ClockThứ Bảy, 08/01/2022 07:00
VẬN HÀNH LIÊN HẦM HẢI VÂN:

Cung đường thiên lý đặc biệt

TTH - Không còn cảnh ùn tắc, số vụ tai nạn giảm nhiều và không còn tai nạn đối đầu, thời gian lưu thông qua được rút ngắn, một số phương tiện “đặc thù” cũng được linh động cho qua… Chưa khi nào phương tiện lưu thông qua dưới lòng núi được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” lại dễ dàng, thuận lợi như thế, kể từ khi hầm Hải Vân 2 chính thức đưa vào hoạt động.

Hầm Hải Vân 2 tiếp tục hoạt động bình thườngHầm Hải Vân 2 vận hành dịp Tết Nguyên đán Tân SửuVận hành an toàn, thông suốt hầm Hải Vân 2

Đội ngũ vận hành liên hầm Hải Vân bảo trì bảng điện tử led bên trong hầm

Việc hai hầm Hải Vân cùng lúc vận hành đã mở ra một chương mới đặc biệt trong lịch sử của ngành giao thông vận tải Việt Nam, thúc đẩy kết nối phát triển hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng nói riêng, cũng như các tỉnh miền Trung và cả nước nói chung.

Rút ngắn một nửa thời gian qua hầm

Một ngày đầu năm 2022, chúng tôi quyết định theo chân một nhóm các tài xế xe Bắc – Nam qua lại nhiều vòng đoạn hầm Hải Vân nối Huế - Đà Nẵng để cảm nhận sự thay đổi sau một thời gian hầm Hải Vân 2 đưa vào vận hành. Từ thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), chúng tôi “nhảy” lên một chiếc xe tải được cầm lái bởi Nguyễn Phú Long (Bình Định) đã ấn hẹn trước đó. “Qua khỏi trạm thu phí Bắc Hải Vân cứ thế mà chạy thôi, đúng tốc độ. Khi gặp các xe trọng tải lớn chạy chậm mình có thể bật đèn tín hiệu rồi vượt, điều mà ngày trước khi lưu thông một hầm là không thể”, tài xế Long vừa điều khiến xe vừa giải thích. Từ Huế đi vào, các tài xế sẽ đi theo hướng hầm cũ, tức hầm Hải Vân 1 và ngược lại, khi đi ra sẽ theo chiều hầm Hải Vân 2, vừa vận hành một năm trở lại.

Xe đi vào hai hầm có thể chạy với vận tốc cho phép tối đa 70km/giờ, nếu không có gì thay đổi mất chừng 6 phút cho một chiều qua hầm (không kể thời gian di chuyển đường dẫn), rút ngắn gần nửa thời gian so với trước đó, khi chỉ có hầm Hải Vân 1 vận hành. Hơn 10 năm chạy xe trên cung đường thiên lý Bắc – Nam chở nông sản, tài xế Long bảo rằng chưa khi nào việc lưu thông qua hầm Hải Vân dễ dàng, thuận lợi như bây giờ. Ngày trước, khi cho xe qua cung đường hầm Hải Vân 1, dù thuận lợi hơn so với đường đèo nhưng cũng gặp vô vàn trở ngại.

Việc liên hầm Hải Vân vận hành đã cho phép một số phương tiện chở gia súc, gia cầm, xe quá khổ có thể linh động qua về

“Xe chạy đúng 1 làn, không thể vượt nếu gặp xe phía trước. Khi gặp sự cố gì trong hầm phải chờ xe cứu hộ, cứu nạn vào giải quyết nên mất rất nhiều thời gian, vất vả lắm. Đó cũng là khổ ải của hầu hết giới tài xế đường dài ngày chỉ có hầm Hải Vân 1 hoạt động” - anh Long nhớ lại.

Với giới tài xế niềm vui rút ngắn thời gian, tầm nhìn thông thoáng khi qua hầm là hiển nhiên, nhưng với giới tài xế chuyên chở các loại hàng gọi vui là “đặc chủng” có lẽ vui gấp nhiều lần. “Đặc chủng” ở đây là các loại xe chuyên chở trâu, bò, heo, gà, vịt… Bởi lẽ, ngày trước khi chỉ vận hành một hầm, phương tiện chở hàng này do có mùi hôi nặng, buộc phải đi đèo.

Khi hai hầm cùng song hành, rút ngắn thời gian, đơn vị vận hành hầm đã linh động, tùy tình hình có thể cho xe chở hàng gia súc, gia cầm qua lại. “Ngày trước, gần như các phương tiện chở gia súc, gia cầm phải đi đèo vì khi đó, hệ thống thoát khí không đáp ứng cho xe có mùi hôi qua về hầm, ảnh hưởng đến các phương tiện khác. Tuy nhiên từ khi vận hành song hầm, hệ thống thông gió thay đổi, thời gian di chuyển rút ngắn nên các phương tiện này được cho di chuyển qua về”, tài xế Trần Văn Lân (Bình Dương) chuyên chở heo từ miền Nam ra phía Bắc cho hay. Các xe này trước khi qua hầm cũng được khuyến cáo phải che phủ kín, vệ sinh sạch sẽ.

Không chỉ xe chở gia súc, gia cầm, một số xe quá khổ cũng được linh động cho qua, dù mức phí cao hơn nhưng đảm bảo an toàn, rút ngắn được thời gian so với đi đèo. Theo giới tài xế, ngày trước xe rộng 3,2m trở lên hay như xe cao 4,5m sẽ không được cho qua. Nhưng nay, xe rộng trên 3,2m hay cao khoảng 4,75m tùy theo tình hình có thể đăng ký với đơn vị quản lý hầm để được qua. Quá trình di chuyển đó, sẽ được bố trí xe dẫn đường và khóa đuôi cũng như giám sát toàn bộ hành trình từ trung tâm điều hành.

