ClockChủ Nhật, 26/05/2024 12:45

Điều ước cuối cùng

TTH - Cụ Túc dừng tay sàng hạt, kéo vạt áo chặm mồ hôi đang rịn trên trán. Bên đống đất, con Còi lăn lộn rồi thình lình bật dậy, lồng qua vạt rau đuổi theo đàn gà đang mổ thóc trong cái nong phơi. Gà chạy tán loạn qua vườn bên kia, con Còi đứng rũ đất cát bám trên người, nằm phịch xuống vẻ thấm mệt. “Đi vào! Coi mình mẩy kìa, đất không là đất!”. Bị mắng, con Còi cụp đuôi ngó lơ rồi lững thững vào nằm dải thẻ ra hiên. Cụ Túc đấm thùm thụp vào cái lưng đau rồi cúi xuống sàng nốt mớ hạt muồng. Ba tháng nay chẳng đêm nào cụ chợp mắt, cái chân đến đêm lại hành cụ phải lọ mọ trở dậy xoa dầu nóng, rót ly nước muồng uống cho dễ ngủ.

Chùa trên núi

Cụ Túc vốc mớ muồng cuối cùng cho vào nia, bàn tay khô vậy, khi sàng lại dẻo không ai bằng. Vừa sàng cụ vừa trông chừng đàn gà kéo về bươi luống rau tần mới gieo tuần trước. Con Còi ngủ say, mũi thở phì phì khiến mớ muội tro bay tung tóe. Thình lình nó bật dậy, xồ ra sủa inh ỏi. Cụ Túc ngẩng lên đã thấy một ông lão râu tóc bạc phơ trong bộ bà ba trắng dài phết đất, tóc bối cao trên đỉnh đầu, tay chống cây gậy dài như phất trần. Trông ông lão uy nghiêm và hiền hậu khiến cụ liên tưởng đến tiên ông trong mấy chiếc đĩa bát tiên lâu đời. Cụ Túc ngớ ra chưa kịp hiểu chuyện gì, ông lão đã lên tiếng “Chào bà! Xin lỗi vì sự đường đột này. Tôi khách qua đường, ghé hiên bà xin nghỉ chân một lát!”.

 

“Ông ngồi chơi, để tôi rót nước!” - cụ Túc chống gối đứng lên, được vài bước dừng lại ôm cây cột ngồi thụp xuống. “Cha mẹ ơi là cái đầu gối nó hành!” - cụ lẩm bẩm nhúc nhắc vào bếp pha ly nước muồng mang ra. “Ông uống cho mát! Nước muồng mát gan, nhuận trường, tôi uống quanh năm”. Ông lão đón ly nước từ tay cụ uống một hơi rồi nhìn quanh: “Con cái bà đâu hết? Sao ở có một mình?”.

“Tôi ba cháu, vợ chồng thằng Cả trên thành phố. Vợ chồng thằng Hai ở đây, giờ này tụi nó còn ngoài đồng. Cô Út ra trường, lấy chồng rồi vào Nam”, cụ Túc thủ thỉ, cúi xuống thảy mớ hạt vào cái mủng để trong góc. Ông lão gật gù “Hèn gì nhà vắng tanh vắng ngắt”.

“Trong nhà còn thằng cháu nội, ốm đau suốt, cha mẹ nó làm đồng nào để dành chữa cho nó hết” - cụ Túc kéo vạt áo chặm mồ hôi, đứng lên “Để tôi rót thêm nước cho ông!”.

“Thôi!”. Ông lão xua tay, đoạn chỉ vào chiếc bị cói treo lủng lẳng “Bà xem trong cái bị kia còn hạt muồng nào, lấy ra đây cho tôi”. “Làm gì vậy ông?”. “Cứ lấy ra đây cho tôi!”, ông lão giục.

Cụ Túc gỡ chiếc bị cói xuống, hấp háy nhìn vào “Còn mỗi ba hạt!”. Cụ xòe tay, ba hạt muồng nằm gọn lỏn.

Ông lão trầm ngâm ra chiều suy nghĩ rồi quay sang cụ: “Mỗi hạt muồng ứng với một điều ước! Bà muốn gì cứ ước, nó sẽ thành sự thật”. “Là sao?” - cụ Túc ngơ ngác. “Giờ vầy, bà cứ tưởng tượng tôi là tiên ông cho bà ba điều ước, bà suy nghĩ và ước đi!”.

