ClockThứ Hai, 23/12/2019 06:00

Giữ “hồn" Huế khi đô thị hóa

TTH - TP. Huế dự kiến sẽ được mở rộng gấp 5 lần so với hiện tại. Theo đó, sẽ có núi, có biển, có sông…, vừa có nét cổ kính vừa có tính hiện đại.

Ưu tiên xã hội hóa phát triển dịch vụ đô thị thông minhVận hội mới mang tính chiến lượcPhát triển đô thị bền vững

Theo ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch, việc mở rộng TP. Huế rất cần thiết, nhưng để phát triển bền vững và giữ bản sắc riêng, đừng để “đô thị hóa trong văn hóa”, “hồn Huế” cần được giữ gìn.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch

Về việc mở rộng TP. Huế, ông có nhận định như thế nào?

Nhiều người nghĩ khi mở rộng thành phố sẽ đi đôi với đô thị hóa, mà khi đã đô thị hóa sẽ "mất" Huế, không còn là Huế nữa. Nhiều người cứ làm xấu đi ý nghĩa của từ đô thị hóa. Phải nhìn nhận đúng rằng, bản thân đô thị hóa là phát triển, phù hợp với quy luật chứ không phải là xấu. Đô thị hóa trong một không gian, kiến trúc, có sự sắp xếp bài bản thì đó là đô thị hóa tốt. Như nông thôn ở châu Âu, cũng đô thị hóa, việc đô thị hóa tốt đã tạo thêm nhiều dịch vụ mới, được cơ giới hóa, giao thông thuận lợi…, tạo cho đời sống thêm hiện đại, phát triển.

“Đô thị hóa trong văn hóa” có lẽ là một vấn đề còn khá mới mẻ, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Thường đô thị hóa khi phát triển sẽ kéo theo nhiều thay đổi về đời sống vật chất, lẫn tinh thần. Những nét văn hóa truyền thống, bản sắc của mỗi vùng quê, mỗi điểm đến cũng dễ bị thay đổi, không còn được gìn giữ và phát huy. Khi đó, đô thị hóa đã làm thay đổi văn hóa, điều này rất nguy hiểm, sẽ làm mất gốc, mất đi những cái được xem là nguồn cội của mỗi vùng đất.

Văn hóa là nguồn gốc, là “kim chỉ nam” cho sự phát triển về mọi mặt. Do đó, với nhiều nơi, nhất là các nước phát triển, quá trình đô thị hóa luôn xem xét và việc giữ gìn giá trị văn hóa đặc trưng được ưu tiên hàng đầu.

Diện mạo hiện đại của Huế ở khu vực bờ Nam sông Hương

Vì sao phải giữ “hồn Huế” khi đô thị hóa, thưa ông?

Bởi sẽ không có một vùng đất nào, địa phương nào trong nước và cả khu vực có sự khác biệt như ở Huế. Văn hóa Huế thật sự khác biệt, con người sống chan hòa, gần gũi. Từ mỗi một con người, tính cách đều khác biệt do được nuôi dưỡng từ vùng đất, văn hóa truyền thống ăn sâu vào từng lớp thế hệ. Sự phát triển luôn đòi hỏi có sự giao thoa, nhưng một vùng đất phát triển bền vững phải có cốt cách, cá tính riêng và “hồn Huế” chính là cái cần phát huy, là sức mạnh để các lĩnh vực khác dựa vào.

Huế vốn dĩ bình lặng, chầm chậm, hồn cốt của Huế nằm ở mỗi con người, mỗi kiến trúc, truyền thống. “Hồn Huế” gắn với đời sống, gắn với tập quán và những sinh hoạt cộng đồng, là tiếng dạ, tiếng thưa, cái cúi đầu chào hỏi của những con người mỗi khi gặp nhau. “Hồn Huế” nằm trong mỗi một con người Huế, nếu gìn giữ sẽ không bao giờ mất đi.

Một thành phố đô thị hóa hiện đại, khi điện sáng lên, đường sá to ra là điều phù hợp với quy luật phát triển, nhưng trong những hiện đại đó, văn hóa truyền thống được gìn giữ, lối sống vẫn gần gũi, những sinh hoạt cộng đồng thể hiện văn hóa vẫn được duy trì…Một sự phát triển bền vững và quan trọng là thể hiện được cốt cách riêng, trong sự văn minh.

