ClockThứ Năm, 21/09/2023 16:28

Tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo là cơ hội phát triển bền vững thành phố văn hóa, di sản Huế

TTH.VN - Thừa Thiên Huế nằm ở vị trí trung tâm của đất nước và trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có Thành phố Huế là đô thị loại I, trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, là thành phố Festival của Việt Nam. Với vai trò là kinh đô phong kiến cuối cùng của Việt Nam, Huế có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời với những giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo, riêng có. Các giá trị di sản văn hóa nơi đây thể hiện những nét riêng đặc sắc, hấp dẫn, phong phú của một vùng văn hóa, vừa mang tính đặc thù, vừa mang tính dân tộc, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa Á - Âu.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giớiLan tỏa giá trị văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương

Trường Lang (Đại Nội). Ảnh: Bảo Minh

Hòa quyện với các di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Huế mang trong mình những kiệt tác kỳ vĩ mà thiên nhiên ban tặng. Tôn vinh thêm cho các di sản vật thể là cả một kho tàng văn hóa phi vật thể đồ sộ từ nghệ thuật dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng đến nghệ thuật cung đình. Huế còn cả hệ thống lễ hội dân gian phong phú, hệ thống làng nghề truyền thống độc đáo, nghệ thuật ẩm thực tinh tế… Chính những giá trị đặc sắc, riêng có đó mà trải qua bao thăng trầm, đổi thay của lịch sử, Huế vẫn giữ được sự hài hòa giữa cổ kính với hiện đại, giữa những yếu tố nhân tạo với môi trường thiên nhiên.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN)(1) của UNESCO được thành lập vào năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố đã xác định, sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành phố giàu về văn hóa trên thế giới; đặt sự sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa làm trọng tâm trong các kế hoạch phát triển đô thị, khuyến khích sự đầu tư vào văn hóa và sự sáng tạo như một đòn bẩy chiến lược để phát triển đô thị [1]. Kể từ khi ra đời, với sứ mệnh và cam kết rõ ràng, UCCN đã giúp các thành phố thành viên đưa sáng tạo vào cốt lõi chiến lược phát triển, nâng cao tác động của văn hóa đối với sự phát triển đô thị. Tại Việt Nam, năm 2019, thành phố Hà Nội đã được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thiết kế, tạo đòn bẩy cho các thành phố trong cả nước tham gia vào mạng lưới này. Vai trò thành phố sáng tạo đối với đô thị Huế trong tiến trình phát triển đô thị di sản bền vững đang đặt ra không chỉ là nhu cầu của Huế mà xét đến bình diện quốc gia để những giá trị văn hóa vùng miền đặc sắc được khơi dậy, tạo nên những giá trị thương hiệu văn hóa Việt có sức cạnh tranh cao tầm quốc gia và quốc tế.

Với vai trò là cố đô, những trầm tích văn hóa bao đời đã tạo cho Huế những nét đặc trưng cho đến ngày nay, những giá trị văn hóa truyền thống đó đã kết tinh tạo nên văn hóa Huế, con người Huế là những giá trị cốt lõi, là hồn cốt định hình cho phát triển đô thị Huế tương lai: đô thị di sản, văn hóa, cảnh quan, thân thiện môi trường. Quá trình phát triển đô thị Huế hướng đến đô thị di sản trong đó quan điểm phát triển hài hòa, tiếp nối giữa truyền thống với hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, giữa khí chất thâm trầm của Cố đô Huế với khí thế đổi mới sáng tạo là định hướng xuyên suốt cho phát triển đô thị Huế trong các lĩnh vực. Việc lựa chọn mô hình đô thị sáng tạo là định hướng quan trọng đối với Huế nhằm tạo ra bước chuyển đổi hài hòa trong phát triển, là cơ hội để chuyển giá trị di sản thành tài sản để người dân có thể làm giàu từ chính những gì họ đang có, đang tự hào gìn giữ.

