ClockThứ Bảy, 09/04/2016 10:14

ASEAN - Trung Quốc hợp tác chống khủng bố

Trong cuộc họp diễn ra tại Bắc Kinh hôm 7-4, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và chống khủng bố trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.

Cần đoàn kết ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và khủng hoảng di cưSingapore đẩy mạnh chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố

Một cuộc diễn tập chống khủng bố tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) - Ảnh: Reuters

“Nắm bắt thông tin tình báo quốc tế, đưa ra các đánh giá và bảo vệ các yếu nhân được coi là ưu tiên hàng đầu để tránh các cuộc tấn công khủng bố cho những hội nghị tầm cỡ như hội nghị G20

Thorsten Boelts
(sĩ quan liên lạc của cảnh sát Đức tại Bắc Kinh)

Ông Mãnh Kiến Trụ, chủ tịch Ủy ban Chính trị và pháp lý của Trung Quốc, đã phát biểu cảm ơn các nước Đông Nam Á vì đã hỗ trợ Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố. “Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ các kết nối về địa lý và văn hóa gần gũi cũng như các lợi ích chung và tương lai. Hai bên cùng chia sẻ lòng tin chung và hợp tác an ninh ngày càng bền chặt” - ông Mãnh nhìn nhận.

Ông Mãnh cho biết thêm Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước Đông Nam Á để hiện thực hóa chiến lược an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững cho châu Á. Ông kêu gọi các nước tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đẩy mạnh năng lực hợp tác chống khủng bố nhằm thiết lập một cơ chế hợp tác chống khủng bố đa phương với các đặc thù của khu vực.

Trong khi đó, theo China Daily, Bộ Công an Trung Quốc cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một mối đe dọa khác đối với Trung Quốc. Đông Nam Á hiện là khu vực chủ chốt mà IS công bố thông tin, tuyển dụng thành viên và rửa tiền, tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định. Tình báo Trung Quốc cũng quan ngại khủng bố có thể dùng các hộ chiếu đánh cắp được để vào nước này.

Cuộc đối thoại về an ninh và chống khủng bố Trung Quốc - Đông Nam Á diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để đảm bảo an ninh cho cuộc gặp G20 vào tháng 9 tới đây khi mà nước này đối mặt với “nhiệm vụ khó khăn” trong vấn đề chống khủng bố.

Theo China Daily, Bộ Công an Trung Quốc nói sự hỗ trợ này bao gồm việc đánh giá rủi ro xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào các nhà lãnh đạo thế giới đến Trung Quốc dự hội nghị và cả danh sách các tổ chức khủng bố, phần tử khủng bố có thể liên quan.

Cục Chống khủng bố thuộc Bộ Công an Trung Quốc hôm 6-4 cho hay: “Chúng tôi đang đối diện với một nhiệm vụ khó khăn trong việc đấu tranh chống khủng bố. Chúng tôi hi vọng các nước sẽ cùng Trung Quốc đảm bảo an toàn cho một cuộc họp tầm cỡ như vậy".

Thành phố Hàng Châu của Trung Quốc sẽ là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay. Lãnh đạo và các đại biểu từ hơn 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế sẽ tham dự, trong đó có các lãnh đạo đến từ Mỹ, Canada, Đức, Pháp và Nhật Bản.

Theo China Daily, Trung Quốc cũng hi vọng cảnh sát từ các nước tham gia hội nghị sẽ gửi danh sách các tổ chức khủng bố và các phần tử khủng bố có thể gây nguy hại cho hội nghị hoặc nhằm vào các vị lãnh đạo cũng như đại biểu.

Bộ Công an Trung Quốc khẳng định nước này đã có nhiều tiến bộ trong đấu tranh chống khủng bố những năm gần đây trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với những mối đe dọa khủng bố có thật. Hàng trăm thành viên thuộc Phong trào Hồi giáo Đông Thổ, tổ chức bị Liên Hiệp Quốc coi là khủng bố năm 2002, đã sang Syria và Afghanistan huấn luyện. Họ có thể quay trở về và tiến hành tấn công.

3/4 người Singapore sợ bị tấn công khủng bố

Theo khảo sát của Sunday Times (Singapore), khoảng 75% người dân Singapore lo sợ rằng chuyện đảo quốc này bị tấn công khủng bố chỉ là vấn đề thời gian.

Phần lớn trong số hơn 500 người tham gia khảo sát lo sợ bọn khủng bố có thể nhắm vào “các mục tiêu mềm”. 130 người cho rằng đó có thể là các địa điểm thu hút khách du lịch ở đảo Sentosa, 183 người khác thì lại nghĩ là các ga tàu điện ngầm (MRT) trong khi hơn 200 người thì lo sợ mục tiêu sẽ là các trung tâm mua sắm, tài chính.

Tuy nhiên, gần một nửa trong số người được hỏi thừa nhận họ sợ sân bay Changi có thể là mục tiêu dễ bị tấn công nhất.

Dù lo sợ nhưng 54% số người được hỏi tự tin cho rằng đất nước của mình đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống bị tấn công, trong khi khoảng 11% cảm thấy không chắc lắm.

Trước đó, hôm 18-3, Bộ trưởng Bộ Luật pháp kiêm nhiệm Bộ Nội vụ Singapore, ông K. Shanmugam cảnh báo Singapore đang có nguy cơ bị tấn công khủng bố ở mức cao nhất trong hàng thập kỷ qua. Chính phủ Singapore sau đó đã thành lập lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh và cho lắp đặt thêm nhiều camera an ninh trên khắp hòn đảo.

Quyết định của chính phủ nhận được sự đồng tình của người dân Singapore. 66% người Singapore cho biết họ sẵn lòng chấp hành nếu có thêm các chốt kiểm soát an ninh tại các địa điểm như sân bay, ga tàu điện ngầm và các trung tâm mua sắm.

Thêm vào đó, Chính phủ Singapore cũng đã đưa ra sáng kiến “SG Secure” với mục đích tổ chức và huấn luyện người dân tự vệ trong tình huống bị tấn công, cũng như duy trì sự hài hòa xã hội. Dự kiến chương trình này được bắt đầu triển khai từ cuối năm nay.

Theo Tuổi trẻ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN bàn về tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2045

Năm nay sẽ là năm có nhiều sự kiện đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bên cạnh địa chính trị vẫn còn nhiều phức tạp, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 sẽ sẵn sàng ra mắt vào tháng 5/2025, trong đó sẽ vạch ra lộ trình cho 770 triệu dân trong khu vực trong hai thập kỷ tới.

ASEAN bàn về tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2045
Return to top