ClockThứ Sáu, 19/02/2016 09:59

Tổng thống Mỹ thăm Cuba: Dấu son mới trong quan hệ hai nước

Việc Tổng thống Mỹ có thể tới thăm Cuba vào tháng tới được cho là bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba.

Tổng thống Obama sắp có chuyến thăm lịch sử tới Cuba

Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro có cuộc gặp lịch sử tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama hồi tháng 4/2015. (Ảnh: AP).

Tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ- Cuba tiếp tục ghi nhận những bước tiến tích cực. Sau lễ ký kết Bản ghi nhớ về việc tái thiết lập các tuyến bay thương mại trực tiếp giữa hai nước sau hơn 50 năm gián đoạn, báo chí Mỹ ngày 17/2 đồng loạt đưa tin về chuyến thăm Cuba của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 3 tới. Nếu diễn ra thì đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Cuba kể từ năm 1928.

Chuyến thăm của ông Obama nếu diễn ra chỉ 15 tháng sau khi Mỹ và Cuba công bố kế hoạch bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm. Đây được cho là bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba.

Chuyến thăm gần đây nhất của một Tổng thống Mỹ tới Cuba diễn ra vào năm 1928, với chuyến thăm của Tổng thống Calvin Coolidge. Quan hệ giữa hai nước đã bị “đóng băng” vào năm 1961, khi Mỹ ban hành lệnh cấm vận đối với Cuba.

Chính vì thế, nếu diễn ra, đây sẽ là một chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử về tất cả các mặt, là dấu son trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng từng một thời gian đối địch này. Trên thực tế, Tổng thống Mỹ Obama cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn tới Cuba.

Trong cuộc trả lời phóng vấn báo chí hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Mỹ nói rằng ông muốn thăm Cuba vào năm 2016, khi tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước "đủ sâu đậm".

Thông tin về chuyến thăm Cuba của Tổng thống Mỹ Obama đưa ra chỉ một ngày sau khi hai nước ký Bản ghi nhớ về việc tái thiết lập các tuyến bay thương mại trực tiếp giữa hai nước sau hơn 50 năm gián đoạn.

Theo Bộ trưởng Giao thông Mỹ Anthony R.Foxx, đây là một sự kiện lịch sử và “việc khởi động các chuyến bay thương mại sẽ củng cố mối quan hệ song phương và mang lại lợi ích cho cả hai nước”.

“Đây là một ngày lịch sử trong quan hệ Mỹ-Cuba. Bản ghi nhớ này sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong hơn 5 thập kỷ Mỹ và Cuba nối lại các tuyến bay thương mại trực tiếp, cũng như góp phần củng cố mối quan hệ song phương và mang lại lợi ích cho cả hai nước”, Bộ trưởng R.Foxx.

Ngoài hợp tác trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đang có kế hoạch mở văn phòng tại Cuba. Trong khi đó, Cuba cũng ngày càng mở cửa hơn đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ.

Phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Phòng Thương mại Mỹ, Bộ trưởng Thương mại và đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca ngày 17/2 tuyên bố, nước này hoan nghênh các hoạt động đầu tư nước ngoài trên cơ sở tôn trọng quyền chủ quyền của nước sở tại, mà không có bất kỳ sự phân biệt nào.

“Chúng tôi sẽ hợp tác với các công ty Mỹ như với tất cả những công ty đến từ các nước khác trên thế giới, mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Chúng tôi kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Cuba, bởi đây là một thành tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Cuba. Chúng tôi không hề tạo ra các rào cản, mà muốn thúc đẩy đầu tư”, ông Rodrigo Malmierca nói.

Năm 2015 đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ Mỹ - Cuba khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao sau hơn nửa thế kỷ đóng băng, song bước tiến này sẽ như thế nào, đó là điều mà thế giới đang chờ đợi trong năm 2016 này.

Để đi tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, Mỹ và Cuba vẫn còn một chặng đường dài phía trước bởi cho tới nay Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại với Cuba, chủ yếu do vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa.

Cùng chung quan điểm với nhiều quan chức chính phủ Mỹ, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack mới đây thừa nhận, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận với Cuba  sẽ không dễ dàng, đặc biệt trong năm bầu cử Tổng thống, song ông cũng nhận định chính sách này sẽ phải kết thúc vào một thời điểm nào đó./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

TIN MỚI

Return to top