Với định hướng phát triển nhanh trên nền tảng kinh tế tri thức và phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, việc hình thành môi trường sáng tạo vă hóa là cơ hội để Huế phát triển bền vững trong xu thế hội nhập với quan điểm văn hóa là nền tảng với những giá trị đặc trưng của di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Việc nhận diện lĩnh vực để chọn mô hình đô thị sáng tạo cho Huế đang là thách thức bởi có nhiều phương án để cân nhắc đối với Huế. Nhưng một điều phải định hướng là lĩnh vực chọn sẽ đem lại lợi ích cao nhất, bao quát nhất cho các tầng lớp dân cư, những người mà ta hay gọi là chủ nhân của thành phố, họ phải làm chủ cuộc chơi của mình, họ phải cảm nhận vai trò mà họ sáng tạo, họ tham gia và chính họ là người hưởng lợi. Một yếu tố không thể không nhắc tới là mô hình sáng tạo của Huế phải có tác động ở tầm quốc gia và quốc tế, phải góp phần cho mô hình sáng tạo quy mô quốc gia, góp phần thúc đẩy kinh tế sáng tạo không chỉ bó khung trong địa phương.

Cơ hội cho Huế khi đã có Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo, những bài học kinh nghiệm trong tiếp cận từ thủ tục đến cách thức thực hiện sẽ được thuận lợi hơn. Đi sau bao giờ cũng có cái hay. Thêm một vấn đề nữa, là Huế cần xác định quy mô thành phố hiện tại hay quy mô đô thị tương lai, mà tương lai đang trong tầm với. Thời điểm từ năm 2025, thành phố Huế sẽ được hình thành trên quy mô diện tích toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay. Thành phố Huế hiện nay sẽ được chia thành 2 quận của thành phố Huế tương lai. Lĩnh vực được chọn trong những nội dung thể hiện bản sắc của Thừa Thiên Huế để định hình thành phố sáng tạo trên phạm vi toàn tỉnh khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 Sông Hương qua TP. Huế. Ảnh: Bảo Minh

Thêm vào đó, xu hướng định hình thành phố sáng tạo đang được một số thành phố quan tâm xây dựng, nhận diện mô hình phù hợp cho từng đô thị cần phải tính toán cân nhắc và có cách nhìn khách quan, khoa học với cái nhìn quốc gia, không chạy đua danh hiệu để ai cũng có. Và những chính quyền địa phương phải cảm nhận được mình đang có gì, nhìn được chiều hướng phát triển sản phẩm đang có, đặc biệt những sản phẩm đã trở thành thương hiệu, đã đi vào tâm thức của vùng miền, đã thành thương hiệu của địa phương theo nghĩa dân gian. Các nhà tư vấn với tầm nhìn bao quát sẽ giúp địa phương tầm nhìn dài hạn, đáp ứng thị hiếu của người dùng với quy mô quốc gia, quốc tế. Những hạn chế về tầm nhìn của địa phương phải được giải đáp để có cơ sở chọn sản phẩm, lĩnh vực cho mô hình thành phố sáng tạo bền vững.

Mục tiêu xây dựng thành phố sáng tạo phải được làm rõ vai trò cho từng đối tượng, từ nhà quản lý, người hoạch định chính sách, người sáng tạo nội dung, người dân tham gia sản phẩm sáng tạo… Nói chung là, hệ sinh thái sáng tạo phải cùng chung tiếng nói để định hình và phát triển thành phố sáng tạo, để cùng hợp tác, chia sẻ, cải thiện khả năng tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa cộng đồng để tạo ra những giá trị thực trong đời sống xã hội và sẽ hưởng lợi từ chính những sản phẩm, ý tưởng của mình, góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Với vai trò là đô thị di sản, từ thuở kinh kỳ, những sản phẩm văn hóa sáng tạo đặc sắc được chọn lọc từ mọi miền đất nước để hội tụ về Huế và được phát triển, hoàn thiện ở đất kinh kỳ. Những sản phẩm văn hóa đặc sắc đó được trao truyền và không ngừng phát triển tạo nên những sản phẩm đặc trưng của xứ Huế. Giá trị sản phẩm văn hóa không dừng lại ở góc độ tiêu dùng, dịch vụ thông thường mà qua bàn tay của các nghệ nhân đã thăng hoa thành sản phẩm hàm chứa câu chuyện, có sắc thái với giá trị bản sắc riêng có - đó chính là sự khác biệt của giá trị bản địa. Bản sắc của vùng miền tạo nên giá trị khác biệt để xây dựng thương hiệu và Huế là vùng đất ẩn chứa những giá trị bản sắc đó. Những giá trị cần khai thác và khơi dậy để tạo động lực mới trong phát triển bền vững trong thời kỳ Huế với vai trò là thành phố trực thuộc Trung ương trên phạm vi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay.

