ClockChủ Nhật, 17/11/2024 06:20

Xuân như đã về

TTH - Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Hoàng hôn chợ làngBên ngoài ô cửa có mây bay

- Anh lại trêu em rồi.

Có lẽ em không biết được, khoảnh khắc khi tôi bắt gặp ánh mắt của em ngước lên nhìn tôi, trong lòng tôi đột nhiên có một cơn mưa rào rất nhẹ, nó tưới đẫm trái tim đã vào mùa nắng từ rất lâu của bản thân mình.

 

Em nhỏ hơn tôi bảy tuổi, chúng tôi lớn lên cùng nhau trên phố thị xô bồ, chen chúc người. Nhà chúng tôi là hàng xóm của nhau từ rất lâu. Thậm chí bố của hai gia đình còn là bạn thời chiến đấu. Và anh trai em còn là bạn thân cùng lớp của tôi. Tôi vẫn còn nhớ ngày giáp Tết ấy, khi mẹ dọn chút bộn bề để vào viện thăm cô hàng xóm mới sinh, khoảnh khắc tôi nhìn vào mắt đứa trẻ ấy lòng tôi đã có chút xao động. Đó là một đôi mắt màu nâu rất rõ. Thường màu mắt sẽ nghiêng về màu đen hoặc nếu nhìn kỹ mới thấy được màu khác nhưng màu nâu trong đôi mắt em chỉ cần nhìn thoáng qua cũng thấy được. Và khi em ngày càng trưởng thành màu nâu ấy càng đậm nét và rõ ràng hơn.

- Sao anh lại ngẩn ngơ rồi?

- Anh chợt nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy em.

- Đó là chuyện của hai mươi hai năm về trước rồi ông tướng ạ.

- Em hồi đó im lặng không quấy khóc và ngoan lắm, đâu như bây giờ...

Em lại vờ hung dữ đánh tôi một cái và kỳ lạ thật, cơn mưa rào ban nãy không thấy nữa, chỉ thấy một đợt nắng rất dữ cồn cào thiêu đốt lấy tôi, làm tôi muốn nói ra những nghĩ suy trong lòng mình với người đối diện. Tình yêu, vốn là những xúc cảm kỳ lạ đến thế sao?

Hai nhà chúng tôi khá thân thiết, từ hồi còn bé mỗi khi Tết đến chúng tôi vẫn hay thường về quê chung sau đó lên phố lại. Có những năm bận rộn quá vì công việc của mỗi người thì thường cũng phải gặp nhau ở quê cho bằng được. Tôi còn nhớ mỗi khi về quê thời còn nhỏ, việc tôi thích nhất là bắt cào cào để về chiên xù ăn rất được cơm và nhặt lạc ăn mỗi khi bà làm bánh đúc. Hồi còn bé tôi cũng nghịch, mùa Tết thường gần với mùa gặt nên kết quả mùa gặt thường quyết định năm ấy Tết ăn có đầy đủ hay không. Trong khi người lớn sẽ tranh thủ những ngày giáp Tết để bộn bề công việc đồng áng thì cứ mỗi sáng sớm tinh mơ, đám trẻ chúng tôi sẽ vác rổ ra đồng. Khi ấy lũ cào cào còn ướt cánh chưa bay được bởi sương, quơ tay là đã bắt được. Khi ước chừng đã đủ chúng tôi sẽ mót lúa nổi trên nước, có khi cũng được cả rổ. Em khi ấy chỉ vừa lên bảy, vẫn thường chạy theo hai người anh của mình cùng đám bạn ra đồng từ sớm, tôi khi ấy cả nghịch, nông nổi nên thường bỏ rơi em ở tít phía sau vì ham chơi. Dáng điệu em cần mẫn chậm chạp đi theo chúng tôi đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in.

- Em vẫn còn nhớ món cào cào rang ngày đó, rất được cơm, nhưng ban đầu em “ghê” ăn không được, anh giận quá trời.

- Anh chỉ muốn em ngủ thêm chút, em lại bướng cứ đòi theo.

- Vì em muốn đi cùng anh.

