ClockChủ Nhật, 08/07/2018 15:21

Nhật Bản chạy đua với thời gian giải cứu nạn nhân lũ lụt

TTH.VN - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày hôm nay (8/7) lên tiếng cảnh báo về một "cuộc chạy đua với thời gian" để giải cứu các nạn nhân lũ lụt, trong bối cảnh các nhà chức trách của quốc gia này ban hành cảnh báo mới về những trận mưa kỷ lục, khiến ít nhất 64 người thiệt mạng.

Mưa lớn “lịch sử” tại Nhật Bản, hàng trăm ngàn người sơ tánNhật Bản: Siêu bão sẽ nhấn chìm 1/3 diện tích TokyoThủ tướng Nhật Bản cam kết giúp đỡ cho các nạn nhân lũ lụtNhật Bản: Số người thiệt mạng do mưa lũ tăng lênNhật Bản sơ tán hơn 110.000 người do mưa lũ

Người dân địa phương chờ được giải cứu trên mái của một ngôi nhà ngập nước lũ ở thành phố Kurashiki, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Những trận mưa xối xả gây ra lũ quét và lở đất trên khắp các khu vực phía tây và trung tâm của Nhật Bản, dẫn đến lệnh sơ tán đối với hơn 2 triệu người.

"Giải cứu, cứu lấy mạng sống và sơ tán là một cuộc chạy đua với thời gian. Vẫn chưa xác nhận được sự an toàn của nhiều người", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói trong cuộc gặp với một cơ quan phòng chống khủng hoảng của Chính phủ Nhật Bản, được thành lập để ứng phó với thảm họa thiên nhiên.

Trong một động thái liên quan, phát ngôn viên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga cho hay, số người tử vong sau những ngày thời tiết khắc nghiệt hiện đứng ở mức 48 người, nhưng con số này dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng thêm; khi các phương tiện truyền thông địa phương cho rằng, hơn 60 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác mất tích.

Những trận mưa lớn làm ngập hoàn toàn một số ngôi làng mạc, buộc các cư dân phải trú ẩn trên mái nhà để chờ giải cứu, giữa lúc nước lũ xoáy nguy hiểm bên dưới.

Người dân được giải cứu khỏi một khu vực bị ngập lụt ở thành phố Kurashiki, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, hơn 2 triệu người nhận được yêu cầu sơ tán, nhưng các lệnh sơ tán không bắt buộc và nhiều người vẫn ở trong nhà, bị mắc kẹt bởi nước dâng nhanh hoặc lở đất đột ngột.

Ngày 8/7, cơ quan khí tượng nước này cũng đã ban hành cảnh báo mức cao nhất đối với 2 khu vực mới, trong khi gỡ bỏ cảnh báo đối với những khu vực khác, nơi mưa đã giảm xuống.

Đường biến thành sông

Tại thị trấn Mihara, ở phía nam khu vực Hiroshima, các con đường biến thành những dòng sông đầy bùn lầy lội, chất bẩn xếp chồng lên nhau ở hai bên đường.

"Khu vực này trở thành một đại dương. Tôi lo lắng vì tôi không biết sẽ ở trong tình trạng này bao lâu", Nobue Kakumoto, một cư dân 82 tuổi ở khu vực này cho biết.

Nhân viên cứu hộ bên cạnh những ngôi nhà bị hư hại do lở đất sau mưa lớn ở thành phố Hiroshima, phía tây Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Tiếp đó ở tỉnh Okayama phía tây Nhật Bản, các hoạt động cứu hộ được khẩn trương tiến hành để sơ tán hàng trăm người, bao gồm cả trẻ em và người già từ một bệnh viện, trực thăng cũng được đưa vào để sử dụng trong công tác cứu hộ.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AFP, phát ngôn viên của văn phòng quản lý thiên tai của tỉnh Okayama, ông Mutsunari Imawaka nói rằng: "Khoảng 1.000 người đang tìm cách giải cứu vào sáng 8/7, nhưng chúng tôi chưa có một bức tranh hoàn chỉnh về thảm họa, đang ở mức khổng lồ. Chúng tôi đang nỗ lực để giải cứu họ càng sớm càng tốt. Thời gian sắp hết".

Nhà cửa bị cuốn trôi

Hơn 50.000 nhân viên cứu hộ, cảnh sát và Quân đội được huy động để ứng phó với thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng này, thảm hoạ đã khiến cho toàn bộ các ngôi làng bị ngập trong nước lụt.

Những ngôi nhà và một nhà ga đường sắt bị ngập lụt ở thành phố Kurashiki, tỉnh Okayama, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Mặc dù những cơn mưa bắt đầu hồi tuần trước khi một cơn bão đổ bộ, những trận mưa tồi tệ nhất xảy ra từ ngày 5/7, khiến 1 công nhân xây dựng bị nước lũ cuốn trôi ở phía tây Nhật Bản. Số người thiệt mạng tăng liên tục sau đó, và các điều kiện cũng làm cho các hoạt động cứu hộ gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, lũ lụt cũng làm ngừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy trên khắp khu vực bị ảnh hưởng, với nhiều báo cáo về tình trạng mất điện, nước và mạng điện thoại di động.

Thảm họa này là cuộc khủng hoảng liên quan đến mưa lớn gây thiệt hại nặng nề nhất ở Nhật Bản kể từ năm 2014, khi ít nhất 74 người tử vong do lở đất, gây ra bởi những trận mưa xối xả ở khu vực Hiroshima.

Lê Thảo (Lược dịch từ Agencies, Reuters & Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

TIN MỚI

Return to top