Như vùng biển có văn hóa biển, vùng đầm phá tập quán nuôi trồng, đánh bắt, dù khi đô thị hóa đi chăng nữa, thay đổi là ở trang thiết bị đánh bắt, bảo vệ môi trường tốt hơn và làm tăng thu nhập, sinh kế tốt hơn. Con cá vẫn ngày ngày giúp phát triển kinh tế, sẽ là động lực để người dân theo nghề đánh bắt. Mà khi đã theo nghề đánh bắt thì có lễ cầu ngư đầu năm. Khi đã làm giàu từ chính nghề truyền thống thì quan trọng hơn là giữ được hồn Huế, văn hóa, tín ngưỡng.

Khi làm được điều đó, thành phố mới sẽ có những nơi hiện đại, những nơi cổ kính. Tham quan, hưởng thụ văn hóa, tham quan làng tranh, làng nghề, hưởng thụ nhịp sống hiện đại ở một điểm mới… cả thành phố mang một dáng dấp rất khác biệt.

Nét cổ kính của TP. Huế nhìn từ cao. Ảnh: Đức Phúc

Theo ông, Huế cần làm gì để quá trình đô thị hóa mà văn hóa Huế vẫn được gìn giữ?

Cần xác định cụ thể vùng nào phải gìn giữ văn hóa, phải chọn cho đúng những khu vực cần mở rộng, đánh giá kỹ càng tác động lợi, hại của việc mở rộng khu vực ấy đến xã hội bằng những chuyên đề cụ thể. Nơi nào hiện đại, nơi nào cổ kính, nơi nào cần giữ nguyên nét cổ điển của nó... Nếu sau cùng, lợi ích mà việc mở rộng ấy mang lại vượt lên trên cái mất đi thì chắc chắn là nên làm.

Nghiên cứu những mô hình kinh tế từng làng từng xã, đúng với truyền thống của vùng. Xây dựng các cụm phát triển liên quan nhau, khi về Huế thăm làng nghề thủ công sẽ kết hợp tham quan tranh, hoa giấy, các làng nghề liên quan khác. Quy định và khuyến cáo những kiểu nhà phù hợp, khuyến khích khu vực này, vùng này được làm gì… thì không bao giờ làm mất đi “hồn Huế” cả.

Về lâu dài, cần tăng cường công tác giáo dục, để các thế hệ hiểu được cái văn hóa truyền thống tốt đẹp đó. Khi đã có lòng qúy trọng, những thế hệ trẻ sẽ tự hào và mong muốn giữ “hồn Huế”. Cần triển khai sớm, vì cần có thời gian để chuẩn bị, thực hiện mới đạt hiệu quả.

Mở rộng TP. Huế là một quyết sách lớn của tỉnh, ông có góp ý gì để việc mở rộng TP. Huế được thực hiện hiệu quả hơn?

Quan trọng nhất vẫn là quy hoạch, tốn tiền bao nhiêu cũng phải làm và để làm được quy hoạch phải là những người có chuyên môn, chuyên gia. Hãy dành một khoản ngân sách xứng đáng mời các chuyên gia nghiên cứu tầm quốc gia, quốc tế vì họ có con mắt nhìn thấy các xu hướng phát triển, xu hướng của tương lai từ các nước châu Âu, châu Mỹ… để có những tư vấn phát triển tốt nhất. Giúp phân định vùng nào làm cái gì, quy mô là bao nhiêu, lượng người bao nhiêu, các dịch vụ, cơ sở vật chất cần những gì…

Đức Quang (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ vị Huế say lòng thực khách

Mệnh danh là “kinh đô ẩm thực”, làm say lòng thực khách bốn phương, thương hiệu ẩm thực Huế đã đến tận trời Tây, có mặt trên những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới.

Mỹ vị Huế say lòng thực khách
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa
Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

Chiến thắng của Lê Quang Duy Khoa, học sinh lớp 11 Anh 2, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế tại cuộc thi Quý 1 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25 đã tiếp tục mang cầu truyền hình chung kết Olympia lần thứ 3 liên tiếp về Huế.

Chàng trai mang điểm cầu Olympia về Huế

TIN MỚI

Return to top