ClockThứ Năm, 08/12/2022 14:02

Nâng tầm xe buýt Huế - Bài 2: Chuyên nghiệp mới tồn tại

TTH - Những tồn tại của VTHKCC bằng xe buýt ở Huế khiến bức tranh của dịch vụ đang bị nhuốm những gam màu tối. Làm gì để thay đổi là vấn đề đặt ra.

Nâng tầm xe buýt Huế - Bài 1: Niềm vui chưa trọn vẹn

Nhiều xe buýt tuyến Lăng Cô - Huế và Huế - Nam Đông cần sớm thay thế

Xuống cấp vì nhiều lý do

Hiện nay nhiều thành phố ở Việt Nam không chỉ duy trì mô hình xe buýt nhanh, tiện ích mà còn phát triển xe buýt xanh (xe buýt điện) thân thiện với môi trường... Đáng buồn là trong khi dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt ở Huế ra đời khá sớm so với các tỉnh, thành trong khu vực được người dân tin dùng, nhưng vị thế, hình ảnh "thương hiệu" xe buýt Huế lại "xuống cấp" nhanh như vậy.

 Một cán bộ có trách nhiệm ở Sở Giao thông vận tải (GTVT) không nói thẳng nhưng hàm ý chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng "xuống cấp" của vận tải xe buýt. Trước hết, tất cả tuyến buýt trên địa bàn tỉnh không được trợ giá từ ngân sách Nhà nước, mà là xã hội hóa 100% từ đầu năm 2020. Muốn hoạt động ổn định, đơn vị kinh doanh bù lỗ 1-2 năm đầu nên đòi hỏi DN tham gia phải có tiềm lực. Tuy nhiên, hầu hết các DN tham gia hoạt động dịch vụ xe buýt ở Huế có quy mô nhỏ; kinh nghiệm hạn chế; không tập trung tăng cường năng lực, hiệu quả cạnh tranh.

Từ năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, các tuyến xe buýt ngừng hoạt động và hoạt động không hiệu quả. Hệ số trùng tuyến của các tuyến xe buýt cao, vì vậy phần nào làm giảm hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, giá xăng dầu không ổn định, tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động vận tải buýt. Sự cạnh tranh của các loại hình vận tải hành khách khác, như taxi, xe công nghệ... với chất lượng phục vụ ngày càng cao, cùng với xe trá hình, "xe dù"...  cũng khiến cho xe buýt đã khó chồng thêm khó.

Xe buýt Phương Trang tham gia hoạt động hiệu quả ở Huế. Ảnh: D. Trương

Ông Trương Nhẫn, Giám đốc HTX Ô tô huyện Phú Lộc cho rằng, hơn 6 năm tham gia hoạt động xe buýt nội tỉnh, hiện nhiều phương tiện trong đơn vị chỉ còn niên hạn sử dụng từ 1-2 năm nên xuống cấp. Từ 9 phương tiện ban đầu hiện còn 2 phương tiện hoạt động, dẫn đến rất áp lực để hoạt động khi yêu cầu không bỏ tuyến.

HTX Ô tô Phú Lộc đã kêu gọi đầu tư, nâng cấp phương tiện nhưng nhiều chủ xe không dám tham gia vì sợ lỗ. Để đầu tư 1 phương tiện buýt mới loại 40 ghế, vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng. Với nguồn vốn như vậy trong thời điểm ngân hàng siết chặt cho vay; giá nhiên liệu tăng cao, hành khách đi lại chưa ổn định thì rất khó để đầu tư phương tiện hoạt động.

Đổi mới để chuyên nghiệp, văn minh

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT, hoạt động VTHKCC bằng xe buýt luôn được đơn vị quan tâm. Sở GTVT phối hợp các ban ngành, đơn vị liên quan xây dựng, ban hành bộ khung tiêu chí chất lượng dịch vụ vận tải các tuyến xe buýt nội tỉnh, cũng như tuyến buýt liên tỉnh để chấn chỉnh, duy trì chất lượng dịch vụ, xử lý các vi phạm trong hoạt động này.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, thực trạng xe buýt Huế dù đã được ban ngành chức năng quan tâm nhưng hiện nó đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đáng nói dù các DN, đơn vị quản lý đã cam kết, song hiện nay vẫn "khoán trắng" cho thành viên có phương tiện. Để tối đa hóa lợi nhuận, người nhận khoán điều phối cho xe hoạt động sai lịch trình, thời gian biểu chạy xe; thường xuyên bỏ phiên, bỏ chuyến vào giờ thấp điểm. "Nhiều xe buýt hiện nay đã xuống cấp, cũ kỹ đang hiện hữu trên các tuyến là có thực. Thực trạng này gây ức chế, dần đánh mất thiện cảm nơi "thượng đế"- lãnh đạo Sở GTVT nhìn nhận.