Những giá trị văn hóa Huế đã được định lượng thông qua thương hiệu sản phẩm văn hóa Huế, là tài nguyên vô tận của Huế khi đã được khai thác thì sẽ sinh sôi. Muốn vậy, cần phải có sự thay đổi đồng bộ từ nhận thức đến cách làm, từ chính sách đến hành động, từ thiết kế sáng tạo đến sản phẩm thị trường và chuỗi sinh thái này sẽ được đồng bộ trong môi trường thành phố sáng tạo.

Mai vàng chốn Hoàng cung (Đại Nội). Ảnh: Bảo Minh

Việc hình thành các trung tâm sáng tạo hoạt động trong môi trường thành phố sáng tạo là cơ hội để khai thác nguồn tài nguyên văn hóa Huế, để người dân có cơ hội sáng tạo những khác biệt về giá trị sản phẩm văn hóa của mình. Mục tiêu xuyên suốt là hình thành mô hình, sản phẩm sáng tạo cụ thể nhằm tạo ra những giá trị trong nền kinh tế, phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững và quan trọng hơn, người dân sẽ là chủ thể được hưởng lợi trực tiếp, được có nhiều cơ hội hơn trong sáng tạo, duy trì những giá trị truyền thống thông qua sản phẩm của mình trong điều kiện thị trường mới với quy mô, tầm vóc quốc gia. Hình thành một lộ trình công nghiệp vă hóa, công nghiệp sáng tạo phải là mục tiêu, định hướng, là sản phẩm của thành phố sáng tạo.

Những năm qua, việc nhìn nhận giá trị văn hóa Huế đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức bảo tồn và phát huy từ góc độ quản lý cũng như thực hành để những nét đẹp văn hóa đó được gìn giữ, phát huy trong xây dựng và phát triển, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong giai đoạn tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Những giá trị đặc trưng mang thương hiệu Huế: “Huế - Kinh đô ẩm thực Việt”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Xứ sở mai vàng”… để những giá trị vốn có này được bảo tồn và trở thành những thương hiệu của Huế, nâng cao vị thế điểm đến cho du lịch Việt Nam. Những giá trị này là bài học thực tiễn sinh động về lịch sử - văn hóa cho các thế hệ, trường tồn trong đời sống dân cư. Đây cũng là cơ hội để phát huy, khai thác những tài nguyên nổi trội trong xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa của Thừa Thiên Huế và Việt Nam; thúc đẩy và lan tỏa những giá trị mà Huế phải cân nhắc để chọn mục tiêu của lĩnh vực thành phố sáng tạo.

Khảo sát của ngành du lịch về xu hướng chọn điểm đến của du khách mà tập trung đối tượng là du lịch giới trẻ đang bùng nổ. Nhiều báo cáo và dữ liệu trên khắp thế giới khẳng định giới trẻ, được xem là thế hệ giàu tiềm năng du lịch nhất, trong số đó tỷ lệ mong muốn đến những môi trường trải nghiệm, được thưởng thức văn hóa ẩm thực bản địa chiếm đến 49%. Đây phải được xem là thị trường cho sản phẩm của công nghiệp văn hóa với góc nhìn xuất khẩu tại chỗ, ở đó cơ cơ hội để đánh giá chất lượng sản phẩm để hoàn thiện cho quy mô sản xuất lớn hơn. Đây là một cơ sở để đánh giá và lựa chọn lĩnh vực sáng tạo mà thành phố đang hướng tới

