ClockThứ Ba, 24/12/2024 06:58

Hào quang thành phố di sản của Việt Nam

TTH - Việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài từ năm 1996 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Và sau gần 30 năm, giờ đây ước nguyện và niềm mong mỏi ấy đã trở thành hiện thực.

Thừa Thiên Huế với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóaTham gia mạng lưới thành phố sáng tạo là cơ hội phát triển bền vững thành phố văn hóa, di sản Huế

 Du khách nước ngoài tham quan Hoàng cung Huế

Trung tâm văn hóa, lịch sử của cả nước

Được xem là “quyết định lịch sử” bởi con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của TP. Huế khác với những thành phố Trung ương trước đó. Thay vì những tiêu chí liên quan đến chính trị, kinh tế, quy mô dân số…, TP. Huế được định hình với cơ chế đặc thù, phát triển theo mô hình một “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nhận định, sự kiện Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một giai đoạn phát triển mới, không chỉ riêng cho vùng đất mà còn cả Việt Nam. Đó là xu hướng mới trong sự phát triển của đất nước, trong đó văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng.

Việc đưa Huế lên vị trí mới, theo nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đó là sự quyết tâm của Trung ương, làm sao đất nước có trung tâm văn hóa, lịch sử xứng đáng. “Đây là một may mắn lớn và là điều mà Huế hướng đến trong tương lai trở thành trung tâm văn hóa, lịch sử xứng đáng của cả nước và khu vực”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói và cho rằng, đó không chỉ là niềm khích lệ cho Huế mà đi cùng là trách nhiệm nặng nề trong câu chuyện xây dựng đô thị Huế trong điều kiện mới.

 TP. Huế trực thuộc Trung ương theo hướng mô hình đô thị di sản là một sự lựa chọn đúng đắn

Và để làm được điều này cần phải có triết lý. “Nhưng nói gì thì nói, điều đầu tiên cũng phải phát triển. Huế không thể là một gian hàng đồ cũ, thay vào đó chính yếu tố phát triển mới đem lại sức hút cho quốc gia, cũng như đem lại niềm tin cho người dân. Phát triển theo cách nào là câu hỏi và là thách thức lớn”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói thêm.

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, TP. Huế trực thuộc Trung ương ngày nay mang nhiều giá trị riêng biệt. Ngoài 8 di sản thế giới  được UNESCO công nhận và vinh danh, vùng đất này có hơn 1.000 di tích, trong đó có nhiều di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Vùng đất này còn có danh thắng sông Hương, núi Ngự; vịnh biển Lăng Cô được công nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, có vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là vùng đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á…

TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế nhận định, Huế là một trong những đô thị quan trọng của Việt Nam, phản ánh quá trình phát triển của đất nước qua nhiều thế kỷ. “Lịch sử đã tạo cho Huế một không gian văn hóa đặc sắc, để ngày nay trở thành một thành phố lịch sử, thành phố văn hóa, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Các đặc điểm và giá trị lịch sử văn hóa là yếu tố tạo nên linh hồn của đô thị đặc thù, một sự nhận diện bản sắc riêng mà Huế khác với các đô thị khác, đây cũng chính là nền tảng trong cấu trúc của TP. Huế trực thuộc Trung ương”, TS. Phan Tiến Dũng lý giải.

Bài toán phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc

Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc bảo tồn đô thị di sản với TP. Huế là bài toán khó. Nếu như không có chiến lược và chính sách đúng thì sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình hình thành và giữ gìn lịch sử của đô thị đó.

Để giải thích thêm điều này, ông Dũng đã dẫn lại ý của GS. Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam – người từng có nhiều năm gắn bó với công cuộc bảo tồn di sản Huế rằng: “Huế là đô thị còn duy trì được sự cân bằng và sự hài hòa trong cả cấu trúc không gian và cả phương diện hình thái học đô thị; đồng thời lại hầu như duy trì ít biến đổi kho tàng và dòng chảy không dừng của văn hóa Kinh kỳ, sâu thẳm và tinh tế, không thể không liệt vào diện đô thị - di sản số một của Việt Nam. Huế hàm chứa rất nhiều những cái “duy nhất” và “cuối cùng”, do vậy cải tạo và hiện đại hóa nó phải dựa trên một nền tảng văn hóa ứng xử chuyên biệt”.

Với đô thị đặc thù như Huế, ngoài việc bảo vệ hệ thống di tích lịch sử văn hóa cần tiến hành kiểm kê phân loại tài sản văn hóa đô thị để có cơ sở khoa học trong việc giữ gìn hay loại bỏ những công trình ít có giá trị làm cản trở quá trình đô thị hóa. Việc triển khai các yếu tố này phải căn cứ vào những nguyên tắc mà các cơ quan thẩm quyền Việt Nam đã quy định, đồng thời đảm bảo đúng theo 5 tiêu chí mà UNESCO đã xác định: Khoa học, xã hội, tâm linh, kiến trúc, mỹ thuật và lịch sử.

Trong cơ cấu phát triển các ngành, đô thị di sản như Huế nên phải đi theo hướng bền vững, tức là ưu tiên các ngành công nghiệp không khói phù hợp với tính chất riêng của thành phố. Đồng thời, đáp ứng khả năng, tính chất của thế giới hiện đại; trong đó, chú trọng các loại hình kinh tế như: Kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế số…

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc TP. Huế trực thuộc Trung ương theo hướng mô hình đô thị di sản là một sự lựa chọn đúng đắn và Huế đang có cơ hội rất lớn để phát triển mà vẫn bảo vệ được bản sắc độc đáo của mình. Trải qua hàng chục năm nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, Cố đô Huế đang có sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều di sản đã được cứu vãn, bảo tồn và phục hồi, vẻ đẹp xưa như đang trở lại nhưng lấp lánh dưới một ánh hào quang mới - hào quang của thành phố di sản, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Huế ngày nay đã trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới, được mệnh danh là điểm không thể không đến nếu bạn muốn tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Ông Hải kể lại, khi công nhận di sản Cố đô Huế, UNESCO đã tặng cho thành phố này một slogan tuyệt vời và đầy ý nghĩa: “Huế luôn luôn mới”. Và nay TP. Huế trực thuộc Trung ương phải nỗ lực vượt qua mọi thử thách để cùng cả nước tham gia vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

TP. Huế là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 nhưng là thành phố di sản, văn hóa đầu tiên của Việt Nam, vùng đất có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận và vinh danh.


Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

Ecoba không chỉ là một cái tên, mà là dấu ấn của một cuộc cách mạng xanh trong ngành xây dựng. Được thành lập từ năm 2010, công ty đã vươn mình trở thành người tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững, kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu sâu sắc về môi trường. Công ty chính là lời giải cho bài toán hiện đại hóa mà không đánh đổi thiên nhiên – một sứ mệnh khởi nguồn từ tầm nhìn vượt thời gian.

Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững
Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho biết, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam

TIN MỚI

Return to top