ClockThứ Tư, 08/06/2016 05:57

Thái Lan trở thành nước châu Á đầu tiên loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

TTH.VN - Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tổ chức Y tế Thế giới WHO vừa chính thức công bố, một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch này, theo tin từ AFP sáng nay (8/6).

LHQ kêu gọi hành động chung trước thềm Hội nghị cấp cao về chấm dứt đại dịch AIDSLHQ kêu gọi hành động khẩn cấp để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030

 Ảnh minh họa: ThaiHealth

"Đây là một thành tích đáng kể đối với một đất nước có hàng ngàn người sống chung với HIV. Cam kết vững chắc của Thái Lan với các nguyên tắc cốt lõi về sức khỏe cộng đồng đã hiện thực hóa việc loại bỏ lây truyền HIV và giang mai từ mẹ sang con, một bước tiến quan trọng trong việc đẩy lùi đại dịch HIV. Thái Lan đã chứng tỏ với thế giới rằng HIV có thể bị đánh bại", tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á cho biết trong buổi lễ trao chứng nhận cho Thái Lan diễn ra tại New York vào đêm qua, trước thềm Hội nghị cấp cao của LHQ về chấm dứt AIDS.

"Thái Lan đã làm thay đổi cuộc sống của hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV", Giám đốc điều hành UNAIDS (Chương trình Phối hợp của LHQ về HIV/AIDS) Michel Sidibé cho biết.

"Bằng cách đầu tư mạnh vào việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em và các biện pháp phòng chống AIDS trên quy mô quốc gia, Thái Lan đã chứng minh được rằng có nhiều cách để bảo vệ trẻ em nhằm ứng phó với đại dịch AIDS toàn cầu", ông Karin Hulshof, Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhận xét, và cho biết thêm rằng "thành tích của Thái Lan sẽ truyền cảm hứng cho các nước láng giềng để có hành động mạnh mẽ hơn nữa. Hiện vẫn còn 21.000 trẻ được sinh ra bị nhiễm HIV mỗi năm tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và hơn 200.000 trẻ em đang lớn lên cùng với HIV".

Nếu không được điều trị, 15%-45% các bà mẹ sống chung với HIV có khả năng truyền virus cho con cái mình trong khi mang thai, sinh con hoặc khi cho con bú. Nhưng việc dùng thuốc kháng virus trong thời kỳ mang thai làm giảm đáng kể nguy cơ này xuống chỉ còn hơn 1%.

Theo Bộ Y tế công cộng Thái Lan, 98% phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở nước này có thể tiếp cận với điều trị ARV và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đã giảm xuống dưới 2%. Theo số liệu của chính phủ, số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV đã giảm từ 1.000 năm 2000 xuống chỉ còn 85 vào năm ngoái, giảm hơn 90% - một thành tích đáng kể ở một quốc gia có khoảng 450.000 người đang sống với HIV vào năm 2014 và là bước tiến đủ lớn để WHO tuyên bố loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con qua.

Đồng thời, những nỗ lực bền vững và thành công trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV mới đã giúp giảm nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Theo cơ quan y tế của Thái Lan, từ năm 2000 đến năm 2014, số lượng phụ nữ nhiễm HIV mới hàng năm đã giảm từ 15.000 người xuống còn 1.900 người - giảm 87%.

Năm 2000, Thái Lan trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp thuốc kháng virus miễn phí cho tất cả các phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Khám sàng lọc virus trong thời kỳ mang thai cũng trở thành thói quen, thậm chí ở hầu hết các vùng sâu vùng xa của đất nước, WHO cho biết.

Đây là một sự thay đổi lớn đối với Thái Lan. Đất nước này đã đi từ 100.000 trường hợp nhiễm HIV vào năm 1990 lên đến hơn 1 triệu ca nhiễm HIV chỉ 3 năm sau đó, phần lớn do sự bùng nổ nạn mại dâm. Các cán bộ y tế đã phải đấu tranh để thuyết phục chính phủ có hành động.

Cuối cùng, việc phát bao cao su miễn phí trong suốt những năm cuối thập niên 1990 và triển khai rộng rãi các loại thuốc kháng virus trong năm 2000 đã có những thành công lớn và giành được lời khen ngợi rộng rãi trên cả nước.

"Tiến bộ của Thái Lan cho thấy khoa học và y học có thể thành công đến mức nào khi được củng cố bằng cam kết chính trị bền vững", Giám đốc điều hành UNAIDS Michel Sidibe cho biết trong một tuyên bố.

Nhưng vẫn còn nhiều việc cần được thực hiện. LHQ ước tính có khoảng 500.000 đang chung sống với HIV ở quốc gia này, trong khi tỷ lệ lây nhiễm đã tăng nhẹ trong những năm gần đây, đặc biệt là ở nam giới đồng tính.

Mỗi năm, 1,4 triệu phụ nữ sống chung với HIV trên toàn thế giới mang thai. Số trẻ em sinh ra hàng năm có HIV là 400.000 trẻ vào năm 2009. Đến năm 2013, con số này đã giảm xuống còn 240.000, số liệu từ WHO cho biết.

Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & UNAIDS)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thái Lan xếp thứ ba ASEAN về tỷ lệ trẻ em béo phì

Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng Thái Lan xếp thứ ba trong số các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về tình trạng béo phì ở trẻ em, với 84,1% trẻ em từ 6-14 tuổi thường xuyên ăn đồ ăn nhẹ có muối.

Thái Lan xếp thứ ba ASEAN về tỷ lệ trẻ em béo phì
WHO kêu gọi 1,5 tỷ USD giải quyết khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có

Trong bối cảnh xung đột, biến đổi khí hậu, các dịch bệnh và tình trạng di dời đang tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có, với 305 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp vào năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang kêu gọi 1,5 tỷ USD để hỗ trợ các biện pháp can thiệp y tế cứu sống trên toàn thế giới.

WHO kêu gọi 1,5 tỷ USD giải quyết khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có
Thái Lan cấm nhập khẩu phế liệu nhựa từ đầu năm 2025

Trong một nỗ lực nhằm ngăn ngừa các mối nguy hại đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, Bộ Ngoại thương Thái Lan thông báo nước này sẽ cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu phế liệu nhựa để sử dụng làm nguyên liệu thô trong các nhà máy công nghiệp kể từ ngày 1/1/2025.

Thái Lan cấm nhập khẩu phế liệu nhựa từ đầu năm 2025
Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01

TIN MỚI

Return to top