ClockChủ Nhật, 24/11/2024 14:44

Cô giáo đặc biệt

TTH - Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Xuân như đã vềHoàng hôn chợ làng

 

Nhìn vẻ mặt tự hào của bố mẹ, tôi cũng lấy làm hãnh diện lắm. Nhớ hơn một năm trước, tôi dẫn Vy về ra mắt, mẹ đã khóc ngất còn dọa sẽ từ mặt nếu tôi cưới Vy.

***

Tôi gặp Vy lần đầu tại trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật. Hôm ấy, chị Lan - chị gái tôi có việc bận nên nhờ tôi đón cu Bi giúp. Tôi tò mò nhìn qua ô cửa sổ, quan sát lớp học đang diễn ra trước mắt. Lớp học không một tiếng nói, nhưng lại rộn ràng bởi nhịp cử động trên tay mỗi người. Từng cặp mắt ngây thơ chăm chú dõi theo đôi tay cô giáo. Cô giáo trẻ luôn mỉm cười thật tươi, đôi tay cô như đang múa. Niềm hứng thú long lanh trong ánh mắt trẻ thơ. Tôi đứng đó và bị cuốn theo buổi học từ lúc nào không hay.

Cu Bi nhảy cẫng lên khi thấy tôi. “Đi học vui không cu Bi?”. Tôi hỏi bằng dòng chữ viết trên giấy. Vì cu Bi chẳng may bị câm điếc bẩm sinh nên việc giao tiếp gặp rất nhiều khó khăn. Bi cặm cụi viết câu trả lời, từng nét chữ to tròn hiện lên: “Cô Vy dạy vui lắm cậu Kiên ạ!”. “Thế mai cậu lại đưa Bi đi học nhé”. Cu Bi gật đầu nhoẻn miệng cười. Tôi đèo cu Bi đến cửa hàng đồ chơi như mọi lần, định bụng nghĩ chắc chắn thằng bé thấy rất vui. Nhưng Bi lại lắc đầu đòi về nhà. Điều ấy làm tôi bất ngờ lắm, công nhận mới đi học vài tháng mà tính cách thằng bé đã thay đổi hẳn.

Bữa tối quây quần, cả nhà vui vẻ hơn khi biết cu Bi ngày một tiến bộ. Chị Lan hào hứng kể, từ ngày cô Vy đến trung tâm dạy, cu Bi thích đi học hơn. Mỗi khi đón con nhìn mặt thằng bé vui vẻ chị phấn khởi lắm. Chị cũng đang học ngôn ngữ ký hiệu trong khóa học online do cô Vy giảng dạy. Công nhận cô giáo nhiệt tình và vui tính lắm. Biết ngôn ngữ ký hiệu, chị hiểu cu Bi hơn và thấy cuộc sống vui vẻ hơn trước. Giá mà chị học ngôn ngữ ký hiệu sớm hơn thì hay biết mấy. Chị mỉm cười vẻ nuối tiếc. Nghe chị Lan nói, một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi. Tôi quyết định đăng ký một khóa học về ngôn ngữ ký hiệu.

Buổi học đầu tiên diễn ra, lớp học có khoảng 15 học viên ở mọi độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Cả lớp xôn xao, khi biết giáo viên của lớp là một người câm điếc. Ai cũng tò mò về buổi học, vì với mỗi người đây là một lớp học đặc biệt, với một giáo viên cũng đặc biệt.

Cô giáo bước vào lớp cúi đầu chào học viên. Tôi nhận ra đó là Vy - cô giáo của Bi. Miệng Vy mỉm cười thật tươi. Vy nhìn cả lớp bằng ánh mắt hiền hậu rồi cô viết 2 từ “cảm ơn” lên bảng. Màn hình máy chiếu hiển thị cùng nhịp ký hiệu trên đôi tay cô: “Cảm ơn vì mọi người đã có mặt ở đây. Điều đó cho thấy sự quan tâm của mọi người với những người câm điếc. Xin tự giới thiệu tên tôi là Thanh Vy. Tôi là một người câm điếc bẩm sinh. Tôi đã từng khóc vì cảm thấy lạc lõng. Tôi đã từng sống trong tự ti và bế tắc. Nhưng sau khi tìm đến ngôn ngữ ký hiệu, cuộc sống của tôi đã thay đổi tích cực hơn. Ngôn ngữ ký hiệu, không chỉ giúp cho chúng ta gần nhau hơn. Mà còn giúp những người câm điếc chinh phục tri thức, sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn. Một lần nữa xin được cảm ơn tất cả mọi người!”. Buổi học ấy, lòng tôi lâng lâng xúc động, cũng từ sự chia sẻ của chính bản thân Vy mà tôi hiểu hơn về những khó khăn mà người câm điếc gặp phải trong cuộc sống.

