ClockChủ Nhật, 20/11/2022 05:47

Ngôi nhà giữa đồng

TTH - Năm lớp 7, lớp tôi được thầy Sinh dạy toán kiêm chủ nhiệm. Nhà thầy cách nơi chúng tôi sống độ vài ba xã.

Cười chưa chắc đã vuiCõi mộng…Những bông lau

Năm lớp 7, lớp tôi được thầy Sinh dạy toán kiêm chủ nhiệm. Nhà thầy cách nơi chúng tôi sống độ vài ba xã. Hồi ấy với lũ nhỏ chúng tôi vậy đã xa lắm. Thường cự ly đó, hầu hết thầy cô đều đi dạy bằng xe máy nhưng thầy Sinh không. Ngày ngày, thầy đến trường trên chiếc xe đạp “cuộc” (xe đạp thể thao) sườn ngang, chiếc cặp da đựng giáo án treo gập gọn gàng giữa sườn xe. Đầu buổi, cứ nghe trực nhật đánh “trống rao” tùng tùng xong một hồi thể nào thầy Sinh cũng xuất hiện - chính xác mười lần không sai một! Nghe mấy anh chị lớn bảo: Thầy từng tham gia quân đội, sau đó mới xuất ngũ về dạy học, hèn chi giờ giấc thầy chuẩn xác đến vậy!

Ngày chưa học thầy Sinh, tôi là đứa dốt toán “có mã số”. Vậy nên tới trường thấy mấy thầy cô dạy toán tôi vừa sợ vừa… ghét. Nhưng thầy Sinh đã giúp tôi thay đổi cảm xúc lệch lạc kia bằng một cung cách rất đặc biệt: dạy toán bằng… thơ! Thầy ứng khẩu thơ rất giỏi. Tất tật những mệnh đề, công thức toán khô khan, thầy đều đem diễn tuốt ra thơ. Những bài thơ tuy hơi nôm na, nhưng vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc khiến cho việc học toán trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Biết tôi học văn khá, mê đọc sách, thầy còn động viên khéo mỗi khi tôi được điểm tốt môn toán bằng cách… cho mượn một cuốn sách! Chẳng hiểu thầy moi từ “kho” nào ra mà sách thầy cho mượn thật phong phú, lại toàn truyện hay! Muốn có sách đọc phải chịu khó học toán; chiêu “dụ khị” của thầy Sinh quả hiệu nghiệm quá sức mong đợi.

Gần cuối năm lớp 7 tôi từ danh hiệu “đội sổ” trở thành học sinh khá toán trong lớp. Cảm giác “vừa sợ vừa ghét” mỗi khi gặp thầy hồi đầu năm học tất nhiên không cánh mà bay. Không riêng tôi, nhiều bạn yếu toán trong lớp cũng đã vượt qua nỗi sợ học toán bằng những chiêu “dụ” khác của thầy căn cứ theo sở thích của mỗi đứa. “Mê” thầy rồi nên chúng tôi cứ đánh đu, đòi ra nhà thầy chơi cho biết. Bình thường thầy Sinh khá dễ tính, nhưng riêng vụ này thầy cương quyết không cho, bảo: Nhà thầy xa lắm, các em còn nhỏ tự đi không an toàn, đợi lớn thêm chút! Lớn tới… bi nhiêu hả thầy? Con Liên lớp trưởng dài mặt, hỏi bằng giọng bi thiết. Thầy Sinh bật cười: Thì tới… sang năm! Cả lũ nhao nhao: Sang năm lỡ tụi em không học thầy nữa? Không học vẫn tới nhà thầy chơi được, có sao đâu? Hết cãi. Biết tính thầy Sinh nói một là một hai là hai; đành vậy. Nhưng háo hức, tò mò của tuổi nhỏ vẫn khiến chúng tôi ngong ngóng khôn nguôi cái dịp được chính thức biết nhà thầy…