Từ những giá trị cốt lõi về ẩm thực

Khi nói đến Huế, du khách không chỉ biết đến đền đài, lăng tẩm cổ kính, thành quách rêu phong, phong cảnh hữu tình, thơ mộng mà còn nói đến ẩm thực Huế vô cùng đặc biệt. Ẩm thực Huế được xem là một nghệ thuật giàu chất liệu y dược và thi ca hội họa. Ẩm thực Huế có đến 1700 món/3000 món ăn ở Việt Nam, được ghi trong Hội điển của nhà Nguyễn (2), việc chế biến nấu nướng các món ăn được xem như một nếp sống văn hóa, được diễn đạt bằng thơ xuất bản từ đầu thế kỷ XX (3).

Cơm hạt sen bổ dưỡng và đẹp mắt. Ảnh: Bảo Minh

Theo thời gian, ẩm thực Huế chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa đến từ những cộng đồng dân cư khác nhau và những đặc thù của xứ sở nên mang những sắc thái rất riêng, trở thành một phần của văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam.

Khí hậu xứ Huế khắc nghiệt, đất đai không màu mỡ, nhưng cũng nhờ thế vùng đất Huế đã tạo ra những thực phẩm đa dạng mà trong đó, có “lắm cái ngon lừng danh”. Những món ăn đặc trưng của từng vùng gắn liền với những địa danh nổi tiếng: Cồn Hến - nơi cung cấp những quả bắp nếp hạt nhỏ, dẻo mềm và loài hến thịt ngọt làm thực phẩm cho nhiều món ăn dân dã; Cánh đồng An Cựu - nơi thích nghi với giống lúa - gạo de, gạo tiến vua; Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai - một vùng nước lợ, nơi cung cấp những thủy sản ngon có tiếng bậc nhất Việt Nam. Làng quê với những cây trái đặc biệt: thanh trà Nguyệt Biều, quýt Hương Cần, măng cụt Kim Long...    

Những sản vật dưới bàn tay khéo léo của người Huế, đã trở thành những món ăn ngon, thức uống bổ dưỡng, tinh túy. Từ thuở kinh kỳ, Huế đã quy tụ những nghệ nhân ẩm thực từ mọi miền về để chế biến món ăn và mang theo cái chất văn hóa vùng của miền đó vào Kinh đô, tạo nên những món ăn và cách chế biến món ăn theo phong cách riêng để phục vụ cho hoàng gia, phục vụ yến tiệc trong cung đình, từ đó hình thành nên ẩm thực Cung đình Huế - một nét đặc thù của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân.  

Huế cũng là thủ phủ của Phật giáo xứ Đàng Trong nên có truyền thống chế biến các món ăn chay đặc sắc, phong phú. Ẩm thực chay xứ Huế không bó hẹp trong không gian nhà chùa với những món ăn đạm bạc hoặc những món chay đơn giản trong các bữa ăn gia đình vào những ngày trai kỳ, ẩm thực chay Huế đã thực sự lan tỏa và hòa cùng dòng chảy ẩm thực rộng lớn trong cộng đồng người Huế và du khách qua sự phát triển từ các nhà hàng, quán chay với rất nhiều món ăn ngon lành, độc đáo, đậm chất nghệ thuật. Sự chuyển biến này đã đưa văn hóa ẩm thực chay xứ Huế gần với thiên nhiên từ các nguyên liệu thảo mộc xanh giàu dinh dưỡng được chế biến thành những món ăn NGON - LÀNH - SẠCH - ĐẸP phục vụ đời sống cộng đồng và phát triển chuỗi du lịch ẩm thực xanh.

Ẩm thực đường phố cũng không kém phần đặc sắc ở Huế, gắn bó chặt chẽ với người dân, theo người dân xứ Huế từ khi dịch vụ du lịch ngày một phát triển; những món ăn đường phố đã dần trở nên quen thuộc với du khách và người dân đô thị. Huế, thành phố của du lịch, nên ẩm thực đường phố đã góp thêm một nét để du khách càng ấn tượng về Huế bên cạnh những nét cổ kính và đài các, cao sang.  

