ClockChủ Nhật, 13/01/2019 11:22

CEO Đông Á: Cuộc chiến thương mại sẽ tác động các doanh nghiệp

TTH - Hơn 70% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng, cuộc chiến thương mại sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp của họ. Trong khi đó, họ cũng đang đặt hy vọng vào trí tuệ nhân tạo (AI) và khởi nghiệp, tạp chí Nikkei ngày 7/1 trích dẫn kết quả một cuộc khảo sát trên khoảng 100 giám đốc điều hành (CEO) ở những quốc gia này cho hay.

Kinh tế ASEAN ổn định trong năm 2019WEF ASEAN: Các nước tìm cách ứng phó với chiến tranh thương mại

Trong khi hơn 70% giám đốc điều hành ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang chuẩn bị cho những tác động của cuộc chiến thương mại, nhiều công ty đang di chuyển sự chú ý sang các cơ hội từ trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Nikkei

Tác động

Cuộc khảo sát do các hãng tin Nikkei, Global Times và Maeil Business Newspaper phối hợp thực hiện chỉ ra, khoảng 79% số người được hỏi đến từ Nhật Bản, 73% từ Trung Quốc và 81% từ Hàn Quốc nhận định cuộc chiến thương mại sẽ tác động mạnh đến hoạt động của họ.

Cụ thể, các giám đốc điều hành Trung Quốc đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại cho đến nay là đặc biệt nghiêm trọng; 59% trong số đó nói rằng, họ sẽ phải điều chỉnh lại các chiến lược toàn cầu của mình, chẳng hạn như di chuyển các trung tâm sản xuất.

Tại Nhật Bản, chủ nghĩa bảo hộ lớn hơn từ Washington và Bắc Kinh được coi là nguy cơ lớn nhất trong năm 2019, ở mức 67%, tiếp theo là suy thoái kinh tế của Trung Quốc, ở mức 50%.

"Các công ty hiện đã hạn chế đầu tư vốn và niềm tin kinh doanh đang giảm", ông Tatsuo Yasunaga, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty Mitsui & Co Nhật Bản lưu ý.

Tác động cũng có thể được nhìn thấy trong sự sẵn sàng đầu tư của các công ty. Liên quan đến kế hoạch cho năm 2019, 33% các công ty Trung Quốc cho biết, họ sẽ cắt giảm mức đầu tư vào Mỹ so với năm 2018. Chỉ 14% các công ty Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư vào Trung Quốc từ mức đầu tư trong năm 2018.

Các tác động đã nổi lên trong nền kinh tế thực. Doanh số của công ty Ford Motor tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới giảm hơn 30% trong năm 2018. Nhà sản xuất ô tô Nissan Motor của Nhật Bản sẽ giảm 20% sản lượng tại 3 nhà máy chính của hãng này ở Trung Quốc.

Ngoài ra, riêng về Trung Quốc và Nhật Bản, khoảng 60% số người được hỏi ở cả 2 quốc gia này cho rằng, hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tháng 10/2018 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nhân tố chính trong mối quan hệ. Theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Trung Quốc và Nhật Bản cũng nhất trí hợp tác trên 52 dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, với tổng trị giá 20 tỷ USD.

1/2 các công ty Trung Quốc nhận định, trao đổi văn hóa và du lịch lớn hơn là cơ sở để mối quan hệ song phương được cải thiện. "Mức tiêu dùng của du khách Trung Quốc đến Nhật Bản có thể tăng lên từ 5-10 nghìn tỷ yen (tương đương 46-91 tỷ USD) nếu Nhật Bản xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt", ông Makoto Koyama, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Alibaba Group tại Nhật Bản cho biết.

Cơ hội từ AI & khởi nghiệp

Trong khi đó, hơn 70% các công ty Nhật Bản và khoảng 1/2 các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc bày tỏ mong muốn mua lại hoặc hợp tác với các công ty khởi nghiệp. Đáng chú ý, Hội chợ Công nghệ cao Trung Quốc được tổ chức vào tháng 11/2018 ở thành phố Thâm Quyến đã thu hút hơn 560.000 người tham dự chỉ trong 5 ngày, với các cuộc triển lãm đến từ hơn 3.000 công ty được giới thiệu.

Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực hàng đầu mà lãnh đạo của các công ty muốn mua lại hoặc hợp tác với những công ty khởi nghiệp, ở mức 32% đối với Trung Quốc và Nhật Bản, và 22% đối với Hàn Quốc.

Theo một cuộc khảo sát của Công ty CB Insights vào mùa hè năm ngoái, Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần số lượng “kỳ lân”, hay các công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD trong 3 năm qua, lên tới khoảng 70 công ty. Hai công ty thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc là Alibaba và Tencent Holdings đang tích cực đầu tư vào môi trường khởi nghiệp phát triển mạnh ở quốc gia này.

"Các khoản đầu tư khởi nghiệp của họ hiện đang trong giai đoạn tăng trưởng", một nguồn tin thân cận với Tencent Holdings nói thêm.

Được biết, Tencent Holdings đã dẫn đầu khoảng 3 tỷ USD tài trợ cho nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo. Alibaba cũng rót 600 triệu USD vào SenseTime, công ty khởi nghiệp AI có trụ sở tại Hồng Kông vào tháng 4/2018.

Tại Nhật Bản, 74% số người được hỏi khẳng định, các công ty của họ đang đầu tư hoặc có khả năng đầu tư vào những công ty khởi nghiệp để đảm bảo tăng trưởng, đánh dấu mức cao nhất trong cả 3 quốc gia. Tiếp ngay sau đó là Trung Quốc ở mức 53%, và Hàn Quốc ở mức 50%.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên dương 12 đảng viên trẻ tiêu biểu

Sáng 24/1, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp TP. Huế tổ chức lễ dâng hoa, báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuyên dương đảng viên trẻ xuất sắc tiêu biểu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hoạt động hướng đến kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).

Tuyên dương 12 đảng viên trẻ tiêu biểu
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Baosteel Huế cùng hành trình 10 năm phát triển và đóng góp

Công ty TNHH Baosteel Can Making (Huế Việt Nam) được nhận giấy chứng nhận đầu tư do Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cấp (nay là Ban Quản lý Khu Kinh Tế, Công nghiệp TP. Huế) vào ngày 18/6/2015. Nhà máy được đặt tại Lô B-13, Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài, phường Phú Bài, TX. Hương Thủy, TP. Huế. Đây là doanh nghiệp có vốn 100% nước ngoài (tổng vốn đầu tư là 84.833.300 USD) với ngành nghề đặc thù - ngành sản xuất lon nhôm duy nhất tại TP. Huế đến nay.

Baosteel Huế cùng hành trình 10 năm phát triển và đóng góp
Doanh nghiệp công nghệ số vươn ra biển lớn

Điểm nhấn công nghệ Việt Nam năm 2024 là sự kiện Tập đoàn NVIDIA (nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới có giá trị vốn hoá 3.550 tỷ USD đã mua lại VinBrain của Tập đoàn Vingroup, tạo dấu mốc doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vươn ra biển lớn.

Doanh nghiệp công nghệ số vươn ra biển lớn
Liên quan đến việc nâng cấp dữ liệu thuế:
Doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế theo địa chỉ quận Thuận Hoá

Việc chưa việc đồng bộ dữ liệu của cơ quan thuế do có sự thay đổi về mã định danh các đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố Huế không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chậm cập nhật các thông tin liên quan địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến một số hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế theo địa chỉ quận Thuận Hoá

TIN MỚI

Return to top