ClockThứ Năm, 15/07/2021 06:00

Xu hướng rời mặt phố, chuyển sang kinh doanh trực tuyến

TTH - Thay vì phải thuê mặt bằng kinh doanh ở các tuyến phố lớn, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến khôn lường, kéo dài, nhiều người đã chủ động thay đổi phương thức kinh doanh. Họ tìm đến thuê các mặt bằng trong kiệt ngõ, hoặc chuyển cửa hàng về ngay nhà mình để vận hành sang phương thức online, ship hàng.

Trầm lắng mặt bằng cho thuêMặt bằng kinh doanh thời COVID-19: Người cho thuê và người thuê san sẻ lẫn nhau

Người kinh doanh đang thay đổi, chuyển dần sang các phương thức buôn bán phù hợp với tình hình hiện tại

Một ngày đầu tháng 7, sau khi có thông tin về ca dịch mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh, chị Phan Thị Thảo – chuyên kinh doanh mặt hàng thời trang ở TP. Huế vẫn bình tĩnh. Những đợt dịch trước, chị luôn lo lắng bởi phải đối mặt với thực tế khi lượng khách giảm sút, trong khi các chi phí vẫn giữ nguyên. Chính những lần như thế đã giúp chị Thảo có thêm kinh nghiệm, và quyết định đổi sang phương thức kinh doanh mới sau thời gian dài chấp nhận “gánh nặng mặt tiền”.

“Thay vì thuê một mặt tiền kinh doanh trên đường chính Nguyễn Sinh Cung, mình quyết định trả mặt bằng và tìm sang một mặt bằng khác nằm sâu trong kiệt. Thay vì bán trực tiếp, mình quyết định bán bằng hình thức online, ship hàng đến tận nơi, để khách vừa hạn chế tiếp xúc, nhưng cũng có thể mua hàng”, chị Thảo chia sẻ. Đó là thời điểm khách mua sắm giảm, thời gian nghỉ dịch dài, người mua sắm trực tiếp thưa thớt trong khi các đơn hàng qua mạng ngày càng có chiều hướng tăng để thích nghi “đời sống bình thường mới”.

Sau khi “chuyển đổi” hình thức kinh doanh, bà chủ ngoài 40 tuổi đã thông báo cho khách về việc chuyển sang hình thức kinh doanh, riêng những khách hàng thân thiết nếu có nhu cầu vẫn có thể đến cửa hàng trong kiệt để xem hàng, lựa mua trực tiếp. Việc thuê mặt bằng trong hẻm giúp chị Thảo tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Tương tự, chị Như Quỳnh kinh doanh mặt hàng thời trang, nhiều năm liền thuê mặt bằng ở tuyến đường sầm uất Bà Triệu nay cũng quyết định rời mặt phố để tiết kiệm. Sau nhiều đắn đo, chị trả mặt bằng thuê hơn 10 triệu đồng/tháng, chuyển tất cả hàng hoá về trong căn hộ chung cư của mình cách đó chưa đến 1km.

“Thời gian đầu cũng hơi lúng túng, bởi nơi ở của mình trở thành mặt bằng kinh doanh. Nhưng qua một vài tháng rồi cũng quen. Quan trọng hơn, tới tháng khi tính tổng thu chi, tiết kiệm được khoản tiền mặt bằng, vô cùng hợp lý”, chị Quỳnh kể.

Đa số khách tìm đến hàng chị Quỳnh là khách quen lâu năm. Vì thế, việc quảng bá, giới thiệu hàng đến khách cũng không mấy khó khăn. Kênh bán hàng mạng xã hội được chị lập từ trước thưa vắng, ít cập nhật thì nay trở nên hiệu quả, có bao nhiêu mặt hàng được chị cập nhật liên tục, mọi người tương tác với nhau qua kênh đó. “Có người đến tận căn hộ để lấy hàng, có người yêu cầu mình ship đến tận nơi. Trường hợp bận thì có các shiper, vô cùng thuận tiện”, chị Quỳnh cho rằng, đã đến lúc thích nghi, thậm chí sự thích nghi ấy sẽ kéo dài, qua khỏi đại dịch.

Vừa khai trương cửa hàng kinh doanh giày dép ở một con kiệt trên đường Bà Triệu, anh Nguyễn Lộc, cho biết đó là quyết định đúng đắn và hợp lý vào thời điểm hiện tại. Anh Lộc trước đó đã khảo sát rất nhiều mặt bằng ở các tuyến đường chính, sầm uất nhưng mức giá được chủ cho thuê đưa ra khá cao. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các hình thức kinh doanh anh cho rằng, thời điểm khi dịch bệnh vẫn còn diễn ra thì việc kinh doanh online vẫn sẽ được ưu tiên, thông dụng.

“Đó là lý do mình thuê mặt bằng trong kiệt. Chỉ cần quảng bá tốt, khách hàng sẽ tìm đến, hoặc giao dịch trực tuyến. Mặt bằng thuê vì thế cũng chỉ làm nơi giao dịch, tiết kiệm được rất nhiều so với việc thuê mặt bằng ở ngay các tuyến đường chính, sầm uất”, anh Lộc lý giải. Người đàn ông với nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh dự báo tình hình dịch sẽ còn diễn biễn phức tạp, chưa biết khi nào mới có điểm dừng, vì thế khẳng định sẽ tiếp tục kinh doanh, nhưng cũng sẽ theo dõi để có những hướng phát triển mới. Bởi mọi thứ vẫn có thể thay đổi, xu hướng kinh doanh cũng chuyển mình theo tình hình mới.

“Sau đợt dịch này, mình tin hình thức kinh doanh sẽ chuyển đổi mạnh, nhất là kinh doanh, giao dịch trực tuyến thông qua các ứng dụng của công nghệ số. Chưa dừng lại đó, sẽ có các hình thức kinh doanh khác nữa phù hợp”, anh Lộc dự đoán.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra an toàn thực phẩm phục vụ thị trường tết

Ngày 13/1, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra một số cơ sở sản xuất mứt gừng trên địa bàn quận Phú Xuân. Hoạt động nằm trong chương trình của đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố.

Kiểm tra an toàn thực phẩm phục vụ thị trường tết
Thông tin doanh nghiệp:
Những xu hướng mới trong ngành xe nâng mà bạn cần biết

Công ty Cổ phần Xe nâng Thiên Sơn thành lập vào năm 2017 là đại diện chính thức, duy nhất của thương hiệu xe nâng Hangcha tại Việt Nam. Với tầm nhìn trở thành nhà phân phối xe nâng hàng đầu tại thị trường trong nước, Thiên Sơn cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng cao giúp doanh nghiệp nhanh chóng cập nhật xu hướng mới để duy trì tính cạnh tranh.

Những xu hướng mới trong ngành xe nâng mà bạn cần biết
Xu hướng thực phẩm toàn cầu năm 2025

Trong bối cảnh thực phẩm ngày càng “trở nên toàn cầu”, những sáng kiến phát triển ẩm thực ra đời với tốc độ ánh sáng, cộng thêm sức nặng của truyền thông xã hội, các đầu bếp trên thế giới đang ngày càng biến đổi và sáng tạo ẩm thực, trong đó mọi quy luật đều có thể bị phá vỡ. Trong năm mới 2025, dưới dây là một số xu hướng được nhận định sẽ định hình xu hướng ẩm thực toàn cầu.

Xu hướng thực phẩm toàn cầu năm 2025

TIN MỚI

Return to top