ClockChủ Nhật, 19/07/2020 15:53

Khan hiếm đất đắp nền, dự án cao tốc “gặp khó”

TTH.VN - Thiếu đất đắp nền, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng các khu tái định cư (TĐC) chậm là một trong những vướng mắc gây khó khăn cho các gói thầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang triển khai.

Đảm bảo nguồn cung đất san lấp cho các công trình trọng điểmGiám sát chở đất san lấp từ dự án đường Chợ Mai - Tân MỹPhấn đấu đưa cao tốc La Sơn-Túy Loan đi vào hoạt động cuối tháng 6 nàyĐẩy nhanh tiến độ các khu tái định cư cao tốc Cam Lộ- La SơnGiải quyết vướng mắc trên các tuyến cao tốcĐường "trưng dụng" bị hư hỏng nặng nhưng chậm hoàn trảXây 3 khu tái định cư đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn tại Phong ĐiềnBan giao mặt bằng cao tốc Cam Lộ- La Sơn vào tháng 10/2019

Các khu TĐC phục vụ cao tốc Cam Lộ - La Sơn chậm tiến độ, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án

Đạt hơn 90%

Bộ GTVT tại Thông báo số 141/TB-BGTVT ngày 17/4/2020, yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn tỉnh phải bàn giao toàn bộ mặt bằng “sạch” 100% trong quý II/2020. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ GPMB, xây dựng các khu TĐC vẫn chậm, nguy cơ ảnh hưởng tiến độ chung của dự án.

Theo Sở GTVT, tính đến nay, các địa phương đã bàn giao 60,4km/66,3km mặt bằng trên toàn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh, đạt 90,1%, bao gồm cả đoạn hàn trả tuyến đường tránh. Trong đó, huyện Phong Điền đã bàn giao cho đơn vị thi công 100% mặt bằng (23,8km/23,8km), nhưng rải rác trên tuyến còn một số nhà của các hộ dân đang di chuyển nên chỉ bàn giao đường công vụ.

Công tác GPMB tại thị xã Hương Trà vướng mắc nhiều tháng nay mặc dù địa phương tích cực tháo gỡ nhưng đến nay cũng chỉ bàn giao được 19km/20,2km, còn 1,2km dự kiến bàn giao trong cuối tháng 7/2020 này.

Cụ thể, đoạn hoàn trả tuyến đường tránh đi qua địa bàn thị xã Hương Trà vẫn chưa bàn giao. Theo số liệu báo cáo của địa phương, mặt bằng sạch người dân đã chặt cây thu hoạch hoa màu được 3km, còn lại 0,8km rải rác trên tuyến một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù, Trung tâm Phát triển quỹ đất đang chuyển hồ sơ đến Phòng TN&MT để trình UBND thị xã Hương Trà ra quyết định giá trị bồi thường.

Tương tự, tại thị xã Hương Thủy vẫn còn vướng mắc trong công tác GPMB mà “điểm nghẽn” lớn nhất là tại gói thầu số 9+10 (Km81+500-Km94+500, mới chỉ bàn giao mặt bằng 11km/11,9km, dự kiến đến cuối tháng 7/2020 sẽ bàn giao xong.

Nguyên nhân, theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Hương Thủy, đoạn tuyến trên còn vướng nhà dân, địa phương đang lập phương án di dời TĐC cho các hộ dân và hội đồng đền bù GPMB thị xã quyết định hỗ trợ đền bù. Riêng tại gói thầu số 11 (Km94+500-Km99+000) đã bàn giao xong mặt bằng, người dân đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn còn rải rác một số nhà dân và cây trồng đang thu hoạch.

Công suất các mỏ khoảng 50.000m3/năm, trong khi chỉ tính riêng gói thầu số 5 và 6 cần khối lượng đất đắp nền khoảng 2 triệu m3

Theo các địa phương, giá bồi thường về công trình, vật kiến trúc và lăng mộ được áp dụng theo Quyết định số 68/2015/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 đến thời điểm hiện tại giá vật liệu xây dựng và công có biến động tăng lớn nên có nhiều ý kiến của các hộ dân không đồng ý với đơn giá bồi thường về công trình và lăng mộ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Liên quan đến các khu TĐC, mới đây, qua kiểm tra khối lượng đã bàn giao thực tế tại hiện trường và sau khi rà soát lại báo cáo của các địa phương, tiến độ cấp điện, cấp nước tại các khu TĐC không đạt yêu cầu, chậm hơn 1 tháng so với chỉ đạo của UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh công tác hoàn thiện hệ thống hạ tầng các khu TĐC, vận động các hộ dân xây dựng, chuyển nhà vào khu TĐC. Đối với vướng mắc trong GPMB, yêu cầu các địa phương nhanh chóng phê duyệt phương án, quyết định giá bồi thường để đẩy nhanh tiến độ chi trả cho các hộ dân. Các trường hợp vướng mắc chưa xác định chủ sở hữu, nguồn gốc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất giữa người dân và cơ quan giao quản lý, đề nghị thị xã Hương Trà, Hương Thủy rà soát, củng cố hồ sơ pháp lý đề xử lý.

