió đưa mùi hương lúa chín tràn ngập căn nhà. Tối nay chị em mình sẽ ngủ trước hiên. Tôi dỗ dành. Trăng đầu tháng mảnh như một nét vẽ trên bầu trời không gợn mây. Chị nằm nghiêng, những lọn tóc thả rơi thiêm thiếp.

Anh rể tôi vừa nói với ba về việc ngày mai lên phố anh sẽ hạ thấp hàng rào và san đất để trồng thêm ít rau quả lấy giống từ vườn nhà.

- Chúng con sẽ về đây mỗi dịp cuối tuần. Cho cô ấy được ngủ trước hiên nhà của ba mẹ.

Bạch Diệp
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top