Mỗi lần Tết đến, bà tôi lại thường nấu món bánh đúc lạc cho cả nhà cùng ăn, bánh đúc đặc sệt, đục đục thơm mùi gạo mới. Bà kể ngày xưa thời chiến, ngày Tết không có món gì ăn, ông thường nấu bánh đúc cho bà ăn, lại ra đồng bắt được ít cua, rưới tí riêu lên nóng thơm phưng phức đã thấy đủ đầy. Nay ông mất rồi nhưng mỗi khi những ngày xuân về bà lại nhớ tới ông, nhớ tới những lần ông cặm cụi dưới bếp chỉ để cho bà một cái bánh đúc ngon lành nên bà cũng thường nấu món này đặng cúng ông sau để cháu con ăn lấy thảo. Tôi thích khoảnh khắc đại gia đình lớn của mình quây quần ngoài sân mỗi người mỗi việc, người canh nồi bánh chưng, người trang trí lại vườn nhà, còn lũ trẻ chúng tôi thì quây quần bên nồi bánh đúc của bà xem bà quấy bánh. Thi thoảng chúng tôi lại lén ăn vụng những hạt lạc mà bà thêm vào bánh làm bà phải vờ la: “Cha bố chúng mày...”.

- Anh nhớ có lần em làm món bánh đúc mặn.

- Bánh đúc giòn nhân lạc bà làm ăn với tương bần rất ngon, nhưng ở trên phố mình kiếm được món ấy cũng khó. Nên Tết năm đó em về học với bà và bà bày cho món nhân mặn này.

Có năm vì dịch cả hai nhà không về quê được, mùa Tết năm ấy trở nên buồn, tôi chợt nhớ bà, nhớ cả món bánh đúc bà vẫn hay làm và đột nhiên năm ấy cô gái nhỏ trổ tài xuống bếp. Món bánh đúc em làm nhân tôm thịt, khi muốn ăn lại cắt thành từng miếng vuông vức vừa đủ ăn với nước mắm cà rốt bào sợi rất đậm đà thơm ngon.

Khi thi trượt đại học, tôi cố giấu mình vào một góc vì sự tủi hổ lẫn thất vọng với chính bản thân. Khi ấy không hiểu sao ở giây phút bấp bênh vô định về tương lai ấy nhất, có một cô gái nhỏ bận chiếc váy lấm lem, có lẽ vì đã vấp ngã rất nhiều lần trong khi đi tìm tôi. Tôi chỉ chợt nhớ khoảnh khắc khi tôi vừa ngẩng đầu lên đã thấy chiếc đầu nhỏ nhỏ nghiêng cúi xuống nhìn tôi và một nụ cười quen thuộc cùng đôi mắt nâu to tròn chợt cong lại như ánh trăng khuyết:

- Tìm được anh rồi, anh có muốn chơi trốn tìm cùng em nữa không?

Năm sau tôi quyết tâm thi lại và đậu vào một trường đại học gần nhà, anh trai em đi học ở xa nên tôi cũng dần thay vị trí của nó trong em. Tôi thường tranh thủ chở em đi học và đón em về, kỷ niệm của chúng tôi cứ từ từ dâng lên từng chút một. Khi tôi tốt nghiệp đại học em cũng bắt đầu vào cấp ba, chúng tôi bắt đầu có ít những thời gian bên cạnh nhau hơn, ngoại trừ việc mỗi tối vẫn gặp nhau vì là hàng xóm, vì tôi bận bươn chải với đời còn em bắt đầu với việc học gắt gao ở trường chuyên. Công việc thời gian đầu có những phức tạp khiến đôi khi tôi trở nên mệt mỏi và cáu gắt, nhưng những lúc khi em rảnh rỗi em đều hỏi han để tôi kể em nghe. Thực sự lúc ấy tôi rất ít khi kể cho em vì em khi ấy chỉ mới bước vào cấp ba, còn tôi đã buớc vào tuổi trưởng thành, sự chênh lệch tuổi tác khiến tôi có cảm giác như mình đang kể khổ với một đứa trẻ. Cho tới khi thấy em đượm buồn và cả giận nói với tôi:

- Em đã rất cố gắng để thi vào trường chuyên, để ít ra anh thấy em không trẻ con như tuổi, để anh tin tưởng khi nói chuyện như những người trưởng thành. Vẫn chưa đủ sao?