Đến sức sống của ẩm thực Huế

Ngày nay, khi chúng ta không còn xa lạ gì với những chủ đề “Cơm vua”, “Món ngon cung đình Huế”, “Chay Huế”, “Bánh Huế”, “Chè Huế”, “Bún bò Huế”… và ngày càng có nhiều nhu cầu đi tour du lịch kết hợp trải nghiệm ẩm thực Huế dành cho du khách trong và ngoài nước thì việc tìm về những giá trị nguyên bản của văn hóa ẩm thực Huế càng trở nên thú vị. Không chỉ giới hạn trong một hay nhiều món ăn, ẩm thực Huế còn bao gồm tất cả những phương thức chọn thực phẩm, nghệ thuật chế biến, không gian và phương tiện thể hiện, tính chất xã hội nghi lễ trong ăn uống của người Huế… đã mang đến cho đất Cố đô một thương hiệu ẩm thực riêng có. Từ đó có thể tinh lọc, nâng cấp thương hiệu ẩm thực Huế xứng tầm với vị thế vốn có, tăng cường đầu tư để phát triển bền vững loại hình du lịch ẩm thực như một “đặc sản” du lịch xứ Huế.

Người ta nói đến Huế không chỉ đơn thuần khám phá khẩu vị món ăn mà phải ăn bằng mắt. Ẩm thực Huế đa dạng, cầu kỳ trong cách chế biến thức ăn; chuyển tải đầy đủ tính mỹ thuật, tính tập thể, sự tinh tế và ngon lành… từ lâu đã trở thành một sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc. Vì thế, cùng với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, thì một trong số các tiềm năng du lịch nổi trội của Thừa Thiên Huế, ẩm thực là một trong những thế mạnh, có tính cạnh tranh cao so với các điểm đến khác trong nước.  

Ẩm thực Huế đã từng được xem là ẩm thực quốc gia của nước Đại Nam thời Nguyễn. Ẩm thực Cung đình ra khỏi cung đình từ năm 1945, sống chung với ẩm thực dân gian Huế tạo ra những hình thái ẩm thực đặc sắc riêng có của vùng đất Cố đô.

Và sáng tạo của Huế là sự thích ứng nhưng giữ gìn hồn cốt, văn hóa ẩm thực Huế

Các kỳ Festival Huế, Lễ hội Ẩm thực luôn là điểm thu hút đông đảo người thưởng thức. Không gian ẩm thực giới thiệu hàng trăm món ăn và thức uống mang phong cách ẩm thực đặc sản của từng vùng, địa phương; là cơ hội để thành phố Huế, các tỉnh, thành phố tham gia đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc riêng có của mình tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy sâu hơn hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.

Sen trắng trong Hoàng cung Huế . Ảnh: Bảo Minh

Nhằm tôn vinh giá trị ẩm thực Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” với các mục tiêu cụ thể: Hình thành thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực” và đăng ký sở hữu trí tuệ đối với một số món ăn đặc sản Huế; sưu tập, biên soạn và số hóa món ăn Huế để xây dựng Từ điển bách khoa văn hóa ẩm thực Huế; thành lập bảo tàng Ẩm thực Huế; xây dựng chuỗi cửa hàng món ăn Huế; hình thành các cơ sở đào tạo nghề chế biến món ăn Huế, đào tạo đầu bếp Huế… Những nhiệm vụ cụ thể của Đề án đã thể hiện quyết tâm của chính quyền trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực Huế trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đã vào cuộc khi triển khai các tiết học ngoại khóa về kỹ năng gia chánh cho học sinh phổ thông trung học nhằm tạo cơ hội cho các em học sinh hiểu biết hơn về giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế thông qua câu chuyện về các món ăn, thực hành kỹ năng quản trị gia đình, nâng cao khả năng tự lập và quan trọng là, để các thế hệ học sinh hiểu và tự hào về những  gì mà các bậc tiền nhân đã tạo dựng, vun đắp, trao truyền lại cho thế hệ hôm nay thông qua văn hóa ẩm thực.