Sang năm lớp 8, may quá, lớp chúng tôi vẫn tiếp tục được thầy Sinh chủ nhiệm kiêm dạy toán. Sắp tới ngày 20/11, lũ nhỏ lại hăm hăm “đánh đu” thầy, nhắc cái yêu cầu cũ. Dợm nghe câu đáp quen miệng nhà thầy xa lắm… chúng đã nhao nhao: Không được! Năm ngoái thầy hứa với tụi em rồi. Năm nay xa mấy tụi em cũng đi! Thầy Sinh thua cuộc, giơ tay lắc đầu cười…

20/11 năm ấy nhằm chủ nhật, được nghỉ. Nhóm chúng tôi gồm mười đứa chở nhau trên năm chiếc xe đạp, do con Liên lớp trưởng dẫn đường. Xa thật! Đạp mướt mồ hôi vẫn chưa thấy nhà thầy. Dừng nghỉ lấy hơi ở ngã ba đường, thằng Tú nhìn con Liên nghi ngờ: Mầy có chắc… đi đúng đường không đó? Con Liên lúng túng: Ơ… thì tao… đi theo chỉ dẫn của thầy mà! Dẫn gì mà dẫn! theo tao biết là đường kia, không phải đường này! Con Liên chống nạnh, mắt long lên: Mày… giỏi quá ha! Biết thì tự đi đi, theo tao chi? Cãi nhau ỏm tỏi. May quá, đúng lúc ấy thầy Sinh xuất hiện. Thầy bảo chờ chúng tôi lâu quá nên ngược đường ra đón. Suýt chút con Liên dắt lộn đường thiệt. Thằng Tú được thể vênh mặt: Thấy chưa, thầy mà không ra đón là hư chuyện rồi…

Nhà thầy Sinh nằm giữa đồng, chơ vơ ba gian vách đất, mái lợp tôn. Được cái vườn xung quanh rộng, trồng nhiều cây ăn trái. Thầy Sinh chưa vợ, sống cùng mẹ già. Lâu lâu nhà có khách, nghe lũ nhỏ ào lại vòng tay ríu rít “con chào nội”, mẹ thầy xem chừng vui lắm, cứ gật lia gật lịa, miệng tấm tắc: Trời, con cái nhà ai mà ngoan quá? Dạ, học trò con đó mẹ. À, ừ, học trò, học trò ngoan… Cụ lại gục gặc đầu, cười phô hai hàm răng chỉ còn lợi đỏ…

Con Liên đại diện nhóm tặng hoa, chúc mừng thầy nhân Ngày Nhà giáo. Thầy Sinh dặn trước, cấm không cho mua quà nên chúng tôi không dám “manh động”; chỉ góp mỗi đứa ít tiền mua hoa và một bịch trái cây. Tưởng chu đáo để thầy khỏi lo kiếm món đãi trò hóa ra bị hố to: nhà thầy trái cây cả vườn, đâu có thiếu? Không sao, thầy cười an ủi; các em lỡ mua rồi cứ để đó; còn giờ thầy đãi các em trái cây… vườn nhà!

Bữa ấy chúng tôi được chén ổi, mận, nước dừa thỏa thuê. Mấy cây dừa xiêm nhà thầy nước ngọt lừ, uống no căng bụng vẫn còn thèm. Ăn uống, giỡn cười chí chóe thẳng buổi mới chịu ra về. Chào thầy, có đứa còn lý lắc: Thầy ơi, hôm nào nghỉ học cho tụi em qua nhà thầy… uống nước dừa nữa thầy nhé! Cả đám phá lên cười hi hí. Thầy Sinh cũng bật cười, dứ dứ ngón tay đe: Ừ, giỏi ngoan tui cho qua; nhưng lười, dốt, phá phách thì đừng mơ nha…

*

Chúng tôi lớn lên, lo học hành công việc xa quê, ít dịp gặp nhau để hàn huyên chuyện cũ một thời. Nhưng ký ức về thầy chủ nhiệm thân thương và ngôi nhà vách đất lợp tôn giữa đồng dường như không đứa nào quên được. Sắp tới 20/11, bất thần tôi nhận được điện thoại thằng Tú. Mày chuẩn bị nha, tụi tao thống nhất rồi; 20/11 năm nay tụi mình thu xếp nghỉ một ngày về thăm “ngôi nhà giữa đồng”, thăm thầy Sinh, ôn chuyện cũ, uống nước dừa mày nhé…

Y NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top