ClockThứ Ba, 04/12/2018 06:30

Dự án giết mổ gia súc, gia cầm phía Bắc: Nhà đầu tư rút lui

TTH - Dự án (DA) cơ sở giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) tập trung phía Bắc tại phường Hương An (TX. Hương Trà) được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2017. Sau nhiều lần điều chỉnh, di dời địa điểm, đến nay DA vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Dự án giết mổ gia súc, gia cầm phía Bắc: Phải đảm bảo tiêu chí môi trườngTrúng tuyển xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung phía Bắc

Đường vào vị trí dự kiến xây dựng cơ sở giết mổ ở vùng Chòi khó khăn

Khó vì chưa có đường vào

DA do Công ty CP Cung ứng thực phẩm An Thịnh làm chủ đầu tư. Ban đầu, DA được quy hoạch tại làng Chía, thôn Bồn Trì, có diện tích đất sử dụng gần 5ha, tổng vốn đầu tư trên 58 tỷ đồng và dự kiến khởi công xây dựng quý III/2017.

Tuy nhiên, sau khi có đơn kiến nghị (ngày 20/5/2017) của 81 hộ dân thôn Bồn Trì “Vì lo ngại ô nhiễm môi trường” gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, TX. Hương Trà và phường Hương An, DA tạm ngừng triển khai.

Sau khi khảo sát, UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch, chuyển vị trí từ làng Chía sang vùng Chòi (cũng thuộc thôn Bồn Trì), đồng thời, tiến hành kiểm tra, lấy ý kiến người dân địa phương. Qua đó, tất cả đều thống nhất cao với việc chọn khu vực vùng Chòi để nhà đầu tư nghiên cứu lập DA.

Ngày 10/11/2017, Công ty CP Cung ứng thực phẩm An Thịnh có công văn gửi UBND tỉnh về việc “Công ty vẫn rất quyết tâm thực hiện DA (tại vị trí mới) nhằm tạo nguồn cung thịt sạch cho tỉnh, góp phần giải quyết đầu ra cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn”.

Trong Công văn số 8680, ngày 24/11/2017 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TX. Hương Trà và Công ty CP Cung ứng thực phẩm An Thịnh, UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư tuyến đường từ đường tránh phía Tây TP. Huế đến khu vực vùng Chòi. Việc triển khai đầu tư tuyến đường sẽ được thực hiện sau khi có chủ trương đầu tư DA tại khu đất nói trên.

Ngày 28/5/2018, UBND tỉnh có QĐ số 1113 về việc “Điều chỉnh quy hoạch cơ sở GM GSGC tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế” giai đoạn 2018-2020, trong đó, thống nhất chuyển vị trí quy hoạch xây dựng cơ sở GM GSGC tập trung tại làng Chía đến vùng Chòi”.

Chủ tịch UBND phường Hương An Phan Phước Thìn cho biết: “Sau nhiều điều chỉnh, bổ sung, vị trí mới được chọn cách nơi cũ gần 2km, nằm sâu trong núi, xa khu dân cư. Do đó, không chỉ chính quyền địa phương mà người dân cũng đồng thuận. Quan điểm của phường là tỉnh cần đôn đốc làm sớm, tạo điều kiện cho phường có thêm đường giao thông vào đây. Khi có đường vào, không chỉ DA hưởng lợi mà vùng đất xung quanh (diện tích đến 50 ha thuộc phường Hương An và Hương Chữ) cũng sẽ có điều kiện phát triển”.

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Trà Trần Xuân Anh cho rằng: “Thị xã cũng thống nhất cao, chỉ mong tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường vào. Nếu không có đường, doanh nghiệp sẽ khó triển khai”. 

Nhà đầu tư cũng nản

Nhiều năm nay, Thừa Thiên Huế đã có chủ trương xây dựng các lò GM tập trung, hiện đại nhằm từng bước chấm dứt hoạt động các lò GM thủ công, không đảm bảo vệ sinh môi trường hiện nằm rải rác trong các khu dân cư. Vì vậy, DA cơ sở giết mổ GSGC tập trung phía Bắc được kỳ vọng sẽ góp phần làm “sạch” bộ mặt thành phố, giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Ông Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc Công ty CP Cung ứng thực phẩm An Thịnh bày tỏ: “Khi được tỉnh phê duyệt DA, công ty đã mất 1 hơn năm thực hiện các thủ tục liên quan, đầu tư kinh phí đưa người đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương học tập mô hình”.

Theo ông Phương, để triển khai đầu tư DA, ông phải tham gia hàng chục cuộc họp, qua nhiều sở, ngành của tỉnh. “Chúng tôi đầu tư số tiền lớn xây dựng lò GM với mong muốn có cơ sở sạch nhưng các ban ngành mỗi nơi nói mỗi kiểu. Đường vào cơ sở GM chưa có, phải đi vòng quanh núi, trong khi chi phí làm đường rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng, công ty không thể đầu tư nên công ty quyết định rút”, ông Phương thẳng thắn.

Giám đốc Công ty An CP Cung ứng thực phẩm An Thịnh cho rằng, nếu tỉnh muốn kêu gọi nhà đầu tư vào đây thì cần làm đường trước, tạo mọi điều kiện, động viên doanh nghiệp; đồng thời, ý kiến chỉ đạo của tỉnh với các sở ngành cần thống nhất để doanh nghiệp yên tâm.

Ông Trần Công Thích Vương, Trưởng phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân – Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, Công ty CP Cung ứng thực phẩm An Thịnh là nhà đầu tư có năng lực, giờ họ xin rút, việc kêu gọi e là hơi khó. Hiện, tỉnh đang tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư mới và nếu có nhà đầu tư, tỉnh sẽ hỗ trợ làm đường vào phục vụ không riêng DA GM mà còn thu hút nhiều DA khác.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1

Ngày 7/1, chủ đầu tư dự án Osaka Huế thông tin, đơn vị đã nhận giao đất đợt 1 để đầu tư thực hiện dự án khu dân cư tại khu quy hoạch LK8, LK9, CX11 và CC5 thuộc khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế.

Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1
Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư

Trên địa bàn thành phố Huế hiện có 8 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên. Nhiều âu thuyền nhỏ, vũng neo đậu tự nhiên ở các vùng ven biển, đầm phá đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến việc phát triển hậu cần nghề cá và du lịch địa phương.

Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư

TIN MỚI

Return to top