ClockThứ Ba, 21/03/2023 07:41

Đô thị Huế: Chuyển mình theo năm tháng

TTH - Gần 50 năm sau ngày giải phóng, đô thị Huế đổi thay từng ngày, khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa, du lịch… với nhiều công trình, dự án (DA) liên tục được đầu tư, kết nối liên vùng, lan tỏa và tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm Cử tri TP.Huế phản ánh về hạ tầng dân sinh và điện chiếu sáng đô thị

leftcenterrightdel
Cầu đi bộ bằng Gỗ Lim - điểm nhấn trên dòng sông Hương 

Điểm nhấn từ các công trình

Đầu năm 2023, người dân TP. Huế vui mừng, phấn khởi khi dự án (DA) nâng cấp, chỉnh trang đường Hai Bà Trưng hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo bộ mặt cho đô thị Huế nói chung và các khu vực xung quanh tuyến đường nói riêng, đồng thời đưa tuyến phố trở nên sầm uất, hiện đại. Trước đó, đường Hà Nội - một trong những tuyến đường huyết mạch của thành phố cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng lên 36m, phù hợp với bố trí 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển, đồng thời kết nối giao thông cho đô thị trung tâm.

Ngoài các DA hạ tầng giao thông, những năm gần đây các DA thoát nước, vỉa hè, bó vỉa, nhà vệ sinh công cộng, điện chiếu sáng các tuyến đường trung tâm, các công viên, điểm xanh được đầu tư đồng bộ, không chỉ hoàn thiện hạ tầng đô thị mà còn tạo không gian vui chơi, giải trí cho người dân và du khách. Điển hình là các DA chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương được kết nối bằng 2 tuyến đường đi bộ nối từ cầu Trường Tiền đến công viên Kim Long; DA vỉa hè đường Lê Duẩn, cồn Dã Viên khu vực phía tây...

Không gian đô thị Huế không chỉ đẹp, khang trang mà hướng đến sự sang trọng và hiện đại. Những công trình đánh dấu sự phát triển của Huế liên tục được khởi công và đưa vào sử dụng, như cầu lòn đường sắt Bắc Nam tại đường Bùi Thị Xuân, 2 tuyến đường đi bộ từ cầu Trường Tiền đến chùa Linh Mụ, chỉnh trang cồn Dã Viên và các công viên Dã Viên, An Hòa, 23/8, các tuyến đường xung quanh Đại Nội, Khu đô thị mới An Vân Dương…

leftcenterrightdel
 Không gian hai bờ sông Hương thay đổi nhờ những Dự án chỉnh trang

Huế không còn là thành phố “đi ngủ sớm” khi nhiều khu phố đêm, phố đi bộ hay các trung tâm thương mại sầm uất lần lượt mọc lên ở các vị trí đắc địa, tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn thu hút du khách. Cùng với Phố đi bộ Võ Thị Sáu - Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão, Phố đêm Hoàng thành, Phố ẩm thực Nguyễn Văn Huyên, tối 26/3 tới đây TP. Huế tiếp tục khai trương Phố đi bộ Hai Bà Trưng, tạo thêm điểm đến mới phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân và du khách.

Cùng với các DA ở khu vực trung tâm thành phố, DA đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa biển Thuận An khởi công vào tháng 3/2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tạo động lực để phát triển kinh tế biển, đầm phá ở các địa phương ven biển, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, từng bước thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vào quý II/2023, dự kiến sẽ khởi công đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài với chiều dài hơn 9km, tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm TP. Huế đến sân bay Phú Bài tiếp tục là DA được người dân mong đợi.

Ngoài công tác đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị Huế, thời gian qua, thành phố huy động sức dân, phát động cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao ý thức trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị bằng những hành động cụ thể, tham gia bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà ở, đường phố, khu dân cư, xây dựng các tuyến phố văn minh, tạo lực đẩy đưa Huế ngày càng phát triển, khang trang, xanh - sạch - sáng, thân thiện với môi trường. Những chương trình ý nghĩa như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng” được tổ chức thường xuyên cùng với hoạt động hỗ trợ “Điểm vệ sinh miễn phí”… góp phần thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trong đó xác định đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 với lõi trung tâm là TP. Huế, gắn với lợi ích thiết thực của Nhân dân trên địa bàn.

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, với mục tiêu xây dựng TP. Huế trở thành hạt nhân của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường, đô thị thông minh của tỉnh, thời gian tới thành phố huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị thông minh, bền vững, đô thị xanh, là động lực cùng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình đô thị đặc thù. Trong đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, chú trọng nâng cao chất lượng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế - xã hội.

Thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ theo hướng hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống giao thông đô thị, kết nối liên vùng, có tính động lực, lan tỏa và tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong đó, tiếp tục triển khai các DA trọng điểm, như DA Di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế, đền bù giải phóng mặt bằng các DA Green City, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An, Cải thiện môi trường nước, nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu, các DA tại Khu B – Khu Đô thị mới An Vân Dương...

Hiện, thành phố đã và đang triển khai nhiều DA hạ tầng giao thông quan trọng, như DA cầu và đường 26m (đường Điềm Phùng Thị), phường Vỹ Dạ và Thủy Vân; đường dọc sông Như Ý thuộc Khu B Đô thị mới An Vân Dương, phường Thủy Vân; DA nâng cấp đường Tố Hữu nối dài; nâng cấp đường Võ Nguyên Giáp và một số DA liên quan đến hạ tầng giao thông, cầu, cấp thoát nước… trên địa bàn TP. Huế. Đối với khu hành chính tập trung, từ DA Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu DA Thừa Thiên Huế, các nhà đầu tư triển khai xây dựng công viên cây xanh và quảng trường tại Khu đô thị hành chính tỉnh thuộc Khu A - Đô thị mới An Vân Dương.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
4
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top