Mỗi buổi học, Vy thường đem đến cho học viên từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, với những minh họa sinh động, lớp học luôn vui vẻ và đầy ắp tiếng cười. Bản thân tôi cũng siêng học đến lạ, ngoài học trên lớp, những lúc ở nhà tôi còn tìm thêm các video mà Vy chia sẻ trên mạng để tự học. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã có thể tự tin giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Và với sự năng động của một bí thư đoàn thành phố, tôi đã cùng tham gia vào dự án “Kết nối” do Vy là người sáng lập. Đó là một dự án hỗ trợ học ngôn ngữ ký hiệu qua Internet và tìm kiếm việc làm cho người câm điếc. “Người câm điếc có thể làm việc và cống hiến như một người bình thường”. Vy hy vọng với dự án của mình mọi người sẽ thấy được điều đó. Dự án được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội và ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Điều đó thôi thúc chúng tôi phải nỗ lực và luôn nỗ lực hết mình. Chúng tôi cảm nhận được điều đó mỗi khi cùng bàn bạc về dự án.

Khi thành phố đã lên đèn, chúng tôi cùng đi dạo dưới con đường nồng nàn mùi hoa sữa. Vy thường đi bộ để hít hà hương thơm ấy. Tôi ngắt một nhành hoa tặng em. Em hít một hơi thật sâu rồi mỉm cười. Cùng lúc, gió đem theo một cơn mưa hoa, từng nụ hoa li ti bám đầy trên tóc người. Khoảnh khắc ấy tôi thấy tim mình rạo rực. Bất ngờ tôi nắm chặt lấy tay Vy, đặt tay em lên ngực mình, tôi vẽ một trái tim muốn nói: “Anh thích em mất rồi”. Ánh mắt Vy sững sờ, rồi em gục đầu vào vai tôi bật khóc. “Em thấy mình không xứng với anh đâu, nhưng trái tim em lại khác. Nó rộn ràng mỗi khi bên anh. Lần trước anh không đến trung tâm học, em đã khắc khoải nhớ mong. Hình như em cũng thích anh rồi!”. Hạnh phúc vỡ òa trong lòng tôi, tôi ôm Vy vào lòng, đặt lên môi em một nụ hôn nồng cháy. Và chúng tôi yêu nhau từ buổi đó.

Hay tin cuối tuần con trai sẽ đưa bạn gái về ra mắt, lại nghe nói nàng dâu tương lai cũng là giáo viên. Bố mẹ tôi mừng lắm, con trai mới ngoài 30 tuổi mà bố mẹ chỉ lo ế. Hôm đưa Vy về ra mắt, tâm trạng tôi cũng căng thẳng lắm, nhưng vẫn cố gắng nắm chặt tay Vy động viên. Và điều gì đến ắt sẽ đến. Bố trợn mắt nhìn tôi giận dữ rồi bỏ lên phòng. Mẹ lắc đầu không đồng ý. Mặc cho tôi nài nỉ, sự phản đối của bố mẹ khiến tôi thực sự rơi vào bế tắc.

Hơn thế, suốt mấy ngày dài tôi không thể liên lạc được với Vy, đến trung tâm mọi người bảo em đã xin nghỉ phép mấy hôm. Em nhắn cho tôi qua zalo: “Mình chia tay đi anh. Sẽ có người tốt hơn em yêu anh. Em không muốn vì em mà anh phải dằn vặt, đau khổ”. Cảm giác đau khổ lấn chiếm tâm hồn khiến tôi bật khóc. Lần đầu tiên tôi khóc như thế.

Chị Lan vỗ vai tôi động viên: “Chị là mẹ của một đứa trẻ câm điếc, có lẽ vì thế chị dễ dàng chấp nhận chuyện này hơn bố mẹ. Chị cũng rất quý cái Vy. Vì thế, chị sẽ ủng hộ cậu. Địa chỉ quê Vy đây, cậu thử về đó xem sao nhé. Chị nghe nói mẹ có hẹn gặp riêng Vy, mẹ gửi Vy một thư tay dài lắm mong muốn cô ấy chia tay cậu. Có lẽ vì thế mà Vy mới quyết định như vậy. Cậu cố lên nhé, chị sẽ gắng khuyên nhủ bố mẹ!”.