Cụ Túc ngớ ra rồi chợt hiểu, nhón lấy một hạt muồng săm soi hồi lâu mới thốt lên “Tôi ước vợ chồng thằng Cả có được cái nhà trên phố, hơn mười năm trời lấy nhau tụi nó còn ở nhà thuê. Tội nghiệp!” - cụ nói một hơi như sợ ông lão đi mất. “Được! Vợ chồng thằng Cả sẽ có nhà! Đưa hạt muồng thứ nhất cho tôi!”.

Cụ Túc trao hạt muồng cho ông lão rồi run run nhón lấy hạt muồng thứ hai. Lần này cụ suy nghĩ khá lâu. “Tôi ước con Út sớm có con, vợ chồng nó hiếm muộn, lấy nhau sáu năm trời, mong con lắm!”. “Được! Con gái bà sẽ sinh quý tử trong năm nay!” - ông lão xòe tay đợi hạt muồng thứ ba, rồi chậm rãi nói: “Bà vẫn còn một điều ước nữa”.

Cụ Túc mân mê hạt muồng cuối cùng nằm gọn lỏn trong lòng bàn tay, se sẽ cầm nó lên ngắm nghía như ngắm viên kim cương lần đầu có được trong đời. Tay cụ không dưng rờ rẫm cái chân đau. Phải rồi! Bao năm nay cụ thèm được đi lại như người ta, được ra chợ, ra bến đò, được lên thành phố thăm vợ chồng thằng Cả mà cái chân nó hành, có lúc đau đến ứa nước mắt nhưng cụ cố nén, không than thở với con.

Ông lão đứng bên hiên ngước nhìn những đám mây vẻ sốt ruột, nhưng vẫn kiên nhẫn đợi. Cụ Túc sau một hồi suy nghĩ, ngập ngừng “Điều cuối cùng, tôi ước cái chân tôi…” nói đến đây cụ chợt dừng. Trong nhà vọng ra tiếng bé trai yếu ớt: “Bà ơi vào với con”. “À… ừ bà vào đây!” - cụ Túc sực tỉnh quay sang ông lão với đôi mắt khẩn cầu: “Ông cho tôi ước lại điều cuối cùng, thằng Nhái cháu tôi được khỏi bệnh, được đến trường đi học như con nhà người ta”.

Ông lão cười, phẩy cây gậy ra chiều suy nghĩ: “Chà! Điều ước cuối cùng cho bà đó! Suy nghĩ kỹ kẻo không còn cơ hội nào nữa đâu!”. “Xin ông thương tình cho thằng Nhái cháu tôi được khỏe mạnh!” - cụ Túc quả quyết nhắc lại. “Được! Cháu bà sẽ khỏi bệnh! Chào bà!”. Ông lão phẩy cây gậy, lướt đi nhẹ như mây. Ra đến ngõ ông dừng lại hỏi vọng vào: “Bà còn điều gì để nói với tôi không?”.

Cụ Túc gượng đứng lên, lập cập đi về phía chiếc bị cói, thò tay vào quờ quạng, hy vọng còn hạt muồng nào đó sót lại cho mình. Trống trơn. Cụ run run mang chiếc bị ra ngoài trời nhìn cho rõ. Vẫn chưa tin, cụ dốc ngược chiếc bị rũ mạnh. Vẫn trống trơn. Ngước nhìn ông, cụ khào khào “Tôi không còn gì để cầu xin ông nữa!”. Ông lão bật cười. Tiếng cười lanh lảnh như chuông khiến con Còi đang lim dim bật dậy sủa inh ỏi...

Cụ Túc giật mình choàng tỉnh. Một giấc mơ. Cụ dụi mắt bần thần. Hóa ra cụ đã thiếp đi mê mệt sau một đêm thức trắng vì bị cái chân hành hạ. Trời chiều sâm sẩm, đàn gà đi kiếm ăn dáo dác về chuồng, con Còi cả một ngày sục sạo, nằm ư ử ở góc sân.

