ClockThứ Năm, 24/09/2020 13:15
KIÊN CỐ KÈ CHỐNG SẠT LỞ BỜ BIỂN:

Đề xuất hỗ trợ 250 tỷ đồng

TTH - Sau bão số 5, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ 250 tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở bờ biển, ưu tiên các đoạn qua các xã Giang Hải, Vinh Thanh, Phú Thuận, Hải Dương với chiều dài khoảng 2,77km.

Lên kế hoạch ứng phó với cơn bão số 5

Kè biển Phú Thuận bảo vệ an toàn bờ biển

Ảnh hưởng gần 2.500 hộ dân 

Ông Nguyễn Cảnh ở xã Hải Dương (TX. Hương Trà) phản ánh, sạt lở bờ biển tại thôn Thai Dương Hạ Bắc diễn biến ngày càng phức tạp. Một thời khu vực này bị biển xâm thực sâu hàng chục mét buộc phải xây dựng khẩn cấp kè chống sạt lở. Từ khi có bờ kè, tình trạng sạt lở bờ biển giảm đáng kể, nhưng chừng một năm nay, tình trạng sạt lở lại tái diễn với mức độ ngày càng nặng.

Ảnh hưởng bão số 5 mới đây, kết hợp triều cường, bờ biển Thai Dương Hạ Bắc bị sạt lở chiều dài khoảng 300 mét, sâu 5-10 mét. Một số điểm xâm thực lấn sâu vào hàng quán ven biển của người dân và khu vực rừng dương phòng hộ.

Bờ biển Phú Thuận (Phú Vang) đi qua địa bàn các thôn An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3 đang chịu ảnh hưởng nặng nề trong các đợt bão lũ, triều cường. Chỉ riêng trong cơn bão số 5, bờ biển nơi đây bị xâm thực với chiều dài gần 2km, sâu 5-10 mét, đe dọa 64 hộ dân. Một số hộ và các công trình công cộng, giao thông chỉ còn cách bờ biển chừng 5-10 mét.

Kè biển Hải Dương phát huy tác dụng, bảo vệ an toàn bờ biển, khu dân cư trong nhiều năm qua

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Đặng Tiến Tùy thông tin, có đến hàng trăm hộ dân thuộc diện ảnh hưởng sạt lở bờ biển, trong đó 64 hộ ảnh hưởng trực tiếp buộc phải sơ tán khi có bão lớn và triều cường. Hầu hết 64 hộ đều có nguyện vọng được di dời, TĐC an toàn; trong đó, hiện có 12 hộ cần được hỗ trợ TĐC khẩn cấp. Trước đó, xã Phú Thuận cũng đã tổ chức, bố trí TĐC cho 40 hộ dân vùng sạt lở, mỗi hộ được cấp 140m2 đất ở và hỗ trợ 25 triệu đồng theo chính sách của Nhà nước.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, ông Đặng Văn Hòa thông tin, do ảnh hưởng các đợt bão, lũ những năm qua, bờ biển từ Quảng Điền đến Phú Lộc xảy ra nhiều điểm sạt lở nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của gần 2.500 hộ dân.

Mới đây, ảnh hưởng bão số 5, bờ biển tiếp tục sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 10 mét với chiều dài khoảng 6,2 km. Các điểm sạt lở tập trung tại các xã: Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (Phú Vang), Giang Hải, Lộc Vĩnh (Phú Lộc), Hải Dương (TX. Hương Trà). Cơ quan chức năng đang triển khai khảo sát, thống kê số hộ trong diện nguy hiểm, đe dọa trực tiếp nhằm có phương án bố trí TĐC an toàn.

Cần đê kè chống sạt lở

Bổ sung kinh phí xử lý khẩn cấp các khu vực sạt lở nghiêm trọng

Theo UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, các địa phương cần đề cao cảnh giác, bám sát, theo dõi diễn biến các khu vực bờ biển bị sạt lở, nguy hiểm để có biện pháp ứng phó, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân và các công trình trong mùa bão, lũ. Tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ, bổ sung nguồn kinh phí xử lý khẩn cấp các khu vực bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Rà soát, thống kê cụ thể các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm nhằm đề xuất phương án, hỗ trợ TĐC an toàn.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, ông Phan Thanh Hùng cho rằng, bố trí TĐC, hay khắc phục sự cố khẩn cấp chỉ là phương án, giải pháp trước mắt, tạm thời. Xây dựng kè biển kiên cố, vững chắc nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở, bảo vệ bờ biển và an toàn khu dân cư, đất sản xuất, các công trình mới là giải pháp lâu dài và bền vững.

Tại xã Hải Dương trước đây, có gần 300 hộ dân phải di dời, TĐC do sạt lở bờ biển. Từ khi công trình chống sạt lở bờ biển Hải Dương được xây dựng hoàn thành (năm 2014) đã không còn xảy ra tình trạng xâm thực, bảo vệ an toàn khu dân cư, ao hồ nuôi trồng thủy sản. Công trình xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương có quy mô, năng lực đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân trong điều kiện sức gió mạnh cấp 9, cấp 10.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số tuyến đê kè kiên cố chống sạt lở bờ biển tại xã Quảng Công (Quảng Điền), Phú Thuận, Thuận An (Phú Vang), Giang Hải (Phú Lộc)… Dự án (DA) chỉnh trị cửa biển Thuận An giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các công trình được đánh giá đảm bảo chất lượng, phát huy tác dụng qua các mùa bão lũ.

Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh đang triển khai DA đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền dài hơn 3km với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng. Mục tiêu công trình nhằm bảo vệ trực tiếp khu dân cư của 5 xã vùng bãi ngang ven biển với khoảng 1.316 hộ, gần 5.753 nhân khẩu, hơn 450ha đất sản xuất lúa 2 vụ, 85 ha nuôi trồng thủy sản và 14ha đất rừng phòng hộ ven biển; giữ vững nguồn sinh kế giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất…

Ông Phan Thanh Hùng thông tin, với 6,2km bờ biển bị sạt lở mới trong cơn bão số 5 vừa qua, các ban ngành đang tiếp tục theo dõi diễn biến tình trạng sạt lở; đồng thời phối hợp nghiên cứu, bàn các giải pháp kỹ thuật công trình chống sạt lở bờ biển một cách hiệu quả. Tỉnh cũng đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ 250 tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở bờ biển.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Thi công kè biển “vượt” mưa bão

Thời gian thi công ngắn, lại cận kề mùa mưa bão nên các đơn vị thi công tuyến kè biển Phú Thuận (Phú Vang) đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 12 năm 2024.

Thi công kè biển “vượt” mưa bão
Chung tay giảm nghèo

Hải Dương là địa phương ven biển, mới sáp nhập vào TP. Huế, có số hộ nghèo khá đông. Năm 2024, UBND xã đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác vận động, kêu gọi bà con xa quê hỗ trợ kinh phí nhằm hỗ trợ người nghèo thoát nghèo và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn.

Chung tay giảm nghèo

TIN MỚI

Return to top