Thiếu đất đắp nền

Gói thầu số 5,6 thuộc cao tốc Cam Lộ - La Sơn gặp khó do thiếu đất san nền

Theo Ban Quản lý Dự án (Ban QLDA) đường Hồ Chí Minh, thiếu đất đắp nền đang là một trong những “trở lực” trong việc thi công mặt đường tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Ghi nhận của PV tại gói thầu số 4,5,6 qua địa bàn huyện Phong Điền cho thấy, khối lượng đất đắp tại các gói thầu này rất lớn tuy nhiên các đơn vị thi công đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn đất đầu vào từ các mỏ.

Cụ thể, tại gói thầu số 5, đoạn Km46+200- Km52+500 (dài 6,3km) qua địa bàn xã Phong Mỹ, Phong Xuân (Phong Điền) do Liên danh Công ty TNHH Hoà Hiệp - Công ty CP XD & Đầu tư 122 Vĩnh Thịnh - Công ty CP XD CTGT Hà An đảm nhiệm thi công, đến nay đoạn tuyến này cơ bản đã GPMB xong và bàn giao đầy đủ cho nhà đầu tư.

Toàn bộ các nhà thầu đã triển khai thi công đồng loạt, đang tập trung thi công các công trình trên tuyến như cầu, cống thoát nước, hầm chui dân sinh, công tác thi công nền đường bắt đầu triển khai (phạm vi gói thầu chủ yếu là khối lượng đắp nền), tuy nhiên, khảo sát của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho thấy, các mỏ đất hiện tại trong khu vực trữ lượng hạn chế không đáp ứng nhu cầu dự án do đó khó khăn trong công tác tìm nguồn đất để đắp.

Tại gói thầu số 6, trên chiều dài 8,3 km qua các xã Phong Xuân và Phong Sơn, đoạn tuyến chạy song song với Tỉnh lộ 11B về phía tây khoảng 300-500m, do Liên danh Tổng Công ty 36 - Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát - Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch đảm nhiệm thi công.

Đến nay toàn bộ các nhà thầu đã triển khai thi công đồng loạt các hạng mục, nhưng chủ yếu tập trung thi công các hạng mục sử dụng vật liệu xi măng, còn đắp đất nền thì hạn chế do chưa tìm được nguồn đất đầu vào từ các mỏ. Còn khối lượng thi công bóc đất hữu cơ được vận chuyển đổ thải tại các bãi thải theo quy định của hồ sơ thiết kế.

“Khảo sát cho thấy chiều sâu các mỏ hiện tại các địa phương chỉ được phép lấy từ 1,5-2m, công suất các mỏ khoảng 50.000m3/năm, các mỏ đã được cấp phép khai thác thời gian dài trước đó, trong khi chỉ tính riêng gói thầu số 5 và 6 qua huyện Phong Điền cần khối lượng đất đắp nền khoảng 2 triệu m3, nên không thể đáp ứng đủ khối lượng của dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn”, ông Nguyễn Vũ Quý, Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết.

Ngoài ra, theo chủ đầu tư, do các mỏ đất trên địa bàn đều bị giới hạn công suất khai thác, đồng thời khi đất khan hiếm dẫn đến giá đất bị đẩy lên so với giá vật liệu trong đơn giá trúng thầu nên gây khó khăn cho các nhà thầu và làm chậm tiến độ đắp đất nền của dự án. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã báo cáo bộ GTVT và yêu cầu các địa phương phối hợp hỗ trợ giải quyết tình trạng này.

Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Thị ủy Hương Thủy cho rằng, hiện tại nhu cầu đất san lấp cho các công trình xây dựng rất lớn, lên đến hàng triệu m3 như ở dự án nhà ga T2 sân bay Phú Bài, khu hành chính tập trung của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế các mỏ đất san lấp được UBND tỉnh cấp phép trên địa bàn thị xã không thể đáp ứng đủ công suất, dẫn đến tình trạng trộm đất san lấp trong các điểm mỏ, khu vực cải tạo trang trại, gây ô nhiễm môi trường, nhà nước thất thu tài nguyên.

Thị xã Hương Thủy đang quán triệt các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý tại các điểm mỏ, trang trại trái phép. Ngoài ra, liên quan đến vụ việc khai thác đất trái phép tại Khe Cóc (xã Thủy Phù) mà Báo Thừa Thiên Huế online đã phản ánh, ông Lê Ngọc Sơn khẳng định đang yêu cầu Công an thị xã Hương Thủy phối hợp Phòng CSMT Công an tỉnh điều tra làm rõ, xử lý.

Gói thầu 5, 6 cao tốc Cam Lộ - La Sơn nhìn từ trên cao

Bài, ảnh, clip: Hà Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nước rút” nối thông tuyến cao tốc bắc-nam

Năm 2024 qua đi, trên “đại công trường” dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025) tiếp tục ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực và chuyển biến mạnh mẽ. Các đơn vị ngành giao thông miệt mài từng ngày, từng giờ “chạy nước rút”, tăng tốc thi công nhằm nối thông tuyến cao tốc bắc-nam.

“Nước rút” nối thông tuyến cao tốc bắc-nam

TIN MỚI

Return to top