Với thực trạng trên hiện nay, ngoài hoạt động VTHKCC do Công ty Vận tải Phương Trang-Chi nhánh Huế đảm trách hoạt động tại 5 tuyến nội tỉnh, hiện Sở GTVT đã tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ "đặt hàng” bằng ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải buýt theo hàng tháng với số tuyến còn lại. Mục đích này nhằm xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên, góp phần chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Cùng với giải pháp trên, hiện nay, Sở GTVT đang triển khai đề án "Điều chỉnh phương thức hoạt động, tối ưu hóa hành trình các tuyến VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2)", bắt đầu vào năm 2023 nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách đi lại thuận lợi an toàn, tạo vẻ mỹ quan của thành phố du lịch theo Quyết định số 1877/QĐ-UBND. Trên cơ sở này để sắp xếp, hoàn thiện mạng lưới xe buýt trên địa bàn thêm 18 tuyến (trong đó có 2 tuyến ngoại tỉnh Huế - Quảng Trị và Huế - Đà Nẵng). Nguồn vốn đầu tư thực hiện dự kiến hơn 436 tỷ đồng; trong đó đầu tư phương tiện khoảng 368 tỷ đồng theo phương thức xã hội hóa, đang kêu gọi các nhà đầu tư, DN tham gia đấu thầu. 18 tuyến này đi vào hoạt động (không trợ giá) đáp ứng điều kiện: phương tiện mới, đầy đủ các tiện nghi, phục vụ hài lòng hành khách, có chính sách giá vé ưu đãi cho đối tượng gia đình chính sách... để thay thế các tuyến buýt nội tỉnh hiện đang khó khăn.

Để hình ảnh, "thương hiệu" xe buýt Huế luôn đẹp trong mắt mọi người, xứng với vị thế vùng đất cố đô có bề dày văn hóa, du lịch và đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài nỗ lực của các DN, nhà đầu tư, tỉnh cần ban hành chính sách đi kèm, như hỗ trợ giúp doanh nghiệp, đơn vị tiếp cận các nguồn quỹ đầu tư phát triển của tỉnh không chỉ để đầu tư phương tiện, hạ tầng bến bãi, nhà chờ xe buýt... vì hiện nay hạng mục này mới được chú trọng khu vực nội đô TP. Huế.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP. Huế năm 2025

Sáng 1/1, Sở Du lịch TP. Huế chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Trung tại Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài, Cảng HKQT Phú Bài và Chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tại Huế, Pacific Airlines tổ chức chương trình chào mừng chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP. Huế năm 2025. Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đón chuyến bay và những du khách đầu tiên đến TP Huế năm 2025
Nâng tầm vị thế cho nền kinh tế

2024 là năm đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại ở vùng đất Cố đô. Ngoài sự kiện mang tính lịch sử trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế còn là điểm dừng chân của các nhà đầu tư lớn với những siêu dự án được động thổ và hoàn thành, góp phần nâng tầm vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước.

Nâng tầm vị thế cho nền kinh tế
Phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải

Lái xe chưa được tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); chưa cam kết về việc chạy xe đúng tốc độ quy định; công ty không cấp thẻ nhận dạng cho lái xe… Đó là những hành vi vi phạm được lực lượng nghiệp vụ của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra đối với các công ty, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải (KDVT) trên địa bàn tỉnh.

Phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải
Nâng tầm sản phẩm nông thôn đặc trưng, tiêu biểu

Xác định phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, gần đây, ngành công thương đã triển khai hiệu quả các chương trình khuyến công, góp phần nâng tầm các sản phẩm nông thôn đặc trưng, tiêu biểu và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Nâng tầm sản phẩm nông thôn đặc trưng, tiêu biểu

TIN MỚI

Return to top