Làm chủ công nghệ, xử lý được các sự cố

Sau rất nhiều vòng quan sát và đặt lịch hẹn, chúng tôi được xếp lịch vào “tổng hành dinh” – nơi được xem là “bộ não” điều khiển toàn bộ hai đường hầm Hải Vân đặt ngay cửa hầm phía Nam. Nếu như bên ngoài là các xe chuyên dụng cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu… luôn trong tâm thế sẵn sàng, thì bên trong tổng hành dinh là hệ thống hàng trăm màn hình chiếu rõ tất cả các động tĩnh bên trong cũng như đường dẫn vào hầm, cùng với các thông số kỹ thuật vận hành. Tất cả được các kỹ sư quan sát kỹ càng, một khi có sự cố sẽ kết nối với đội ngũ ứng trực, xử lý kịp thời.

Kể từ ngày đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành, phương tiện bắt đầu lưu thông một chiều, tốc độ tối đa lên tới 70km/h

Rời tổng hành dinh, theo chân một nhóm các kỹ sư, chuyên gia vận hành hầm trên chiếc xe chuyên dụng, chúng tôi tiến sâu vào bên trong hầm Hải Vân 2 để trải nghiệm thực tế việc duy tu, bảo dưỡng các hệ thống như bảng điện led, hệ thống camera… Xe chuyên dụng vừa dựng, một thành viên đội bảo dưỡng ngay lập tức nhảy xuống di chuyển ra xa để ra tín hiệu, phân luồng xe lưu thông. Những thành viên còn lại thay nhau vào vị trí điều khiển thang di động, tiếp cận với bộ phận cần bảo dưỡng để thao tác công việc. Tất cả được thực hiện một cách nhanh gọn, chuyên nghiệp rồi tiếp tục di chuyển đến các vị trí có bảng điện, camera khác dọc theo hầm.

“Tất cả quy trình bảo dưỡng, vận hành ở trong hầm đều theo nguyên tắc, quy định đã được đơn vị đưa ra. Quá trình đó ngoài nhanh gọn còn phải đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại lẫn người làm nhiệm vụ”, Hiệp - một kỹ sư trẻ có thâm niên hơn 10 năm làm việc ở hầm Hải Vân nhấn mạnh với chúng tôi trong quá trình thị sát hầm.

Ông Võ Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (DII) – đơn vị vận hành hai hầm đường bộ Hải Vân kể rằng, từ ngày đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động đầu năm 2021, đã giải quyết được rất nhiều khó khăn, trở ngại của giao thông, phương tiện qua lại hầm. Các chỉ số mất an toàn giảm, trong khi tốc độ xe cộ bình quân qua hầm lại tăng, rút ngắn được thời gian, số vụ tai nạn, cháy nổ trong hầm cũng giảm đáng kể, không còn tình cảnh xe chạy vận tốc 30km/h… Vào các dịp quan trọng như lễ, tết không còn cảnh ùn tắc.

Từng trực tiếp vào hầm xử lý không biết bao nhiêu vụ tai nạn, nhưng theo ông Trung khi vận hành liên hầm, những vụ tai nạn nghiêm trọng không còn, đặc biệt là tình trạng xe đối đầu. Gần nhất có một chiếc xe tải khi qua hầm bỗng mất thắng, lao vào hành lang nhưng rất may tài xế không bị thương, xe hư hỏng nhẹ. Nếu thời điểm chỉ vận hành duy nhất một hầm, xe chạy ngược chiều nhau sẽ chẳng biết chuyện gì xảy ra. “Nhưng khi đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động, xe vào hầm chạy một chiều nên khi gặp sự cố, hạn chế được nhiều ẩn họa. Tôi hỏi người tài xế, người tài xế cũng thừa nhận điều đó. Nhắc chuyện này để chứng minh rằng, hầm Hải Vân 2 đưa vào hoạt động đã hạn chế được nhiều rủi ro cho phương tiện và tài xế”, ông Trung chia sẻ.

Kể từ ngày đưa hầm Hải Vân 2 đi vào hoạt động, hệ thống thông gió cũng được cải tiến hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Nếu như ngày chỉ có hầm Hải Vân 1 hoạt động, việc thông gió song hành hai hệ thống dọc (23 quạt phản lực thổi theo hướng từ bắc vào nam) và đứng (cấp xả khí trên đỉnh đèo). Còn giờ đây, liên hầm khai thác hiệu ứng pittong đẩy bụi ra khỏi hầm theo luồng xe chạy. Bằng cách này tình trạng ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn giảm hẳn.

Ngoài ra, đơn vị cũng áp dụng giao thông thông minh trong quá trình vận hành liên hầm. Từ các camera, có thể phân tích hình ảnh, vừa quan sát, vừa giám sát tốc độ từ đó dự báo được tình trạng giao thông, khoảng cách các xe, vật rơi bên trong hầm…

Để có được những tiến bộ vượt bật như thế, ông Trung cho hay đơn vị luôn chú trọng đến việc đào tạo, cập nhật bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư. “Ngày trước phải phụ thuộc chuyên gia nước ngoài, khi có sự cố gì mất thời gian, trở ngại trong trao đổi. Nhưng nay, mọi thứ đã đơn giản hơn rất nhiều, anh em đã chủ động xử lý được các sự cố, làm chủ được công nghệ, thiết bị”, ông Trung nói.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top