ClockThứ Ba, 13/11/2018 07:00

Trả lại mỹ quan đô thị

TTH - Đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) phối hợp với các doanh nghiệp (DN) triển khai công trình chỉnh trang cáp viễn thông (CVT) và sắp xếp cải tạo dây thuê bao (DTB) tại các tuyến đường trên địa bàn TP. Huế và các địa phương trong tỉnh.

Cải tạo, sắp xếp cáp viễn thông trên 21 tuyến đườngNgầm hóa cáp và dây thuê bao tại 18 tuyến đường TP. Huế trong năm 2017Hoàn thành bó gọn dây thuê bao tại 5 tuyến đường trung tâm

Chỉnh trang cáp và dây thuê bao tại đường Hồ Đắc Di

Khảo sát tại một số tuyến đường trên địa bàn TP. Huế, việc treo móc CVT và DTB lộn xộn không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, nguy cơ gây sự cố mất điện mà còn là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông, nhất là trong mùa mưa bão.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh và Sở Thông tin & Truyền thông, PC Thừa Thiên Huế đã chủ trì triển khai công trình chỉnh trang CVT và sắp xếp DTB tại 15 tuyến đường của TP. Huế và hai huyện Phong Điền, Quảng Điền.

Công trình triển khai từ tháng 9/2018 với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó PC Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư và góp 50% nguồn vốn, phần còn lại từ nguồn góp vốn của các DN theo tỷ lệ số lượng cáp và DTB đang treo cột điện tại mỗi tuyến đường, với chiều dài 15km, bao gồm 11 tuyến đường ở TP. Huế và 4 tuyến tại hai huyện Phong Điền, Quảng Điền.

Tại các tuyến đường, như Phạm Hồng Thái, Trương Định, Hồ Đắc Di…, sau khi hoàn tất công tác chỉnh trang, hạ độ cao cáp trên cột về cùng chiều cao dây gia cường, tháo dỡ cáp không còn sử dụng, đưa cáp vào khuyên đảm bảo kỹ thuật và tiến hành bó gọn cáp, đường phố trở nên khang trang và gọn gàng, trên các cột điện không còn tình trạng DTB rơi vãi.

Đường Bùi Thị Xuân khang trang và gọn gàng sau khi triển khai chỉnh trang cáp và sắp xếp dây thuê bao

Trưởng phòng Công nghệ thông tin, PC Thừa Thiên Huế, ông Phan Quang Nhật thông tin, trước đây trên các cột điện tình trạng CVT và DTB treo không cùng độ cao khá nhiều, một số DN viễn thông không thu hồi các DTB khi khách hàng thay đổi dịch vụ nên số lượng DTB ngày càng nhiều dẫn đến rối ren và mất mỹ quan đô thị, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo ông Nhật, hiệu quả từ đợt ra quân chỉnh trang, sắp xếp cáp và DTB lần này ngoài việc trả lại mỹ quan đô thị và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông đó là sự chung tay của các DN viễn thông, truyền hình cáp trên địa bàn. Các DN không chỉ đầu tư kinh phí mà còn huy động nhân lực, trang thiết bị, cùng với ngành điện đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang.

Theo PC Thừa Thiên Huế, đến thời điểm này DN có 87.000 cột điện với 180.000 km trung thế, 122km cáp ngầm, 2.800km hạ thế và đang cho 6 DN thuê cột để treo CVT. Năm 2019, công ty tiếp tục phối hợp với các DN chỉnh trang cáp và sắp xếp DTB tại 20 tuyến đường trên địa bàn TP. Huế, TX. Hương Trà và huyện Quảng Điền.

Trưởng chi nhánh Viettel TP. Huế, ông Ngô Hữu Hòa cho rằng, việc chỉnh trang CVT và sắp xếp DTB không chỉ đảm bảo mỹ quan đô thị, mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nên đơn vị ủng hộ và huy động nhân lực triển khai. Việc chỉnh trang sẽ giảm thiểu sự cố đường dây đứt, đảm bảo đường truyền an toàn, nhất là trong thời tiết mưa bão.

Sau khi triển khai đồng bộ tại 15 tuyến đường và đánh giá hiệu quả mang lại, cuối tháng 10/2018 PC Thừa Thiên Huế tiếp tục đầu tư thêm 600 triệu đồng triển khai thực hiện thêm 3 tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc và số lượng DTB treo móc lộn xộn nhiều, đó là Bùi Thị Xuân, Nguyễn Gia Thiều và Duy Tân. Với chiều dài 5,3km, riêng đường Bùi Thị Xuân 3,4km, công trình tiếp tục bó gọn và cho cáp vào gông, đồng thời bổ sung thêm 10 cột điện để chỉnh trang toàn bộ hệ thống đường dây ở xung quanh khu vực này.

Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông, ông Nguyễn Đức Hùng thông tin, công trình chỉnh trang CVT và sắp xếp, cải tạo DTB đã và đang được các DN tích cực triển khai, từng bước cải tạo lại hệ thống cáp và DTB trên địa bàn tỉnh. Sở đang lập dự thảo phương án chỉnh trang, sắp xếp, ngầm hóa CVT và DTB trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện trong hai năm 2019-2020 nhằm hiện đại hóa hệ thống cấp và DTB, tạo mỹ quan đô thị cho đô thị trung tâm và các huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ gìn và nâng cao vị thế cho đô thị

Để trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc thì phát triển đô thị là một trong những chương trình trọng điểm mà thành phố đã, đang và sẽ thực hiện.

Giữ gìn và nâng cao vị thế cho đô thị
Từ làm nông ở phố đến nông nghiệp đô thị

Nông nghiệp đô thị còn được gọi là trồng trọt đô thị, hoặc làm vườn đô thị. Nó cũng được hiểu có thể liên quan đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nông, lâm kết hợp, nuôi ong đô thị và làm vườn. Các hoạt động này diễn ra ở các khu vực ven đô và có thể mang những đặc điểm khác biệt.

Từ làm nông ở phố đến nông nghiệp đô thị
Đô thị hướng biển

Không chỉ tự hào vốn quý từ đô thị di sản, Huế còn có “kho báu” không gian ven biển trải dài 120km để đột phá trở thành trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở khu vực miền Trung.

Đô thị hướng biển
Thành phố “thay áo” mới

2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, thành phố Huế tập trung các nguồn lực, chỉ đạo thực hiện các dự án (DA) trọng điểm về phát triển, mở rộng không gian đô thị, nhằm tạo tính kết nối giữa hai quận Bắc và Nam thành phố.

Thành phố “thay áo” mới

TIN MỚI

Return to top