Sau lần đó tôi đột nhiên cảm thấy mình đang tồn tại những định kiến không tên với em nhất là về tuổi tác. Kỳ thực em luôn cố gắng thu hẹp khoảng cách với tôi bằng những lời khuyên, động viên và cả những tâm sự vượt tuổi. Từ đó từng chút một chúng tôi lại bước vào cuộc sống của nhau như trước... Năm tôi hai lăm, tôi lần đầu giới thiệu người yêu với gia đình vào dịp Tết, em khi ấy vừa sang nhà đã gặp người yêu tôi lần đầu tiên. Đôi mắt nâu của em trở nên đượm buồn, sau ngày ấy em chợt báo với cả gia đình và cả tôi về việc em muốn đi du học...

Em đi ba năm, đột nhiên cả tôi và em bắt đầu hình thành những khoảng cách. Ngày em thông báo với tôi thì chỉ còn non tuần nữa em đi, em thậm chí còn không cho tôi cơ hội hỏi tại sao và không cho tôi cơ hội được hiểu mùa xuân năm ấy trở nên rất buồn như vậy. Tôi vẫn tiếp tục guồng quay cuộc sống của mình với công việc bề bộn, cũng đã chia tay với mối tình mà tôi tìm vội để thử khẳng định cảm giác mình với em. Còn em dường như đang sống rất tốt nơi phương trời ấy qua những lần mẹ em kể với mẹ tôi và anh trai em thi thoảng bóng gió nói về.

- Sao mày không nói với nó cảm giác thực sự của mày, lại còn bày trò giới thiệu người yêu, để rồi giờ nó đi mất không kịp nói.

Tôi chỉ cả cười trước lời nói của thằng bạn thân. Kể từ khi từng chút một định hình tình cảm của mình với em, ban đầu tôi còn sợ đó là sự lầm tưởng của những năm tháng ở bên nhau thân thiết. Khi mọi thứ trở nên “chín” dần theo thời gian, cả tôi cũng không thể giấu được cảm xúc của mình và thằng bạn thân cũng nhận ra, nhưng tôi cấm tiệt nó không được nói với em. Tôi muốn đợi em trưởng thành và đợi em có những cảm xúc như tôi, chỉ là tôi không biết em đã đi trước khi tôi kịp nói ra lòng mình và mọi thứ trở nên dang dở. Trong suốt ba năm em đi du học, tôi chỉ thi thoảng nói chuyện với em, vì khi em đi tôi đã nghĩ có lẽ em và tôi không mang trong mình cùng một câu chuyện tình cảm. Và có thể ở một môi trường mới, có thể em sẽ tìm được người mới tốt hơn.

Tết năm ấy, em về. Sau ba năm trời tôi mới được gặp lại em. Ngay khi thấy em bước qua trước cửa, mọi thứ dường như chợt ùa về sống động như một cơn bão lòng dội vào tâm trí. Em vẫn như thế, bắt đầu mỗi khoảnh khắc với một nụ cười, dễ gây thiện cảm với người đối diện. Mái tóc được cắt ngắn ngang vai có màu xám khói rất hợp với làn da trắng ngần của em. Và đặc biệt đôi mắt màu nâu ấy vẫn nhìn chăm chăm vào tôi và đột nhiên nở một nụ cười. Em mang rất nhiều quà về cho gia đình tôi và cũng thân thiết trả lời mẹ tôi lần này em đã học xong và về hẳn. Em đột nhiên vòi vĩnh tôi chở em đi tới quán cafe quen thuộc mà chúng tôi vẫn hay ngồi những ngày Tết để nhìn dòng người qua lại.

- Anh đã kết hôn chưa?

- Em đã có người yêu chưa?

Và chúng tôi cùng cười vì câu hỏi đó, câu đầu tiên hai người nói với nhau lại là về tình trạng người đối diện. Ngay khi nghe từ “chưa” của tôi, đột nhiên tôi nghe trong gió tiếng của ai thoảng qua rất nhẹ, mang cả mùa xuân tràn về:

- Em cũng chưa. Liệu em đã đủ trưởng thành để có thể được anh nhìn một lần chưa nhỉ?

Lê Hứa Huyền Trân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt

TIN MỚI

Return to top