Trước yêu cầu được UNESCO đặt ra cho các ứng cử viên tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo đó là sản phẩm sáng tạo "phải sống được, tạo sinh kế thực cho người sáng tạo và cộng đồng ở đó", nhiều năm qua, Huế đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo để ẩm thực phát triển, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm và thu nhập của người dân, tạo ra các sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo và hấp dẫn của Huế.  

Huế lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để tham gia “mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”, bởi đây là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa Huế, đáp ứng những nhu cầu của xã hội, đồng thời tạo cơ hội xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển tài nguyên văn hóa và con người, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO  là cơ hội cho Huế có vai trò và vị thế ngày càng lớn hơn trong quá trình hội nhập, một cơ hội chiến lược để kích thích và đổi mới các chính sách địa phương theo hướng sáng tạo và tăng cường khả năng tiếp cận quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế giữa các thành phố sáng tạo về ẩm thực. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng định hướng chiến lược về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế nói chung, trong đó có ẩm thực là rất cần thiết và nhiều ý nghĩa, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, góp phần từng bước hiện thực hóa Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố bền vững môi trường ASEAN và phấn đất đạt danh hiệu Thành phố sáng tạo về văn hóa. 

Cùng với mục tiêu xây dựng Huế trở thành “Kinh đô ẩm thực của Việt Nam” và nhiệm vụ xây dựng hồ sơ văn hóa phi vật thể tầm quốc gia và danh hiệu quốc tế, việc gia nhập UCCN mang ý nghĩa chiến lược cho di sản ẩm thực Huế, khẳng định lại vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ẩm thực, văn hóa ẩm thực Huế trong chiến lược phát triển văn hóa, du lịch của Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Tôn vinh ẩm thực Huế, chúng ta thể hiện lòng biết ơn, tri ân những bậc tiền nhân, những người lao động đã sáng tạo nên những món ăn ngon, để làm cho Huế trỗi dậy từ một đô thị cổ kính đến một thành phố văn hóa du lịch, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam vốn rất nổi tiếng về văn hóa ẩm thực.

Trong chiến lược bảo tồn và phát triển di sản ẩm thực Huế, mục tiêu trở thành “Thành phố sáng tạo về ẩm thực của UNESCO” cùng với “Kinh đô ẩm thực Việt Nam” và “hệ thống di sản UNESCO” sẽ là 3 trụ cột chính, tạo nền tảng để phát huy tiềm năng và thế mạnh, một mặt “củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước” và định vị giá trị ẩm thực Huế trên thế giới, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ khơi dậy tiềm năng công nghiệp văn hóa của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình phát triển và hội nhập.

Phan Ngọc

(1)   UCCN bao gồm 7 lĩnh vực: (1) Nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ, (2) thiết kế, (3) phim ảnh, (4) ẩm thực, (5) văn học, (6) nghệ thuật truyền thông đa phương tiện, (7) âm nhạc.

(2)   Theo sưu tập của TS Trần Đình Hằng đã có 30 cuốn sách về ẩm thực Huế xuất bản từ đầu thế kỷ XX đến nay, có 450 bài viết đăng trên báo chí, 24 tài liệu Hán Nôm (như Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ), 43 công trình nghiên cứu, hồi ký của người nước ngoài trước năm 1945 (như Souvenirs de Hué của Đức Chaigneau), có 55 bài viết về ẩm thực VN đề cập đến món ăn Huế; có 18 bài đề cập đến ẩm thực Huế trong các sách về lịch sử văn hóa Huế.

(3)   Nội Các triều Nguyễn [bản dịch Viện Sử học] (1993), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 15 tập. Ẩm thực cung đình được đề cập đến trong nhiều tập.

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

Ecoba không chỉ là một cái tên, mà là dấu ấn của một cuộc cách mạng xanh trong ngành xây dựng. Được thành lập từ năm 2010, công ty đã vươn mình trở thành người tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững, kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu sâu sắc về môi trường. Công ty chính là lời giải cho bài toán hiện đại hóa mà không đánh đổi thiên nhiên – một sứ mệnh khởi nguồn từ tầm nhìn vượt thời gian.

Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Là địa phương có lợi thế về chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, huyện Quảng Điền đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, ngừa dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, công nghiệp tập trung.

Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

TIN MỚI

Return to top