* * *

Vợ chồng thằng Cả về thăm mẹ. Cô con dâu lấy trong túi ra hộp sữa Ensure, dặn dò: “Mẹ uống sữa cho khỏe, mỗi ngày pha một ly với nước ấm”, nói rồi cô ra vườn dạo quanh. Thằng Cả trong này thầm thì khoe: “Con mới mua được căn chung cư mẹ ạ! Thỉnh thoảng con đón mẹ lên ở với vợ chồng con cho vui!”. “Chân cẳng như vầy mẹ leo cầu thang sao được!” - cụ Túc cười buồn. “Mẹ ơi! Giờ ai mà leo cầu thang nữa, thang máy hết rồi!” - con dâu từ ngoài vườn ào vào. Rồi cô bảo: “Bao giờ vợ chồng con đi công tác, có mẹ lên trông nhà tụi con cũng đỡ lo”. Cô hí hửng: “Con hái ít bầu bí, rau củ mang về mẹ nhé! Nhà mình là nhất, có rau sạch để ăn. Trên thành phố giờ rau củ gì người ta cũng phun thuốc, phát sợ!”. “Ừ, để mẹ ra cắt cho!”, cụ Túc móm mém cười. “Con cắt rồi, phéng cái là xong!” con dâu cười phớ lớ, chỉ cái sân la liệt bầu, bí, rau củ. “Để mẹ cắt thêm cho trái bí đỏ mang ra mà ăn”, cụ Túc đứng lên nhúc nhắc ra sau hè, được vài bước lại dừng vì cái chân đau đến chảy nước mắt. “Chân mẹ vẫn chưa đỡ à? Mẹ đừng đi lại nhiều!” - thằng Cả lui cui phụ vợ cột lại mấy bao rau, quay sang bảo.

Cánh cổng lịch kịch mở, vợ chồng thằng Hai đẩy chiếc xe bò kéo về, trên đó chất đầy bưởi da xanh, trái nào trái nấy căng mọng. “Anh chị Cả về chơi!” tiếng vợ thằng Hai đon đả, đoạn nó gọi “Mẹ ơi! Năm nay nhà mình trúng mùa bưởi, mẹ ra xem này!”. Cụ Túc lập cập đi ra. Bưởi chất kín một góc sân. Thằng Hai hớn hở: “Ngày mai xe trên thành phố về, con bỏ hết cho nhà buôn để được giá mẹ ạ!”.

Bữa cơm chiều dọn ra, vợ chồng thằng Hai thầm thì, thu hoạch được vụ bưởi này sẽ đưa thằng Nhái đi chữa bệnh. Nghe vợ chồng nó bàn bạc cụ thấy nhẹ lòng. Bữa cơm có vợ chồng thằng Cả về, râm ran tiếng cười. Chuông điện thoại bỗng réo vang, thằng Cả bấm nghe, gật gù ra chiều vui lắm, nó quay sang cụ hớn hở: “Ngày mai vợ chồng cô Út về chơi, nó mua được mảnh đất, bán có lãi, vậy là có tiền chữa hiếm muộn rồi”.

Cụ Túc run run và miếng cơm còn lại trong bát, sung sướng đến lịm người. Hóa ra giấc mơ “ba hạt muồng” là có thật, các con cụ đang chạm tay vào ba điều cụ đã ước. Bỏ bát xuống mâm, cụ ra hiên ngước lên cao lầm rầm “Cảm ơn Trời Phật!”.

***

Khi ánh ban mai đầu tiên rọi qua những tán lá trong vườn cũng là lúc cụ Túc tỉnh dậy. Được một vài hôm rộn ràng, nhà cửa lại vắng tanh, vợ chồng thằng Cả, con Út đã về trên thành phố. Thằng Nhái cùng bố mẹ nó cũng lên đường vào Nam chữa bệnh. Cụ ra hiên, những giọt nắng thu trong trẻo nhảy nhót, reo vui trong tiếng hoan ca của bầy chim chiền chiện vừa rủ nhau về.

Cụ lững thững vào sân, với cái nia xuống soạn mớ hạt muồng còn lại để phơi cho được nắng. Mắt cụ bỗng hoa lên như thấy cả ngàn đốm sao. Vịn tay vào vách cụ lần dò đi. Lạ kỳ! Cái chân đau nay nhẹ tênh, không còn nhức nhối. Tay chạm vào thành giường, cụ se sẽ đặt lưng xuống tấm chiếu còn thơm mùi nắng. Chưa bao giờ cụ thấy mùi nắng thơm tho và dễ chịu như hôm nay, cái mùi đã theo cụ từ ngày con gái. Mùi nắng của ruộng đồng, của ao chuôm, của những tấm chiếu phơi mỗi sớm mai… Cụ khép mắt, mơ màng nghe tiếng chim chiền chiện vừa vút lên, có lẽ chúng đã hòa vào trời mây. Thân thể cụ được nhấc bổng lên như làn khói mỗi chiều vương trên chái bếp.

Cụ thấy mình nhè nhẹ tan vào mây trắng.

Ngoài kia, một mùa thu se sẽ đi qua…

Vũ Ngọc Giao
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha

TIN MỚI

Return to top