Lần theo địa chỉ trên giấy, tôi đi qua con đường đất uốn lượn quanh những đồi chè xanh ngắt, mãi đến tối mịt mới đến nhà Vy. Một người phụ nữ trung niên bước ra nheo mắt nhìn tôi hỏi:

- Ai tìm con Vy đấy, nó không có nhà!

- Dạ, cháu là Kiên bạn của Vy. Vy đi đâu rồi bác?

- Tôi cũng không biết nữa!

Câu trả lời như một cơn gió lạnh ùa vào lòng khiến chân tôi khuỵu xuống, người tôi run lên bần bật. Người đàn bà chép miệng thở dài: - Cậu vào nhà, cất đồ xuống bếp sưởi cho ấm người, khổ thân trời lạnh thế này!

Bên bếp lửa bập bùng, người đàn bà xới cơm mời tôi ăn, giọng bà từ tốn: “Chẳng giấu gì cậu, tôi là mẹ của Vy. Mấy hôm trước nó có về, nó khóc nhiều lắm. Rồi bảo sẽ vào Nam một thời gian. Nó dặn nếu cậu Kiên tìm đến thì cũng đừng nói gì. Thương con, tôi chỉ động viên con bé hãy làm những điều mà nó cho là đúng”. Nói rồi, bà chậm rãi hỏi:

- Cậu có chắc là cậu yêu cái Vy không?

- Thưa bác, con thật lòng yêu Vy.

- Ừ, nhìn cậu tôi biết cậu là người tử tế. Nhưng dù mạnh mẽ đến đâu thì trong tình yêu một người câm điếc như cái Vy cũng sẽ luôn tự ti. Vì thế, có lẽ nó nghĩ chia tay sẽ tốt hơn cho cậu. Rồi cậu sẽ sớm tìm được một người tốt hơn cái Vy nhà tôi thôi.

- Thưa bác, cuộc đời này con sẽ không lấy ai khác ngoài Vy.

Người đàn bà thở dài đánh thượt, bà đưa cho tôi mảnh giấy ghi địa chỉ của Vy trong Sài Gòn rồi bảo: “Cầm lấy, trước khi đi cái Vy có dặn tôi không được nói với bất kỳ ai. Nhưng sau khi gặp cậu tôi đã nghĩ khác. Thôi thì đến được với nhau hay không còn tùy thuộc vào cái duyên, cái số. Vì tình yêu mong hai đứa hãy cố gắng”.

Sài Gòn đón tôi bằng một cơn mưa rào dai dẳng. Tôi đứng trước mặt Vy mà người ướt như chuột lột. Vy nhìn tôi sững sờ, mắt em rớm lệ. Tôi vội vàng ôm lấy em như thể nếu không kịp em sẽ lại biến mất. Trong căn phòng nhỏ, hơi ấm nồng đượm trên môi, đôi tim reo lên theo nhịp của hạnh phúc. Đêm đó chúng tôi biết mình sẽ mãi mãi thuộc về nhau.

“Đất chẳng chịu trời thì trời phải chịu đất. Về đi, bảo cả cái Vy về. Bố mẹ đồng ý”. Mẹ gọi điện cho tôi trong nghẹn ngào. Đám cưới diễn ra, tôi hạnh phúc nắm tay Vy bước trong lễ đường.

***

Hôm nay, Vy bảo muốn cho tôi biết thêm một tin vui. Ngoài tin Vy là khách mời đặc biệt trong chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” với dự án mang tên “Kết nối”. Thì không biết còn tin vui gì nữa. Tôi tò mò nghĩ hoài chưa ra.

Đêm đến, chúng tôi vẫn thường nắm tay nhau đi dạo trên con đường hoa sữa như một thói quen. Bỗng Vy dừng lại, em khẽ cầm tay tôi đặt lên bụng mình rồi mỉm cười. Theo ký hiệu của bàn tay, tôi reo lên mừng rỡ “trong đó có một thiên thần”. Vậy là tôi được làm cha rồi. Ôm lấy Vy trong niềm vui mừng khôn xiết, tôi muốn nói với em những lời từ tận đáy lòng: “Cảm ơn em, cô giáo đặc biệt, tình yêu của đời anh!”.

Trần Tú
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top